Sau thành công của các chuyến đưa nông dân đi tham quan, học tập tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan… những năm trước; năm nay Công ty CPPB Bình Điền tổ chức đưa gần 100 nông dân và cán bộ khuyến nông của 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long đi tham quan, học tập tại Viện lúa quốc tế (IRRI) ở Philippines (ảnh).
Gọi là đi tham qua du lịch nước ngoài nhưng thực chất là làm việc. Hai phần ba quỹ thời gian của 4 ngày, 4 đêm tại Philippines của đoàn là nghe giảng bài, gặp gỡ các nhà khoa học nghiên cứu về lúa hàng đầu thế giới và giao lưu với bà con nông dân ngay tại cánh đồng trồng lúa của họ.
Đặt câu hỏi cô bác thu lượm được gì sau chuyến đi? Ông Lữ Văn Nghệ, ở ấp An Thạnh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh hồ hởi: “Được, nhiều chớ. Tui thấy cái viện lúa này họ làm ăn bài bản lắm. Họ lưu giữ được những giống lúa mà ta đã bỏ từ vài chục năm nay, rồi lai tạo ra những giống lúa mới tốt hơn. Họ luôn hướng tới cái đích là giúp cho người nông dân thoát nghèo, tui “chịu” họ ở cái chỗ này. Xuống ruộng thăm nông dân Phi… thì tui thấy cái ý thức bảo vệ môi trường của họ rất tốt. Họ rất hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Họ không xả rác, nhất là rác thải của thuốc BVTV ra bờ ruộng, lòng kênh. Nông dân họ được nhà nước bảo hiểm khi thất mùa do thiên tai, tất nhiên họ cũng phải bỏ tiền ra đóng góp qua từng vụ, nhưng cái này hay. Qua đây thấy sản xuất lúa của mình cao hơn bạn một bậc, tui mừng và tự hào hết sức; tuy vậy mình cũng tìm ra được nhiều cái hay từ họ mà học. Quả đúng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Ông Dương Văn Khai ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, nói: “Họ tổ chức ra cái hợp tác xã ở cấp huyện. Một huyện có nhiều HTX.HTX mà tụi tôi đến thăm có tiến sĩ nông nghiệp phụ trách. Ở đó có phòng thí nghiệm, người dân đem đất ruộng lúa sau thu hoạch nhà mình tới, người ta phân tích chất đất để tư vấn cho mình vụ tới bón phân ra sao, cho “ngon”. HTX có quỹ tín dụng, do các hộ nông dân đóng góp, dùng để cho nông dân vay sản xuất với lãi suất rất thấp, hoặc hỗ trợ một phần cho người dân gặp hoạn nạn. Nhà nước hỗ trợ 50% tiền mua lúa giống, đôi khi cho không một số thuốc BVTV. Tôi thấy lạ là ở đây chỉ có sâu đục thân, sâu cuốn lá, bọ xít đen, tịch không có rày nâu phá lúa. Tôi rất “chịu” cái bảo hiểm cho nông nghiệp và nông dâ n của họ”.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Cần Thơ nhìn nhận: “IRRI có chiến lược khai thác tài nguyên một cách bền vững, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, tăng lợi nhuận cho người nông dân bằng áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Chuyến đi giúp nông dân có cơ hội tiếp cận với các nhà khoa học, mở mang được tầm nhìn, tự hào với những gì Việt Nam đã làm được, đồng thời thấy cái mình làm còn chưa tốt để khắc phục, hướng tới làm tốt hơn…”.
Thăm một câu lạc bộ trồng lúa, như một tổ hợp tác sản xuất ở Phi…, ông Kim Xai Hun, ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, một nông dân người Việt gốc Khơ-me đã tự đứng ra thành lập tổ hợp tác sản xuất, quy tụ hơn 70 hộ nông dân trồng lúa, góp được 130 ha, làm một cánh đồng mẫu.
Ông Hun chia xẻ : “Nhà mình có nhiều ruộng, 10 mẫu, mình đứng ra tập hợp bà con cùng làm với mình, mình phải lo, phải đi trước, có lúc phải bỏ tiền ra trả trước giùm bà con có khó khăn tiền công cày, công gặt… Nhưng do làm lớn hợp đồng được với những công ty cung ứng vật tư uy tín nên giá tiền công cày, tưới nước, gặt đập… thường rẻ hơn làm riêng lẻ từng hộ; lại được Công ty phân bón Bình Điền cung cấp phân bón trả chậm, không tính lãi, Công ty Phú Thịnh bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch nên bà con tham gia với mình “khỏe re”. Năng suất, lợi nhuận của mình hơn đứt anh Phi… rồi. Một năm mình làm 3 vụ, thu lãi ròng hơn 70 triệu đồng/ha, trong khi họ làm 2 vụ, chỉ lãi hơn 10 triệu đồng/ha. Tuy vậy, mình cũng phải học tập họ nhiều thứ, như lập quỹ tín dụng nông nghiệp, bảo hiểm sản xuất, không lạm dụng thuốc BVTV… Cái quỹ tín dụng vừa qua mình cũng đã có làm, mình tự bỏ tiền ra và quyên góp được hơn 200 triệu đồng, làm được mấy cây cầu thô sơ, sửa được mấy đoạn đường để bà con ra ruộng cho thuận tiện; nhưng còn “hẻo” quá. Tới đây phải tính tiếp cách gì cho cái quỹ này lớn hơn, hiệu quả hơn; cũng rất cần sự chi viện của nhà nước.
Chia xẻ với ông Hun, tiến sĩ Phạm Văn Dự, cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT nói: “Cánh đồng mẫu lớn ta làm vừa qua ở miền Tây đã khẳng định được hiệu quả, không chỉ kinh tế mà còn cả vấn đề xã hội. Tôi nghĩ đã tới lúc nhà nước quan tâm đến cái này. Nhà nước cần có chiến lược đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Bỏ tiền đầu tư để sử dụng cho hàng chục, thậm chí vài chục năm sau nên cái lợi là rất lớn. Chuyến đi này rất bổ ích, cho cả nhà khoa học, nhà quản lý nông nghiệp và người nông dân. Chúng ta học tập được nhiều về chiến lược phát triển của IRRI, đó là chiến lược bảo đảm an ninh lương thực cho toàn thế giới; sự gắn kết các chương trình trong chuỗi hoạt động như tiết kiệm phân bón, nước tưới, khắc phục sâu bệnh, bồi dưỡng đất đai, bảo quản sau thu hoạch, ứng phó kịp thời và hiệu quả với biến đổi khí hậu… tất cả nằm trong chỉnh thể phát triển không chỉ cho một năm, mười năm, mà hàng trăm năm sau…”.
Ông Dự thở dài: “Người nông dân nước ta đất ít, làm ăn manh mún, rất dễ bị đổ vỡ do thiên tai, dịch bệnh; nhìn chung họ còn nghèo khó lắm…”.
Tôi chợt nhớ tới câu nói của ông Nghệ ở Bến Cầu, Tây Ninh: “Nhà nông tụi tui làm gì có tiền để đi tham quan, du lịch nước ngoài như vầy. Vả có lo được tiền mà đi du lịch tự do thì cũng đâu có được cái sự bổ ích như chuyến đi này. Nhờ có Công ty phân bón Bình Điền…”.
Phải rồi, nhà nước làm sao lo hết được mọi việc, cho hết được mọi nhà; doanh nghiệp phải vào cuộc thôi. Những cánh đồng mẫu lớn, liên kết 4 nhà, sản xuất bền vững theo hướng GAP, trong đó nhà nào cũng được hưởng lợi; nhưng được nhiều nhất rõ ràng là nhà nông. Người nông dân sẽ phải có, phải được nhiều thứ bởi những đóng góp của mình cho xã hội. Đó là cái lẽ công bằng mà Đảng ta đang cố công xây dựng. Tôi chia sẻ sâu sắc với nỗi niềm của ông cục phó Cục Trồng trọt Phạm Văn Dư.
Đình Thế-S.Nâu