Hôm nay 6-5, tại Tiền Giang, Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo bàn giải pháp chuyển đổi 112.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu như bắp, mè, đậu tương, đậu phộng, dưa, rau các loại… Theo đó, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ nông dân 2 triệu đồng/ha để mua hạt giống thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu vụ xuân hè, hè thu, thu đông năm 2014 và vụ đông xuân 2014 - 2015. Có thể nói, trong điều kiện giá lúa bấp bênh và khó tiêu thụ thì việc chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu là rất cần thiết nhằm đảm bảo thu nhập cho nông dân. Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, tuy nhiên việc triển khai thực hiện ở các địa phương vẫn chậm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Có thể thấy, thời gian qua nhiều loại rau màu như khoai lang, mè, bắp, huệ, rau, dưa… đều cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây lúa. Tuy nhiên, cây màu thường “thắng thế” khi gieo trồng với diện tích nhỏ, sản lượng ít; đến khi nhân rộng đại trà thì xảy ra chuyện “được mùa, dội chợ, rớt giá” và nông dân là người lãnh đủ.
Chính điều này mà ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương tỏ ra thận trọng trong việc khuyến cáo người dân bỏ lúa để chuyển sang trồng rau màu. Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL cho biết, về kỹ thuật thì ngành nông nghiệp có thể hỗ trợ nông dân sản xuất rau màu quanh năm, đảm bảo năng suất và chất lượng cao. Thế nhưng, việc bán ở đâu, ai mua, giá bao nhiêu… mới là vấn đề nan giải. Vấn đề này vượt ngoài tầm với của ngành nông nghiệp. Nhiều ý kiến đặt câu hỏi về trách nhiệm của ngành công thương, các trung tâm xúc tiến thương mại, doanh nghiệp, hợp tác xã… đã làm gì mà tới nay nhiều sản phẩm nông thủy sản vẫn tắc đầu ra. Do đó, nhà nước dù có chủ trương chuyển đổi cây trồng nhưng ngành nông nghiệp và nông dân vẫn lo về thị trường tiêu thụ, nên chưa dám làm là chuyện hiển nhiên.
Song song cùng việc chuyển đổi cây trồng thì Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành chính sách tái cơ cấu và gia hạn nợ thêm 3 năm đối với người nuôi tôm, cá tra gặp khó khăn; đồng thời yêu cầu các ngân hàng xem xét cho vay mới để nông dân có điều kiện tái sản xuất trở lại. Cơ chế là vậy, tuy nhiên khi triển khai thực hiện mới thấy nhiều vướng mắc. Ông Võ Văn Đệ, hộ nuôi cá tra chuyên nghiệp ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ) cho hay: “Hơn 3 năm nay người nuôi cá tra lỗ te tua, nên khi nghe Chính phủ có cơ chế khoanh nợ và cho vay mới khiến nhiều hộ mừng hết biết. Thế nhưng tụi tui chạy tìm các cơ quan chức năng và ngân hàng để đề nghị vay vốn tái đầu tư nuôi cá tra trở lại thì ai cũng lắc đầu. Ngân hàng đưa ra lý lẽ là nợ quá hạn, nợ xấu, rồi nghề nuôi cá tra nhiều rủi ro… cuối cùng họ từ chối không chịu cho vay. Không có vốn nên tui cùng nhiều hộ khác đành bỏ phế ao hầm một cách lãng phí; trong khi nợ nần vẫn đóng chặt không biết giải quyết ra sao?”. Không chỉ ông Đệ mà những nông dân nuôi cá ở Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long… cũng nóng lòng “chờ nguồn vốn” nhằm tái đầu tư, bởi giá cá tra đang tăng ở mức cao. Chính sách triển khai chậm trễ khiến nông dân thiệt trăm bề khi bỏ lỡ cơ hội làm ăn. Tại các vùng ven biển Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… nhiều nông dân nuôi tôm cũng đang “dài cổ” chờ vốn. Theo UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), Quyết định 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm vẫn chưa đến được vùng này. Do đó nhiều hộ chưa thể mở rộng diện tích nuôi trở lại, dù giá tôm đang rất hấp dẫn. Ngoài ra, các ngân hàng chưa thật sự “đồng hành” cùng nông dân phát triển nghề nuôi tôm, khi họ chỉ cho vay nhỏ giọt khoảng 100 - 200 triệu đồng/ha, số tiền này không thể đầu tư nuôi tôm hoàn chỉnh được.
Đến nay, ở nước ta, kinh tế chính của nhiều địa phương vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp và nông nghiệp được xem là trụ đỡ an sinh xã hội. Thời gian qua, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển, đủ sức vươn xa ra thế giới. Song, từ chính sách đến thực tế vẫn còn một khoảng cách chưa thể rút ngắn. Ổn định sản xuất nông nghiệp, đảm bảo thu nhập cho nông dân, tiến tới xây dựng nông thôn mới khang trang hiện đại là vấn đề cấp bách và là mục tiêu phát triển tam nông bền vững. Làm được điều này, các cấp, các ngành cần linh động triển khai, vận dụng tối đa các chủ trương chính sách một cách nhanh chóng, hợp lý… nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nông dân đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường tiêu thụ. Nếu không, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội, nông dân lại thiệt trăm bề.
HUỲNH LỢI