Nông sản Việt Nam xuất khẩu tăng mạnh nhờ tiếp cận thị trường 2,2 tỷ người

Sáng 15-1, trong khuôn khổ Hội nghị “RCEP - UKVFTA cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam với thị trường thế giới” do Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM, Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức, nhiều chuyên gia nhận định nông sản Việt Nam sẽ tăng giá trị xuất khẩu trong những năm tiếp theo.
Nông sản Việt Nam xuất khẩu tăng mạnh nhờ tiếp cận thị trường 2,2 tỷ người ảnh 1 Thanh long của Công ty Vina T&T Group nhờ đạt chất lượng nên có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand).  

Ngoài các quy tắc đơn giản hóa quy trình và chi phí xuất nhập khẩu, quy tắc xuất xứ đơn giản hóa sẽ giảm thời gian và chi phí cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, do đó tăng tỷ suất lợi nhuận và làm cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn trên các thị trường RCEP. Bên cạnh đó, RCEP cũng tiêu chuẩn hóa các quy tắc liên quan đến việc duy trì cạnh tranh thương mại, các quy định về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp được cho phép.

Nông sản Việt Nam xuất khẩu tăng mạnh nhờ tiếp cận thị trường 2,2 tỷ người ảnh 2 Trái cây xuất khẩu sẽ được các quốc gia nhập khẩu kiểm soát chất lượng trước khi vận chuyển

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam phân tích, tính đến thời điểm hiện tại, RCEP giúp nông sản bước vào một thị trường rộng lớn gồm 15 nước thành viên (ban đầu) chiếm gần tới 30% dân số thế giới (2,2 tỷ người) và 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu (26.000 tỷ USD), trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử.

Theo quá trình phát triển kinh tế, khối thành viên RCEP dự đoán sẽ đạt được hơn 100.000 tỷ USD trước năm 2050. Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, các tiêu chuẩn nhập khẩu, thị hiếu tiêu dùng giữa các nước cũng khá tương đồng. Do khoảng cách địa lý của các nước nội khối không quá xa nên chi phí logistics thấp hơn, giao thông vận chuyển hàng dễ dàng hơn so với các thị trường khác như Mỹ, châu Âu…

Bên cạnh đó, RCEP sẽ tạo nhiều thách thức như nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh mạnh hơn. Các mặt hàng rau quả ngoại có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và đạt vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ cạnh tranh; thậm chí sẽ tràn vào thị trường Việt Nam nhiều hơn.

Trong khi đó, người Việt lại khá ưa chuộng hàng ngoại. Do vậy, các nhà sản xuất Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn, để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ một chuỗi cung ứng lớn hơn và lâu đời hơn.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chưa quen trong áp dụng thương mại điện tử như chuyển tiền điện tử, quản lý chuỗi dây chuyền cung ứng, giao dịch trực tuyến, hệ thống quản lý hàng, các hệ thống tự động thu thập dữ liệu... Đây là lĩnh vực sẽ được sử dụng nhiều trong giao dịch nội khối RCEP mà các doanh nghiệp Việt Nam phải làm quen, nắm bắt và sử dụng thành thạo để đạt nhiều thành công trong công việc kinh doanh của mình.

Tin cùng chuyên mục