Nóng đường dây y tế

Thiếu trách nhiệm, làm sai quy định
Nóng đường dây y tế

Hơn 2.600 cuộc gọi tới đường dây nóng y tế tập trung chủ yếu phản ánh thái độ chuyên môn, trách nhiệm của cán bộ y tế, tiếp đó là việc thực hiện sai các quy định y tế. Đáng chú ý, số lượng cuộc gọi tới đường dây nóng y tế gia tăng, đồng nghĩa với việc chất lượng dịch vụ y tế, khám chữa bệnh vẫn gây nhiều bức xúc cho người bệnh… Đây là những vấn đề được đặt ra tại buổi trực tuyến sơ kết 2 tháng triển khai đường dây nóng tiếp nhận và xử lý phản ánh về chất lượng y tế do Bộ Y tế tổ chức chiều 20-1.

Quá tải tại nhiều bệnh viện khiến người dân bức xúc.

Quá tải tại nhiều bệnh viện khiến người dân bức xúc.

Thiếu trách nhiệm, làm sai quy định

“Ngày 5-12-2013, chị Nguyễn Thị Nga (ở phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đưa con tới Trạm Y tế Khai Quang để tiêm vaccine viêm não Nhật Bản mũi đầu thì nhận được hẹn của trạm y tế tới ngày 16-12 đưa trẻ tới tiêm. Sáng 16-12, chị Nga đưa con tới trạm y tế thì lại nhận được thông báo chỉ tiêm 50 trẻ ban đầu, dẫn tới nhiều phụ huynh phải bế con về và được hẹn tới buổi chiều. Bức xúc trước việc làm trên, chị Nga hỏi lại cán bộ của Trạm Y tế Khai Quang vì sao không lên lịch tiêm và danh sách cụ thể để tránh cho các cháu phải đi lại nhiều trong thời tiết mưa rét gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Thế nhưng, trạm trưởng y tế Khai Quang và 2 nhân viên y tế đã không giải thích mà còn có thái độ hách dịch…”.

Trường hợp trên của chị Nga chỉ là một trong số hàng ngàn cuộc gọi của người bệnh gọi tới đường dây nóng của Bộ Y tế phản ánh, bày tỏ sự bức xúc trước thái độ thiếu trách nhiệm của cán bộ y tế. Ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết, sau 2 tháng triển khai đường dây nóng (0973 306 306) tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã nhận được 2.626 cuộc gọi, trong đó 34% số cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận. Tiếp đó là phản ánh về những việc làm sai quy định y tế chiếm 23,7%; phản ánh về tình trạng xuống cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế là 20,2%; cuối cùng là những phản ánh về hành vi gian lận, nhận hối lộ của cán bộ y tế.

Chánh văn phòng Bộ Y tế cũng cho biết, trong số 142 cuộc gọi phản ánh về việc y, bác sĩ gian lận, nhận hối lộ tập trung chủ yếu vào nội dung như: bệnh nhân vào khám bệnh, tiêm, thay băng phải chi tiền bồi dưỡng để công việc được thực hiện nhanh hơn; bác sĩ nhận thù lao và bồi dưỡng thêm (tập trung chủ yếu ở khoa sản). Đặc biệt, một số bệnh viện vẫn tồn tại tình trạng “cò mồi” thu phí ăn chia với bệnh viện hay y, bác sĩ làm ảnh hưởng tới tâm lý của người bệnh và trật tự trong bệnh viện.

“Hạ nhiệt” một phần bức xúc

Số cuộc gọi đến đường dây nóng y tế chủ yếu tập trung phản ánh những vấn đề tiêu cực đã tồn tại lâu nay trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Nhưng đáng chú ý, số cuộc gọi phản ánh không giảm mà lại còn có chiều hướng gia tăng. Thống kê cho thấy, trong tháng 11-2013 có 1.272 cuộc gọi thì tới tháng 12 con số này tăng lên 1.354 cuộc gọi, điều này đồng nghĩa chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người bệnh tại bệnh viện vẫn chưa thực sự được cải thiện để đáp ứng yêu cầu của người bệnh. TS Bùi Diệu, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho rằng, phản ánh của người dân tới đường dây nóng của Bộ Y tế, cũng như sở y tế hay bệnh viện không giảm chứng tỏ trách nhiệm đầu tiên thuộc về bệnh viện và lãnh đạo bệnh viện chưa hoàn thành, thực hiện tốt các nhiệm vụ, chức năng được giao.

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Y tế, sau 2 tháng triển khai đường dây nóng y tế, không chỉ có Bộ Y tế, sở y tế mà phần lớn bệnh viện trong cả nước đều đã có và công khai “hotline” của bệnh viện và ban giám đốc để người bệnh biết và phản ánh. Qua các cuộc gọi mà người dân phản ánh tới đường dây nóng, Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc đã kịp thời giải quyết và xử lý được một số vụ việc.

Trong đó đáng chú ý là vụ việc cháu Nguyễn Tuấn Phát, 5 tháng tuổi, được bố mẹ đưa đến Trạm Y tế xã Lộc An, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, bị từ chối tiêm vaccine do không có hộ khẩu. Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Long An can thiệp và ngay sau đó, cháu Phát đã được tiêm vaccine… Hay việc một bác sĩ của khoa Da liễu, Bệnh viện Y Dược Cần Thơ, có thái độ khám chữa bệnh qua loa với người bệnh và cáu gắt khi người bệnh phản ứng đã bị bệnh viện yêu cầu làm tường trình và kiểm điểm. Sau đó, người bệnh này đã được bệnh viện mời tới khám lại và tư vấn miễn phí.

Không chỉ kịp thời giải tỏa, góp phần “hạ nhiệt” bức xúc của người bệnh mà qua đường dây nóng nhiều vụ việc sai trái cũng đã được cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý. Trong đó nổi lên là việc Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Công an Hà Nội kiểm tra, xử phạt hành chính, thu hồi giấp phép hành nghề của Phòng khám Năm Châu số 707 đường Giải Phóng, khi người bệnh phản ánh bác sĩ Trung Quốc của phòng khám này kê một đơn thuốc trị dạ dày tới 9 triệu đồng và thuốc không có nhãn mác. Hay như việc bác sĩ Nguyễn Đình Khuyến, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương, thường yêu cầu bệnh nhân tới phòng khám riêng để khám và bán thuốc, đã bị bệnh viện xử lý bằng hình thức nhắc nhở và không phân công bác sĩ Khuyến khám bệnh tại phòng khám của bệnh viện.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, qua rà soát ý kiến phản ánh trên đường dây nóng, Bộ Y tế đã có tới 128 công văn chỉ đạo gửi các bệnh viện trực thuộc và một số sở y tế yêu cầu xử lý khẩn trương, kịp thời các vụ việc mà người bệnh phản ánh. Ông Trường cũng khẳng định từ những sự việc người dân phản ánh qua đường dây nóng cho thấy, đây không chỉ là kênh tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân mà còn là công cụ giám sát hữu hiệu để cán bộ y tế có ý thức hơn trong quá trình hành nghề. Trong khi đó, BS Trần Văn Khánh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, cũng cho rằng thông tin từ đường dây nóng là rất hữu hiệu kịp thời, giúp ban giám đốc bệnh viện nhanh chóng nắm bắt được thông tin về hoạt động bệnh viện và kịp thời xử lý được những hiện tượng, trường hợp cán bộ tiêu cực nhằm lấy lại niềm tin cho người bệnh và thân nhân của họ.

Theo BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện nay không chỉ có Sở Y tế mà các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế đều có đường dây nóng đi vào hoạt động. Cùng với đó, Sở Y tế TPHCM yêu cầu các bệnh viện tư nhân trên địa bàn thành phố cũng phải lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh của người bệnh. Trong 2 tháng qua, số điện thoại nóng của Sở Y tế TPHCM đã tiếp nhận 31 cuộc gọi trực tiếp, trong đó có 12 cuộc gọi là phản ánh tinh thần trách nhiệm, thái độ của cán bộ y tế tại một số bệnh viện quận huyện, số cuộc gọi còn lại chủ yếu là hỏi về quy trình khám chữa bệnh, nhờ tư vấn về vấn đề sức khỏe. Còn qua thống kê ban đầu tại 5 bệnh viện của thành phố đã nhận được tổng số 37 cuộc gọi, trong đó chỉ có 15 cuộc gọi phản ánh và bày tỏ sự bức xúc về thái độ của y, bác sĩ khi tiếp xúc với người bệnh.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục