Nông dân thu lợi từ… cổ phiếu

Lần đầu tiên hàng ngàn nông dân các tỉnh ĐBSCL tham gia mua cổ phiếu của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), một doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp. Sau hơn 1 năm mua cổ phiếu, tất cả nông dân đã được chia lời; song điều làm mọi người phấn khởi là mối liên kết giữa “doanh nghiệp và nông dân” ngày càng bền chặt. Sản phẩm làm ra đảm bảo có nơi tiêu thụ, bán đúng giá thị trường, nhờ đó nông dân an tâm sản xuất…
Nông dân thu lợi từ… cổ phiếu

Lần đầu tiên hàng ngàn nông dân các tỉnh ĐBSCL tham gia mua cổ phiếu của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), một doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp. Sau hơn 1 năm mua cổ phiếu, tất cả nông dân đã được chia lời; song điều làm mọi người phấn khởi là mối liên kết giữa “doanh nghiệp và nông dân” ngày càng bền chặt. Sản phẩm làm ra đảm bảo có nơi tiêu thụ, bán đúng giá thị trường, nhờ đó nông dân an tâm sản xuất…

Không lo đầu vào, đầu ra

Chỉ cho chúng tôi xem cánh đồng lúa ngút ngàn, anh Nguyễn Minh Hiếu, nông dân xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn (An Giang) tâm sự: “Vụ hè thu này giá lúa thấp, thương lái hạn chế thu mua khiến nhiều nông dân sốt ruột. Riêng tôi canh tác 12ha, khi thu hoạch được AGPPS bao tiêu với giá 5.150 đồng/kg (lúa khô hạt dài), trả tiền cái một sướng thật. Trừ hết các khoản đầu tư vẫn đảm bảo lợi nhuận 11 triệu đồng/ha, mức lời này cũng chấp nhận được trong điều kiện giá lúa thấp, tình hình xuất khẩu gạo khó khăn”. Theo anh Hiếu, sở dĩ bán lúa dễ dàng vì mấy năm rồi anh chủ động liên kết với AGPPS, tham gia chương trình cùng nông dân ra đồng, cánh đồng lớn… Bên cạnh đó, anh còn mua 12.500 cổ phiếu ưu đãi của AGPPS dành cho nông dân vào tháng 4-2014. “Từ đó đến nay, nông dân “hai lúa” như tôi được tham gia vào công ty lớn, biết được những định hướng phát triển nông nghiệp của công ty; mừng nhất là sản xuất theo “đơn đặt hàng” nên đầu ra đảm bảo có lợi nhuận”, anh Hiếu hớn hở.

Nông dân ĐBSCL nghiên cứu giống lúa chất lượng cao của AGPPS

Cùng niềm vui trên, anh Phạm Văn Huyền, ngụ xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng (Long An) cho biết: “Tháng 4 năm ngoái, tôi được AGPPS bán ưu đãi 1.500 cổ phiếu, giá 30.000 đồng/cổ phiếu (bằng 1/2 giá thị trường lúc đó); sau 1 năm được chia lời 3.000 đồng/cổ phiếu. Số lời tuy không nhiều nhưng ai cũng vui vì được đồng hành cùng công ty từ sản xuất đến tiêu thụ. Ngoài ra, còn được công ty hỗ trợ kỹ thuật, giống mới, vật tư đầu vào… nên nông dân không còn vất vả chạy vay nợ để mua phân thuốc gối đầu như trước”. Theo anh Trần Văn Ny, ngụ ấp 4, xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), lúc đầu AGPPS cử cán bộ xuống tận nhà phổ biến chuyện cổ phiếu, nhiều người đắn đo. Nguyên nhân do lúc đó nông dân chưa ai biết cổ phiếu “tròn méo” ra sao, tham gia lời lỗ thế nào. Sau khi được giải thích đây là mô hình nông dân tham gia làm chủ sản phẩm mình bằng cổ phiếu, thấy nhiều cái lợi nên mọi người tham gia và thực tế năm đầu tiên nông dân được chia lời 3.000 đồng/cổ phiếu. Tất cả các cổ đông đều được công ty bao tiêu đầu ra hạt lúa, nhờ đó tuy vụ hè thu rồi giá lúa thấp nhưng nông dân vùng này vẫn bán được giá 5.650 đồng/kg nên đảm bảo lợi nhuận…

Xây dựng chuỗi giá trị bền vững

Chỉ hơn 1 năm triển khai chương trình phát hành ưu đãi 1,8 triệu cổ phiếu cho 1.724 nông dân vùng ĐBSCL đã tạo được hiệu ứng tích cực. Nhiều nông dân nhận ra, ngoài những đồng lời cổ tức thì mấu chốt vấn đề là sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để phát triển nền bền vững. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AGPPS, cho rằng: “Thời gian qua, AGPPS đã đầu tư xây dựng 5 nhà máy chế biến gạo hiện đại ở vùng ĐBSCL nhằm phát triển mạnh mô hình “cánh đồng lớn”, qua đó thu hút hơn 25.000 nông hộ tham gia sản xuất gạo chất lượng cao. Chúng tôi có tới 1.325 kỹ sư nông nghiệp, hàng ngày bám đồng ruộng hỗ trợ nông dân trên nhiều mặt, trong đó chuyển dần từ sản xuất tự phát sang sản xuất theo nhu cầu thị trường, nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo. Quan điểm của AGPPS là nâng cao vị thế nông dân, làm sao để nông dân có thể làm chủ sản phẩm do mình làm ra, thoát khỏi cảnh bị ép giá, thụ động trong tiêu thụ… Và chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nông dân xuất phát từ mong muốn đó”.

Ông Lê Vĩnh Tân, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhìn nhận: “Nhiều năm qua, chúng ta cứ nói việc liên kết “4 nhà” nhưng kết quả chưa được như ý bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó không ít doanh nghiệp còn ngại đầu tư, chưa mạnh dạn vào cuộc. Cách làm của AGPPS là hướng đột phá cho sản xuất lúa gạo bền vững. Ở đó nông dân được nhiều cái lợi”. Theo Hội Nông dân Việt Nam, chuyện làm chủ cổ phiếu là cách làm mới đưa nông dân bước sang trang mới. Để nền nông nghiệp phát triển ổn định, nhất thiết phải liên kết và vai trò của doanh nghiệp quan trọng hàng đầu. “Trên thực tế nếu có nhiều doanh nghiệp chịu đầu tư, làm bài bản như AGPPS thì mô hình “cánh đồng lớn” sẽ phát triển nhanh. Ngoài ra, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng được thuận lợi. Cách làm này cần được nghiên cứu nhân rộng…”, ông Lê Minh Đức, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Long An nói.

Tối 23-8, tại Đồng Tháp, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang tổ chức lễ chính thức đổi tên công ty thành Tập đoàn Lộc Trời. Ông Huỳnh Văn Thòn khẳng định: “Việc chuyển đổi tên công ty thành Tập đoàn Lộc Trời là một cuộc chuyển hóa lịch sử, trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững trong bối cảnh mới. Nếu như lâu nay công ty nỗ lực tìm cách tháo gỡ những khó khăn cho nông dân, thì tới đây công ty sẽ chủ động dẫn dắt, tìm kiếm cơ hội để phát huy tối đa tiềm năng nền nông nghiệp và sức sáng tạo của nông dân. Với sứ mạng phục vụ nông dân, Tập đoàn Lộc Trời sẽ làm hết sức mình để nâng cao vị thế nông dân và đóng góp giá trị vào xây dựng nông thôn ngày càng phát triển”.

Năm 1993, AGPPS được thành lập với vốn kinh doanh ban đầu chỉ có 750 triệu đồng. Đến năm 2014, công ty đã tăng vốn điều lệ lên 652,05 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản đạt 5.702 tỷ đồng. Doanh thu năm 2014 đạt 8.846 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 701 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2015, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu 10.294 tỷ đồng và phấn đấu đến năm 2020 sẽ cán mốc 1 tỷ USD.

HUỲNH LỢI

Tin cùng chuyên mục