Nông nghiệp là xương sống, là một phần quan trọng trong nền văn hóa, xã hội của hầu hết các nước ASEAN. Không có nông dân thì không có lương thực. Mỗi ngày, chúng ta sử dụng lương thực do nông dân làm ra 2 - 3 lần, nhưng không ai muốn con em mình trở thành nông dân!
Thách thức nông hộ nhỏ
…Đó là phát biểu của bà Anni Mitin, Giám đốc cao cấp Ủy ban An ninh Lương thực và Giao thương công bằng khu vực Đông Nam Á, tại diễn đàn Nông hộ nhỏ trong hội nhập ASEAN, do Tập đoàn Syngenta tổ chức cuối tuần qua. Vai trò thì quan trọng, nhưng vị trí của nông nghiệp nói riêng và nông dân, nhất là nông hộ nhỏ luôn ở vị trí thấp trong xã hội. Họ sản xuất ra lương thực, loại tốt nhất phải bán đi và chỉ mua hay ăn lương thực mà người tiêu dùng thành thị “chê”. Là con của một gia đình nông dân ở Malaysia, mỗi lần bà Anni Mitin về làng, những nông dân gặp bà đều đặt câu hỏi, vì sao giá nông sản giảm xuống, vì sao nông dân bán giá thấp mà người tiêu dùng phải mua giá cao? Bà Anni Miti đặt vấn đề: Người nông dân, cụ thể là những nông hộ nhỏ lẻ hưởng được gì sau năm 2015? Nông dân sẽ sống thế nào, khó khăn gì họ sẽ gặp phải và phải làm gì để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao? Đó là vấn đề mà mỗi nước cần phải làm để giúp nông dân. Vì dù sao, những nông hộ nhỏ cũng phải tiếp tục làm việc để nuôi sống gia đình. Cho nên, vấn đề quan trọng là chúng ta giới thiệu, hỗ trợ cho nông dân điều gì để giúp họ thích nghi với thị trường và nâng dần vị thế của nông hộ? Có thể nói, những khó khăn của các nông hộ nhỏ lẻ các nước trong ASEAN khá giống nhau, cho dù mỗi quốc gia có những đặc điểm riêng. Đó là làm sao giúp nông hộ tiếp cận nguồn vốn, làm thế nào để bà con có thể tiếp cận thị trường hay tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới. Và làm thế nào để giúp cho các nông hộ có được sinh kế bền vững. Rick Van Der Camp, người Hà Lan, chuyên viên tài chính cao cấp mảng nông - lâm nghiệp thuộc Tổ chức Hợp tác tài chính quốc tế, cho rằng dù ở quốc gia nào, các ngân hàng thương mại đều chú ý 3 yếu tố: Cho vay số tiền lớn, ít mạo hiểm và chi phí vận hành thấp. Những điều này các nông hộ nhỏ không có. Nông dân không thể đưa sản phẩm đến thị trường mà phải qua khâu trung gian là thương lái, nhưng thương lái có lợi ích riêng.
Chuyển từ lúa sang bắp, nông dân tỉnh Đồng Tháp hy vọng nâng cao thu nhập
Xu hướng đang diễn ra hiện nay là nông sản làm ra cần có chứng nhận như GlobalGAP, sản xuất phải đạt chuẩn mực để đáp ứng nhu cầu về an toàn thực phẩm, nhưng đa số nông dân thiếu thông tin thị trường và không biết phải làm sao. Vì vậy, cần tập trung vào việc giúp các nông hộ nhỏ lẻ liên kết lại để giảm chi phí khi làm chứng nhận.
Hỗ trợ để tự lực vươn lên
Nông dân cần có sự hỗ trợ, giúp tổ chức lại sản xuất để tự lực vươn lên. Tổng Giám đốc Syngenta Việt Nam Kumardev Datta cho rằng, giúp bà con tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả hơn, tăng thêm thu nhập, cũng như bảo vệ sức khỏe và đảm bảo môi trường sống cho bản thân và gia đình. Qua đó, giúp giảm bớt sự tổn thương, nâng cao đời sống, sự tự lập của nông hộ. Kinh nghiệm các nước cho thấy, sự tham gia và hỗ trợ của doanh nghiệp và các tổ chức có vai trò quan trọng để cùng chính phủ giải quyết những khó khăn của nông hộ. Doanh nghiệp sẽ giúp đưa các yêu cầu của thị trường đến với nông dân, những người sản xuất ra sản phẩm thông qua liên kết.
Theo kinh nghiệm của ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang - đơn vị khai mở ra cánh đồng mẫu lớn (nay là cánh đồng lớn), không chỉ đơn thuần đưa khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện bà con tiếp cận vốn mà cần tổ chức lại để hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm và phân chia lợi nhuận sao cho hợp lý nhất. Nông dân cần giải pháp kỹ thuật và hỗ trợ về cơ sở sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất nhỏ. Từ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, đem sản phẩm về nhà máy và sấy khô, để vào kho. Nông dân có quyền quyết định bán sản phẩm lúc nào phù hợp nhất. Qua đó làm thay đổi vị thế, quyền thương lượng từ thấp tuyệt đối sang quyền quyết định tuyệt đối khi mua bán với doanh nghiệp. Cũng qua đó, bà con sản xuất theo đơn đặt hàng từ thị trường, được hỗ trợ kỹ thuật, vốn. Nông dân ít gặp rủi ro hơn. Để hướng đến sinh kế bền vững, vấn đề tiếp theo là cần nghiên cứu để có sản phẩm chế biến sâu, giúp nâng cao giá trị hàng hóa với mục tiêu đảm bảo cuộc sống cho nông hộ nhỏ.
Để có nguồn sinh kế bền vững cần xét đến 5 yếu tố: Tài nguyên tự nhiên như đất đai, nguồn nước sử dụng ra sao; tài sản vật chất như nhà cửa, phương tiện đi lại thế nào; tài chính và khả năng đầu tư để mua vật tư nông nghiệp có không; có kiến thức, kỹ năng gì của người lao động; mối quan hệ xã hội với chính quyền, tổ chức hay hợp tác xã (nhà kho, cự ly vận chuyển…). 5 yếu tố này cần được xem xét mạnh hay yếu để có cơ sở đánh giá tính bền vững.
CÔNG PHIÊN