Nông nghiệp đô thị phát huy tác dụng

Đất ít, thu nhập nhiều
Nông nghiệp đô thị phát huy tác dụng

Giá trị gia tăng nông nghiệp (NN) tăng 5,6%, giá trị sản xuất NN tăng 6,1%, so với bình quân cả nước là 2,6% và 2,9%. Giá trị thực tế sử dụng trên 1ha đất canh tác năm 2013 lên 282 triệu đồng/ha/năm. Như vậy cả 3 chỉ số này so với bình quân cả nước đều tăng gần 2 lần trở lên.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng xem giống lan Mokara trồng tại huyện Củ Chi.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng xem giống lan Mokara trồng tại huyện Củ Chi.

Đất ít, thu nhập nhiều

Trong bối cảnh áp lực đất NN luôn bị suy giảm qua từng năm vì đô thị hóa và công nghiệp hóa, nhưng ngành NN vẫn duy trì tốc độ phát triển ở mức cao, cho thấy TPHCM đã đúng khi xác định hướng đi nông nghiệp đô thị (NNĐT). TP khuyến khích chuyển đổi sản xuất những cây con không cần diện tích lớn nhưng tạo ra giá trị cao và hiệu quả để tăng thu nhập cho bà con thông qua các chính sách ưu đãi cho nông dân, cũng như dùng chính sách khuyến khích để thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào ngoại thành. Vì vậy, con số 282 triệu đồng mà 1ha đất canh tác NN tạo ra bình quân trong năm 2013 đã giúp TPHCM trở thành địa phương ở top đầu cả nước về giá trị sản xuất đất NN. Con số này năm 2012 là 239 triệu đồng/ha/năm. Gần 10 năm nay, TP đã tạo điều kiện để bà con nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng những loại cây khác.

Theo Sở NN-PTNT TPHCM, quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất NN truyền thống sang NNĐT, ứng dụng công nghệ cao, trong đó có công nghệ sinh học đã giúp giá trị và thu nhập của nông dân trên một đơn vị diện tích tăng lên rõ nét. Nếu như bò sữa, với hộ nuôi 20 con cho thu nhập 90 triệu đồng/năm, rau an toàn thu nhập 400 triệu đồng/ha/năm, thì nghề trồng lan (Mokara, Dendrobium...) cho thu nhập khoảng 900 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, nghề nuôi cá cảnh chỉ với 30m² - 40m² đất có thể cho thu nhập 20 - 60 triệu đồng/năm. Hiện nay TP đang khảo sát để phát triển thêm một số cây cho hiệu quả cao về kinh tế như nấm ăn, nấm dược liệu... cũng như việc cần xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn để phát triển trở lại nghề nuôi tôm nước lợ ở Cần Giờ. Một nghề khá mới là xây nhà nuôi yến mà TP xác định huyện biển Cần Giờ, địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất TP với khu rừng ngập mặn trên 30.000ha là vùng đất lý tưởng cho nghề nuôi chim yến. Nếu khai thác thành công nghề này, giá trị canh tác của đất NN của TPHCM sẽ còn gia tăng rất nhiều khi 1kg tổ yến có giá lên đến vài chục triệu đồng.

Vai trò trung tâm giống

Một vị lãnh đạo TPHCM từng cho rằng, việc gia tăng giá trị canh tác 1ha đất NN kèm theo đó nâng cao được thu nhập và mức sống của người dân sẽ mang lại nhiều ý nghĩa hơn thay vì giá trị sản xuất tăng nhưng thu nhập của bà con lại giẫm chân tại chỗ hay giảm xuống. Có thể nói, dù chưa phải hoàn thiện nhưng ngành NN TP đang dần giải quyết bài toán song hành này, giá trị sản phẩm tăng lên kèm theo thu nhập nông dân cũng được nâng cao.

Việc TP đẩy mạnh xây dựng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (NNCNC) ở huyện Củ Chi và Trung tâm Công nghệ sinh học ở quận 12 đang dần phát huy thế mạnh về đội ngũ nhà khoa học, nhiều viện trường và những DN có thế mạnh về sản xuất giống và lai tạo nhiều giống mới. Những DN đầu tư vào Khu NNCNC bên cạnh việc ứng dụng công nghệ mới nhất vào sản xuất còn có nhiệm vụ mở rộng sản xuất ra ngoài, sau khi hỗ trợ và tập huấn cho người dân xung quanh gia công sản xuất. Có thể nói đây là cách đưa những tiến bộ kỹ thuật mới nhất đến người dân. Về sản xuất và kinh doanh giống, TPHCM hiện có trên 100 DN và hộ trại, sản xuất hơn 14.400 tấn hạt giống các loại (có thêm 59 giống mới, chủ yếu giống rau, hoa), phục vụ trên 950.000ha diện tích gieo trồng. Năm 2013 TPHCM còn cung cấp trên 20.000 con bò sữa giống, giá bán từ 30 - 45 triệu đồng/con, doanh thu đạt khoảng 900 tỷ đồng. Ngoài ra, các DN còn cung cấp khoảng 900.000 heo con giống cho các hộ chăn nuôi ở nhiều tỉnh, thành cả nước.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đánh giá, những thành quả đạt được là điều tích cực, nhưng không có nghĩa mọi thứ đều đã tốt đẹp. Thời gian tới cần phải tăng cường việc liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh và thu hút đầu tư vào lĩnh vực NN ngoại thành, huy động nhiều hơn các nguồn lực để tiếp tục phát triển sản xuất NN trong bối cảnh việc xây dựng nông thôn mới đang đi vào giai đoạn quyết định khi năm 2015 là thời điểm hoàn thành của tất cả các xã tại 5 huyện ngoại thành. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất là việc tái cơ cấu lại ngành NN TP, trong đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống và các loại cây con chủ lực của TP cần được làm tập trung hơn nữa.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục