Hải Hậu là huyện ven biển tỉnh Nam Định, được thành lập cách đây 127 năm. Là một trong 5 huyện được Trung ương chọn xây dựng điểm nông thôn mới (NTM) của cả nước và ngày 23-6-2015, Hải Hậu đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM.
Thế trận lòng dân
Hải Hậu đã triển khai các tiêu chí xây dựng NTM như thế nào cho phù hợp với đặc điểm của địa phương?
Trong dịp về thăm Hải Hậu gần đây, chúng tôi đã “phỏng vấn” Bí thư Huyện ủy Hải Hậu Nguyễn Văn Tìm như thế. Là kỹ sư nông nghiệp trưởng thành từ cơ sở, trực tiếp làm Chủ tịch UBND huyện thời kỳ triển khai xây dựng NTM, anh Tìm nói ngay: “Có nhiều nguyên nhân giúp Hải Hậu thành công, nhưng theo chúng tôi, trước hết huyện đã huy động được sức mạnh tổng hợp, như các bậc tiền bối nói là khơi dậy được thế trận lòng dân”.
|
Thế trận lòng dân ở Hải Hậu đã trở thành truyền thống tốt đẹp, được minh chứng trong suốt quá trình mở đất, chinh phục thiên nhiên, đấu tranh với thù trong giặc ngoài, kiến tạo nên vùng đất trẻ này. Hơn 500 năm trước, nơi đây còn mênh mông biển cả, thấp thoáng bãi bồi, lau lách như chưa hề có dấu chân người. Sau đó có 4 người đàn ông từ phương xa tới khai phá nên vùng đất cuối biển này, đó là các cụ: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia và Phạm Cập. Cùng với tứ tổ khai sáng, 9 dòng họ tiếp theo gồm: Lại, Nguyễn, Lê, Bùi, Phan, Đoàn, Đỗ... đã đến đây, đương đầu với sóng to, gió lớn, xây dựng nên vùng đất giàu có và ấm áp tình người này.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, bước vào công cuộc đổi mới, Đảng bộ và chính quyền huyện Hải Hậu đã đề ra các chủ trương, biện pháp xây dựng thế trận lòng dân để thực hiện cuộc “cách mạng” mới, đó là xây dựng NTM. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Tìm nói rằng: “Phong trào thi đua toàn dân chung sức xây dựng NTM do huyện phát động đã được các tầng lớp nhân dân trong huyện hưởng ứng nhiệt liệt. Trong tổng số 1.462 tỷ đồng huy động, bà con đã đóng góp 573 tỷ đồng; tự nguyện hiến 345ha đất nông nghiệp và 25ha đất thổ cư để xây dựng các công trình NTM”. Không chỉ bà con tại quê nhà đóng góp tiền của, công sức xây dựng NTM mà những người Hải Hậu đang sinh sống, làm việc nơi xa cũng tham gia xây dựng quê hương với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng, tiêu biểu như bà con đang sinh hoạt trong các Hội đồng hương huyện Hải Hậu tại TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cà Mau..
Miền quê Hải Hậu ngày nay.
Dĩ bất biến, ứng vạn biến
Từ 19 tiêu chí về xây dựng NTM, huyện đã cụ thể hóa thành 8 tiêu chí gia đình NTM và 12 tiêu chí về xóm làng NTM. Vì sao phải làm như vậy? Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu Phạm Văn Chiến “trả lời” câu hỏi ấy bằng cách hướng dẫn chúng tôi đến thăm một số địa phương vừa được công nhận xã NTM.
Đến Hải Phương, xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đang được đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, xây dựng NTM, anh Phạm Văn Đề, nguyên Chủ tịch UBND xã, người trực tiếp điều hành việc xây dựng NTM, nói: “Có hai điều chúng tôi tâm đắc, đó là sức dân và cách làm. Triển khai xây dựng NTM, chúng tôi xác định, nhân dân là chủ thể, nhà nước là hỗ trợ. Trong số tiền 67 tỷ đồng xây dựng các công trình NTM, bà con trong xã đã đóng góp trên 60% (41 tỷ đồng). Về cách làm, chúng tôi chấp hành đúng cơ chế điều hành và quản lý nguồn vốn của huyện. Công trình của xóm do xóm làm. Nguồn vốn chủ yếu do bà con đóng góp, tự quản lý và giám sát thi công (huyện, xã hỗ trợ 30% chi phí vật liệu cứng). Từng gia đình, từng dong (ngõ), xóm, đội sản xuất thi đua, tương trợ lẫn nhau. Việc đóng góp không cào bằng, có chính sách đối với hộ nghèo, khó khăn về kinh tế. Do vậy đã tạo được sự đoàn kết, đậm đà tình làng, nghĩa xóm”.
Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hải Phương xây dựng 6 đề án phát triển kinh tế xã hội, đưa ra thảo luận, xin ý kiến của bà con. Đó là các chuyên đề: dồn điền đổi thửa; mở rộng đường giao thông; chuyển đổi sản xuất trong nông nghiệp; phát triển trang trại, khu công nghiệp và làng nghề. Thông về tư tưởng, bà con đã tự nguyện hiến 12ha đất làm đường giao thông. Có 4 doanh nghiệp đã đầu tư 400 tỷ đồng vào cụm công nghiệp trên địa bàn xã, giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động với mức thu nhập hàng tháng bình quân trên dưới 5 triệu đồng/người.
Trong “cuộc cách mạng NTM” này, nếu xã Hải Phương chú trọng xây dựng khu công nghiệp và làng nghề thì xã Hải Đông tạo mọi điều kiện để phát triển kinh tế hộ gia đình, tiêu biểu là trang trại. Phát huy lợi thế về biển, chính quyền xã Hải Đông khuyến khích bà con đầu tư đóng mới những đội tàu khai thác hải sản xa bờ, phát triển nghề nuôi trồng thủy, hải sản. Những trang trại nuôi tôm có mức đầu tư hàng tỷ đồng không còn là “của hiếm” ở xã ven biển vốn xưa kia nghèo khó này.
Đó là những nét riêng trong việc xây dựng NTM ở Hải Hậu. Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Chiến, cho biết: “Việc cụ thể hóa 19 tiêu chí NTM của Trung ương thành 8 tiêu chí gia đình NTM và 12 tiêu chí xóm NTM (ứng vạn biến - NV), chúng tôi hướng tới mục tiêu ấy. Nông thôn mới không chỉ là sự đổi thay về hạ tầng cơ sở mà còn phát huy giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục (dĩ bất biến - NV) nữa. Hải Hậu từ mấy trăm năm trước đã được tôn vinh là vùng đất “Mỹ tục khả phong”, “Thiện tục khả phong”; hơn ba chục năm qua là huyện dẫn đầu toàn quốc về văn hóa. Xây dựng NTM phải phát huy được nét đẹp văn hóa quý báu đó. Cái đẹp NTM phải từ trong ra ngoài, bắt đầu từ nếp ăn, nếp ở, từ mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm... đến các vấn đề thiết thực đời sống như: điện, đường, trường, trạm... Đó là mối quan hệ biện chứng hai là một và một là hai”.
Quả đúng như vậy, đi khắp xóm thôn ở Hải Hậu, chúng tôi đã thấy rõ điều ấy. Cuộc “cách mạng” xây dựng NTM đã làm đổi thay bộ mặt cảnh quan của huyện, đời sống người dân đã được nâng lên rõ rệt. Nhưng điều đáng ghi nhận nhất là bản sắc văn hóa, tình làng, nghĩa xóm; màu xanh của lúa, khoai, cây trái, của biển cả mênh mông vẫn lấp lánh, tỏa lan như nét đẹp riêng của đất và người vùng chân sóng tươi đẹp và anh hùng này.
TRẦN THẾ TUYỂN