Nông nghiệp đô thị - Diện tích nhỏ, giá trị cao

Với đặc thù diện tích đất nông nghiệp nhỏ, manh mún, nên trên địa bàn TPHCM, việc chuyển dịch sang nông nghiệp đô thị, nuôi trồng cây, con giá trị cao là xu thế từ đầu những năm 2.000. Thời gian gần đây, nông nghiệp TP còn áp dụng công nghệ cao, tiệm cận nông nghiệp 4.0, để có được hiệu quả cao nhất.  
Máy bay không người lái bay trình diễn phun thuốc
Máy bay không người lái bay trình diễn phun thuốc
Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại 
Tại hội thảo “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị” do Sở NN-PTNT TPHCM tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho biết, với diện tích đất nông nghiệp không lớn, TPHCM đã áp dụng mô hình sản xuất công nghệ cao, tiệm cận nông nghiệp 4.0, giúp tạo được chuỗi liên kết từ sản xuất đến bàn ăn, thậm chí hướng đến xuất khẩu.
Theo Trung tâm Công nghệ sinh học TP, định hướng của TPHCM là trở thành một trong những địa phương đi đầu về nông nghiệp hiện đại. Theo kế hoạch, đến năm 2020, TPHCM triển khai dự án Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại huyện Cần Giờ (98ha) cho các loại thủy sản nước lợ; năm 2025, triển khai tiếp dự án còn lại là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi tại huyện Bình Chánh.
Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, cần phải tập trung cho công tác giống để làm được ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật, công nghệ gieo ươm cây con giống và áp dụng công nghệ nhà lưới, nhà kính, tưới nước tự động tiết kiệm, nâng cao các quy trình chăm sóc, quản lý cây trồng tổng hợp.
Đặc biệt, sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới của thế giới trong canh tác cây trồng, như nhà máy sản xuất thực vật.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, đẩy mạnh tuyển chọn và nhập các dòng tinh cao sản phục vụ công tác nhân giống bò sữa, bò thịt và heo nuôi theo công nghệ chuồng kín, công nghệ tự động hóa toàn bộ và các công nghệ từ xử lý chất thải cho đến phần mềm trong quản lý giống.
Trong lĩnh vực thủy sản, ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn lọc đàn cá cảnh bố mẹ và phát triển các công nghệ tiên tiến vào nuôi thủy sản thương phẩm, như công nghệ nuôi trồng thủy sản tuần hoàn.
Tại hội thảo, Công ty Đại Thành - đơn vị nhập khẩu máy bay phun thuốc không người lái - cho biết loại máy bay này là công cụ hỗ trợ tích cực cho việc thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản và đem lại giá trị cao. So với máy phun thuốc truyền thống thì máy bay phun thuốc tiết kiệm 30% thuốc bảo vệ thực vật và 90% năng lượng, thời gian phun cho 1ha lúa chỉ còn 15 phút, giúp người phun thuốc tránh xa tác hại của thuốc bảo vệ thực vật, giúp giảm ô nhiễm đất và môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản. 
Đầu tư sản phẩm chủ lực
Theo ông Lê Quý Kha, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nông nghiệp 4.0 đã làm thay đổi phương thức quản lý trang trại, doanh nghiệp, hộ gia đình. Từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến tiêu dùng đều có thể ứng dụng kỹ thuật số, nhằm giảm thiểu công lao động trực tiếp. Thậm chí, có thể quan sát khu vực sản xuất từ xa cả ngàn cây số chỉ qua ứng dụng thiết bị thông minh, tiết kiệm vật tư đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, giữ môi trường trong sạch cho các thế hệ sau…
Không những thế, có phần mềm lưu trữ dữ liệu vi mô trên mạng không dây và công khai nguồn dữ liệu cho nhiều người tiêu dùng biết được quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc, quy trình công nghệ áp dụng, tiêu chuẩn chất lượng. Dự báo đến năm 2050, nông nghiệp 4.0 có thể sử dụng robot, thiết bị bay tự động trong nông nghiệp, thiết bị hỗ trợ quản lý trồng trọt qua hình ảnh của thiết bị giám sát… Thậm chí, công nghệ có thể dự tính, dự báo các rủi ro thiên tai.
Ông Nguyễn Quang Thạch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cho rằng việc đầu tư ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến của nông nghiệp 4.0 vào sản xuất sẽ góp phần tăng hiệu quả của chuỗi liên kết và thương mại hóa sản phẩm, như giám sát môi trường trong nhà lưới; điều khiển từ xa các thiết bị phục vụ canh tác; lập lịch hỗ trợ canh tác bán tự động, tự động; quản lý tài nguyên, quy trình nghiệp vụ cho nông nghiệp theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Công nghệ cao phải đi đôi với hiệu quả cao, yếu tố quyết định sự thành công của việc phát triển nông nghiệp 4.0 là đầu ra của sản phẩm.
Theo một chuyên gia, không nên quá kỳ vọng toàn ngành nông nghiệp phải đạt đến trình độ nông nghiệp 4.0, chỉ cần có chính sách phù hợp để sự kết nối cung - cầu về công nghệ cao được gặp nhau dễ dàng, đơn giản, đúng pháp luật. Do vậy, Bộ NN-PTNT cần ban hành đề án phát triển nông nghiệp 4.0 cho cả nước và cho từng vùng sinh thái, trong đó nêu rõ bối cảnh thế giới và Việt Nam, thị trường tiềm năng, tiêu chí cần đạt, thuận lợi, khó khăn. Thành lập ngân hàng chuyên gia về nông nghiệp công nghệ cao. Dành nguồn kinh phí cho nghiên cứu, ứng dụng thiết bị thông minh, lập ngân hàng thông tin về dinh dưỡng đất (như Israel, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Brazil, Thái Lan… đã làm) và cung ứng dữ liệu đất miễn phí cho nông dân.
Song song đó, điều chỉnh chính sách công nhận những tiến bộ kỹ thuật nhập khẩu sao cho đơn giản, nhanh. Về chính sách, Nhà nước cần có một chiến lược dài hạn, tính trên từng chu kỳ sản xuất, chấp nhận các rủi ro nhất thời, cục bộ, chứ không phải một nền nông nghiệp “giải cứu”, đụng đâu chữa đó. Phải có được bức tranh tổng thể nông nghiệp Việt Nam năm 2030, 2050 và 2100, sản phẩm nào là chủ lực, để có quy hoạch và đầu tư mục tiêu rõ ràng.

Tin cùng chuyên mục