Phát động từ năm 1989, đến nay nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi trở thành phong trào đều khắp, là động lực quan trọng trong việc chuyển đổi và phát triển sản xuất vùng nông thôn. Giờ đây, nông dân SXKD giỏi tiếp tục đi đầu trong xây dựng nông thôn mới.
Biết làm giàu, giúp người nghèo
Tại hội nghị tổng kết 5 năm phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững của TPHCM tổ chức cuối tuần qua, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam Lều Vũ Điều cho rằng, nông dân SXKD giỏi góp phần quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, là nhân tố giúp sản xuất ở nông thôn phát triển và duy trì sự ổn định, vượt qua khó khăn trong những giai đoạn kinh tế đất nước bị trì trệ do tác động của kinh tế thế giới suy thoái. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, ngành nông nghiệp TP vẫn giữ vững tốc độ phát triển bình quân 5 năm qua ở mức 5,8%/năm, cao hơn gần gấp đôi bình quân cả nước trong bối cảnh đô thị hóa nhanh là do chủ trương chuyển dịch sản xuất sang nông nghiệp đô thị, cùng với chính sách và chủ trương khuyến khích của TP, nhưng chính nông dân SXKD giỏi làm đầu tàu trong việc này. Tại TP đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi học hỏi, đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con giống mới. Đó là ông Tống Hữu Châu với mô hình nuôi cá cảnh ở phường Thạnh Xuân, quận 12; bà Trần Ngọc Tuyết với mô hình lan Mokara ở xã Hòa Phú, huyện Củ Chi; bà Phạm Thị Minh Linh với mô hình sản xuất bánh tráng xuất khẩu ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn; ông Nguyễn Hồng Nghĩa với mô hình sản xuất cá giống ở xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi; ông Huỳnh Đoàn Thông với mô hình sản xuất hạt giống ở xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi; ông Trịnh Hoàng Quân với mô hình trồng mai vàng ở phường Linh Đông, quận Thủ Đức… Còn rất nhiều trong số 185 lượt hộ sản SXKD giỏi cấp TP (trong đó đề nghị 39 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi cả nước) và 23.000 lượt hộ đạt cấp huyện. Chính phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất, như chuyển đổi nhanh các loại giống, cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả bằng giống mới chất lượng, có giá trị kinh tế phù hợp từng vùng đất sản xuất, góp phần tăng thêm giá trị sản phẩm hàng hóa cho bà con.
Theo ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM, phong trào nông dân SXKD giỏi đã góp phần nâng cao thu nhập khu vực nông thôn TP. Nếu thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2010 là 23,1 triệu đồng/người/năm (1,9 triệu đồng/người/tháng), bằng 66,6% so với thu nhập khu vực thành thị thì đến cuối năm 2014, thu nhập khu vực nông thôn là 39,7 triệu đồng/người/năm (3,3 triệu đồng/người/tháng), đạt 78,7% so với thu nhập khu vực thành thị. Hiện nay, chưa có điều tra cập nhật mới về thu nhập tại 56 xã xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên căn cứ kết quả đạt tiêu chí thu nhập của 4 xã (Thạnh An, An Thới Đông, Bình Khánh vào cuối năm 2015 và xã Tam Thôn Hiệp vào đầu năm 2016) của huyện Cần Giờ; tính chung đến năm 2016, ở 56 xã bình quân đạt 41,4 triệu đồng/người/năm. Qua đó, cho thấy thu nhập của người dân khu vực nông thôn từng bước được nâng lên. Nhưng điều đáng quý hơn, không chỉ ý thức để vươn lên trong sản xuất, nâng cao đời sông cho gia đình mà những cá nhân này còn tự nguyện giúp đỡ những hộ khó khăn tại địa phương, hỗ trợ về giống cây con, các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm vi sinh, cả về quy trình và kinh nghiệm sản xuất. Kết quả có 9.935 lượt hộ dân đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn từ những hỗ trợ này.
Nông dân nuôi cua giỏi tại huyện Cần Giờ Ảnh: THÀNH TRÍ
Đi đầu hợp tác hóa
Cũng từ phong trào nông dân SXKD giỏi đã và đang xuất hiện những hộ nông dân tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp của TP; các nông dân tiên tiến này đi đầu trong hợp tác hóa, chủ động đứng ra liên kết thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đó là trường hợp của bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền, nông dân sản xuất hoa lan giỏi tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, thành lập Hợp tác xã (HTX) Hoa lan Huyền Thoại; ông Trần Văn Mùa, nông dân nuôi tôm giỏi tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, thành lập HTX Hiệp Thành. 5 năm qua với sự phối hợp tư vấn của Sở NN-PTNT cùng các tổ chức hội đã giúp thành lập mới 31 HTX nông nghiệp. Nhưng điều đáng nói hơn, phong trào nông dân SXKD giỏi còn góp phần quan trọng vào việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương của TP. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, thông qua phong trào đã khuyến khích, động viên cán bộ, hội viên, nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, cùng nhau xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn, vận động cán bộ, hội viên, nông dân đóng góp công sức và vật chất vào quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng, đời sống văn hóa cơ sở. Đặc biệt là việc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới.
Trước đó, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình Xây dựng nông thôn mới, khi làm việc với huyện Củ Chi về việc xây dựng nông thôn mới đã đánh giá chủ trương và chính sách kích cầu, hỗ trợ lãi suất cho các hộ sản xuất cá thể thời gian đã phát huy tác dụng, nhưng thời gian tới cần chú trọng vào các mô hình tập trung, quy mô hơn như HTX và vai trò của những hộ SXKD giỏi, đây sẽ là những người đi đầu trong việc nâng chất các tiêu chí này.
Hội Nông dân TPHCM đã tổ chức 4 đoàn với 105 người là nông dân SXKD giỏi, HTX nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất và cán bộ hội đi học tập các mô hình tại Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Trung Quốc nhằm giúp nông dân cập nhật kiến thức, kinh nghiệm học tập vào thực tế sản xuất. Qua đó, nhiều người mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển thành các mô hình tiêu biểu như trường hợp chị Trần Ngọc Tuyết (xã Hòa Phú, huyện Củ Chi), từ vài ngàn mét vuông lan cắt cành, khi tìm hiểu cặn kẽ nghề trồng và kinh doanh lan ở Thái Lan, vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư mở rộng dần lên 4ha và vừa thành lập HTX với hơn 10 xã viên và hơn 10ha hoa lan cắt cành.
Các cấp hội còn đưa gần 2.000 cán bộ, hội viên, nông dân SXKD giỏi tham quan học tập các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là nghiên cứu phát triển các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: HTX Ngã Ba Dòng (huyện Hóc Môn) chuyên về rau các loại, HTX Hoa lan Huyền Thoại, HTX Bò sữa Tân Thông Hội, HTX Tiên Phong (Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) chuyên về nuôi heo.
CÔNG PHIÊN