Kim ngạch xuất khẩu từ nông nghiệp đóng góp một phần quan trọng vào GDP của đất nước. Đây cũng là ngành góp phần giảm bớt phần nhập siêu khi nhiều năm qua xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản luôn xuất siêu. Dự kiến năm nay, xuất siêu mặt hàng nông sản nói chung có thể đạt 10 tỷ USD. Sản xuất nông nghiệp ngày càng khẳng định thế mạnh của Việt Nam, điều này thể hiện rõ qua những giai đoạn khủng hoảng, suy thoái, nông nghiệp trở thành bệ đỡ cho cả nền kinh tế. Nhân tố chính để tạo ra những thành quả và đóng góp này thuộc về những người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” - nông dân.
Thế nhưng ngành nông nghiệp lại chứa đựng nhiều nghịch lý. Nền tảng cho việc phát triển thiếu căn cơ. Ngân sách nhà nước đầu tư cho nông nghiệp khiêm tốn, khó tạo đòn bẩy cho nông nghiệp phát triển, số doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp chưa đầy 1%, đầu tư nước ngoài vào ngành này ngày càng giảm, chỉ chiếm 0,6% vốn FDI năm 2013. So với các ngành sản xuất khác, nông nghiệp luôn chịu nhiều thiệt thòi nhất; bà con nông dân luôn bị thua thiệt so với các tầng lớp khác. Theo cách nói ví von của tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp: “Trên người nông dân “hằn” thêm nhiều thương tích qua mỗi giai đoạn suy thoái”.
Khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu, rộng với thế giới, người nông dân không thể đứng một mình để sản xuất mà phải liên kết lại. Ở những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel… kinh tế tập thể, đặc biệt là những hợp tác xã (HTX) trong nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc giúp nông dân trụ vững, phát triển và khá giả lên. HTX những quốc gia này là đại diện nông dân làm đối tác với các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh một cách bình đẳng. Thế nhưng bất cập kéo dài của kinh tế tập thể ở Việt Nam là nguồn nhân lực thiếu và yếu, người trẻ có trình độ e ngại vào làm tại các HTX, trong khi người đang đảm nhận chức vụ chủ chốt của các HTX trình độ từ thấp đến rất thấp và thường ở độ tuổi 50, 60, thậm chí 70 tuổi. Ngay như ở TPHCM, chỉ 21% lãnh đạo HTX đạt trình độ đại học và chỉ có 8% là HTX mạnh về sản xuất kinh doanh. Luật HTX ra đời, được sửa đổi nhưng vẫn ì ạch để đưa vào cuộc sống khi vốn cùng với nguồn nhân lực là 2 nguyên nhân chính kềm hãm sự phát triển của HTX.
Ngoài hạn chế tự thân của nông dân còn có tính liên kết chưa cao, tính rủi ro vì thời tiết, thiên tai thì chính sách chưa sát với thực tế cuộc sống, cũng như quy hoạch, định hướng chiến lược cho các sản phẩm ưu tiên chưa rõ ràng, phân khúc thị trường chưa xác định được khiến cho nhà đầu tư nước ngoài (mang đến kỹ thuật và công nghệ cao cho nông nghiệp) e ngại đầu tư vào lĩnh vực này. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Định, Trưởng ban Hợp tác quốc tế Hội Nông dân Việt Nam, nghiên cứu các hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp với HTX hay nông dân hầu như phần thua thiệt rơi vào vế sau. Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã khẳng định, nông dân là nhân tố quyết định; trong xây dựng nông thôn mới, bà con nông dân chính là chủ thể xây dựng và thừa hưởng; chính nông dân là người tạo ra sản phẩm, dẫn dắt trong chuỗi giá trị nông sản. Vì vậy, thay vì xác định doanh nghiệp là trung tâm quyết định cho mối liên kết như lâu nay nhìn nhận mà cần đặt người nông dân vào vị trí trung tâm đúng nghĩa, cũng như phân chia lợi nhuận hợp lý và bình đẳng hơn mới có thể nói đến việc hình thành các chuỗi giá trị một cách bền vững.
ĐĂNG LÃM