Nóng với chống ngập

Không phải mùa mưa năm nay người dân TPHCM mới khổ sở với tình trạng ngập nước. Nếu tính đúng, tính đủ nỗi khổ sở này đã kéo dài trên chục năm, bắt đầu từ những năm đầu của thập kỷ này. Không phải người dân không hiểu những khó khăn trong việc chống ngập, đặc biệt chống ngập trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng đang ngày một ảnh hưởng nặng nề đến TPHCM và cũng không phải người dân không ghi nhận những nỗ lực của ngành chức năng trong công tác này. Thế nhưng, chẳng ai có thể quen được với nỗi khổ phải di chuyển trong làn nước đen, bốc mùi nồng nặc… Nhất là khi điểm lại các công trình chống ngập, hầu như công trình nào cũng chậm triển khai với hàng loạt lý do đã tồn tại hàng chục năm - khoảng thời gian đủ để ngành chức năng tìm cách tháo gỡ…

Dự án cải tạo, nạo vét rạch Xuyên Tâm chẳng hạn. Đây là con rạch nối trực tiếp với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Rạch này không được nạo vét và làm sạch, tất yếu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè mà TPHCM đã tốn 200 triệu USD làm sạch giai đoạn 1 và đang tốn thêm 200 triệu USD làm sạch giai đoạn 2. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo điều này khi dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bắt đầu được triển khai.

Và ngay bây giờ khi dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 đã được làm xong, mỗi khi mưa xuống, nước ô nhiễm trong rạch Xuyên Tâm đổ vào kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ảnh hưởng xấu đến môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm vẫn chưa được triển khai trên thực địa. Thiếu vốn đầu tư, thiếu cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng theo hướng đảm bảo cho người dân phải di dời có cuộc sống mới tốt hơn… là những cản ngại chính cho dự án này.

Dự án cải tạo kênh Ba Bò đã từng làm nóng nghị trường HĐND TPHCM từ gần chục năm trước đến nay vẫn chưa cải tạo xong do quy định cấp vốn theo từng năm. Một cán bộ xin giấu tên của Sở Giao thông Vận tải cho hay, bất cập của quy định này là công tác thi công phải làm cầm chừng theo từng năm. Năm nay thi công hết tiền, phải dừng chờ đến năm sau. Hay như dự án làm hồ điều tiết ở khu vực Khánh Hội, quận 4 dù đã được đề xuất cách nay nhiều năm song giờ vẫn đang trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư vì đây là dự án mới chưa có tiền lệ. TPHCM đã thu xếp được nguồn vốn vay nước ngoài để cải thiện môi trường, chống ngập cho lưu vực kênh Đôi - kênh Tẻ nhưng dự án này dự báo cũng gặp khó với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong chuyến đi thực địa vừa qua, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã chỉ đạo tìm cơ chế đảm bảo cho tất cả người dân ở đây, khi di dời, phải có được nơi ở mới tốt hơn. Tinh thần rất nhân văn, đúng theo chỉ đạo của Chính phủ trong thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thế nhưng Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn lại quy định chỉ khi có đầy đủ giấy tờ nhà đất, người dân mới được đền bù. Trong khi đó, hầu hết người dân sinh sống ven kênh rạch hoặc trên kênh rạch đều không có giấy tờ nhà đất hợp pháp.

Đã rất nhiều lần UBND TPHCM giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư… tập trung rà soát các quy định pháp luật hiện hành về thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, đề xuất cơ chế đặc thù… nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện các dự án chống ngập cấp bách trên địa bàn. Những quy trình, thủ tục nào thuộc thẩm quyền của địa phương, UBND TPHCM sẽ giải quyết; vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Trung ương, thành phố sẽ báo cáo Chính phủ để có phương án tháo gỡ kịp thời. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực này, nhiều dự án chống ngập của TPHCM vẫn chậm. Theo một khảo sát của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM cách đây chưa lâu về tình hình chống ngập của TPHCM, nhiều công trình chống ngập trên địa bàn thành phố như lắp đặt hệ thống thoát nước, đê bao ngăn triều và các công trình chống ngập khác dù đã ghi vốn nhưng tiến độ thực hiện trên thực tế vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa phát huy hiệu quả đầu tư của dự án. Thực tế cho thấy, hơn 10 năm qua, TPHCM đã tập trung đầu tư, xây dựng nhiều công trình thoát nước, chống ngập nhưng đến nay hiệu quả mới chỉ đáp ứng khoảng 10% so với yêu cầu.

Bao giờ TPHCM mới cơ bản giải quyết được tình trạng ngập nước? Trong bối cảnh hiện nay, không ai dám đoan chắc về việc này. Thế nhưng, có một điều chắc chắn ngập nước đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân và trách nhiệm của cơ quan chức năng: tìm mọi giải pháp, đơn giản hóa thủ tục… để sớm triển khai thực hiện các dự án chống ngập cho người dân bớt cực khổ vì ngập.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục