Nông thôn cũng bị ô nhiễm tiếng ồn

Ở nhiều vùng nông thôn ngày nay, đời sống người dân đã khá hơn, tiện nghi và hiện đại hơn. Tuy nhiên, nơi đây đã không còn trong lành, yên ả nữa. Cùng với nạn ô nhiễm do rác, hóa chất, thuốc trừ sâu…, người dân nông thôn ngày càng khốn khổ vì nạn ô nhiễm tiếng ồn.
Lạm dụng loa công suất lớn để hát hò
Vài năm gần đây, khi tổ chức đám hỏi, đám cưới, nhiều nhà thuê ban nhạc để “hát với nhau”, hoặc thuê cả dàn loa khủng để hát karaoke suốt cả ngày, thậm chí cả đêm. Hàng xóm rất khổ sở vì tiếng ồn, nhưng nghĩ đời người có một lần nên phải cố gắng thông cảm, chịu đựng.
Rồi “thừa thắng xông lên”, đến bây giờ, đám giỗ, thôi nôi, đầy tháng, đáo tuế, trung thọ, thượng thọ, nhà nhà cũng thi nhau tổ chức hát hò, thuê cho bằng được ban nhạc, dàn âm thanh công suất cực lớn cho vui nhà vui cửa, cho bằng chị bằng em, hát hò bất kể giờ giấc. Rồi đến mức, nhiều “đệ tử Lưu Linh” cũng thường xuyên thuê dàn âm thanh để tụ tập vừa nhậu vừa hát hò.
Khi các “ca sĩ nghiệp dư” có hơi men, hát không ra hát, hò không ra hò, mở loa công suất lớn, không tôn trọng giờ giấc ngủ nghỉ của người khác, thì không khác gì “tra tấn” cả xóm. Tuy chính quyền địa phương đều biết, nhưng đa phần lãnh đạo xã ấp đều là người thân, hàng xóm của những nhà gây ồn, nên vị tình, nể nang, khó ăn khó nói.
Hiện nay có nhiều người đầu tư mua dàn loa khủng để làm dịch vụ cho thuê, đưa đến tận nhà. Do vậy, hiện tượng “vui quá trớn”, hát hò theo kiểu “gây mất đoàn kết trong khu dân cư” đã trở nên phổ biến tại nhiều vùng nông thôn ở nước ta. Rất cần có sự can thiệp, chấn chỉnh bằng quy định pháp luật và quy ước trong việc tổ chức cuộc sống, xây dựng nông thôn mới, cũng như xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư.
Vẫn còn khốn khổ vì loa truyền thanh 
Hiện nay, ở nhiều địa phương vẫn sử dụng loại loa truyền thanh công suất rất lớn để thông tin tuyên truyền hàng ngày. Nếu ở gần các cụm loa phát thanh công suất lớn, có thể hiểu được nỗi khổ của người dân. Ngày 2 lượt sáng - chiều, ngày nào cũng như ngày nấy đều bị “tra tấn” đúng 3 giờ đồng hồ bởi tiếng loa điếc tai, nhức óc. Những thông tin trong huyện, xã cần thiết cho dân chẳng có bao nhiêu.
Nhàm chán hơn, để kín thời lượng chương trình phát thanh, đài truyền thanh xã phát những bài viết ngô nghê của các cộng tác viên nghiệp dư. Tệ hại hơn nữa, sau bữa cơm chiều, mọi người trong gia đình đang cần ngồi lại để hàn huyên tâm sự, hay vào những đêm hè nóng bức trằn trọc khó ngủ, chợp mắt chưa được bao lâu, thì tiếng loa lại vang lên ầm ĩ. Cũng có khi “trái gió trở trời”, cái loa rú lên tiếng khè… khè…, hú… hú..., thật đinh tai nhức óc, hay có lúc “cao hứng” phát một chương trình tiếp âm nào đó làm mọi người giật mình khi đang ngon giấc.
Dưới góc nhìn toàn diện, tuyên truyền bằng hình thức sử dụng loa truyền thanh không còn mang lại hiệu quả như mong muốn, mà còn gây lãng phí ngân sách, phiền toái cho người dân. Đã qua lâu rồi thời bao cấp, sản xuất nông nghiệp theo tập đoàn, cần dùng loa để thông báo, tuyên truyền, điều hành sản xuất nông nghiệp và phân phối nhu yếu phẩm. Nay ở nhiều vùng nông thôn, nhà nào cũng đã có ti vi, điện thoại di động, 3G, nhiều nhà có internet, nhiều tụ điểm có wifi.
Do vậy, nên xem xét lại, nơi nào loa truyền thanh đã “hoàn thành sứ mạng lịch sử” thì nên mạnh dạn bỏ đi. Không thể xây dựng nông thôn mới, không thể bảo đảm chất lượng sống tốt, khi người dân nông thôn vẫn phải sớm tối khốn khổ vì ô nhiễm tiếng ồn.

Tin cùng chuyên mục