Hàng ngàn người di cư từ Bangladesh và Myanmar theo dự báo sẽ tiếp tục lên thuyền tìm cuộc sống mới tại các nước trong khu vực Đông Nam Á khi gió mùa Tây Nam kết thúc trong vài tuần nữa. Vấn đề này ngày càng nóng lên trong những năm gần đây, gây nên tình trạng dở khóc dở cười của cả những người nhập cư và đất nước tiếp nhận.
Theo số liệu thống kê của LHQ, trong ba năm qua, số lượng người lên những chiếc tàu đánh cá ọp ẹp rời Myanmar và Bangladesh tới các nước phía Nam Đông Nam Á tăng gần gấp ba lần, lên 63.000 người vào năm 2014. Đặc biệt, trong ba năm qua, số người ra đi bằng đường biển vào các tháng mùa khô tăng đột biến. Tờ The Guardian dẫn lời người phát ngôn Cao ủy tị nạn LHQ (UNHCR) Vivian Tan dự báo một sự đột biến tương tự xảy ra trong mùa khô năm 2015-2016.
Tính trong 5 tháng đầu năm 2015 đã có 31.000 người lên thuyền di cư đến Đông Nam Á, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó đã có 1.000 người chết hoặc mất tích trên biển. Sau các chiến dịch trấn áp các tổ chức buôn người tại Thái Lan và Bangladesh, số nạn nhân bị chúng lấy tiền rồi đẩy ra biển có giảm nhưng chỉ là tạm thời. Malaysia cũng vừa ký kết với Banladesh cho phép 1,5 triệu người Bangladesh có tay nghề thấp được tới Malaysia làm việc. Điều này cũng phần nào giảm bớt áp lực di dân. Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn tại quê nhà chính là động lực thúc đẩy họ tiếp tục ra đi bất chấp hiểm nguy. Đặc biệt là người thiểu số Rohingya ở biên giới Myanmar và Bangladesh tiếp tục không được hai quốc gia này thừa nhận. Khoảng 140.000 người tị nạn Rohingya sống trong các trại ở bang Rakhine của Myanmar. Trong suốt hai năm qua, khoảng 10% - 12% dân số Rohingya đã rời Myanmar, chủ yếu là lên thuyền tới Malaysia. Chuyến đi của họ lên đến 2.500USD/người. Làn sóng khủng bố ngày càng tăng của các nhóm Hồi giáo tại Bangladesh cũng là nguyên nhân đẩy người dân nước này tìm tới nước khác.
Chưa biết các nước Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan và Indonesia năm nay có xua đuổi người tị nạn lênh đênh trên biển hay không nhưng rõ ràng là đã có những dấu hiệu cho thấy các nước này vẫn chưa có chính sách cụ thể với di dân. Bà Amy Smith, Giám đốc điều hành Tổ chức Bảo vệ thuyền nhân Fortify cho biết trên tờ The Straits Times rằng, các nước trong khu vực đã không xử lý người nhập cư theo đúng cách. Theo bà Amy Smith, trọng tâm phải bảo vệ những người này, cung cấp cho họ nơi ăn chốn ở tạm thời, nhất là tăng cường công tác tìm kiếm và cứu hộ cho những người bị nạn trên biển.
Trong một nỗ lực cứu người nhập cư, Tổ chức MY Phoenix vừa hoạt động hữu hiệu trong việc cứu hộ ở Địa Trung Hải cho biết họ sẽ tới Đông Nam Á tham gia các chiến dịch cứu hộ người tị nạn. Philippines cũng tuyên bố nhận vài ngàn người tị nạn và thúc giục các nước khác làm theo.
Theo bà Vivian Tan, một lực lượng đặc nhiệm chung có thể giúp các nước phối hợp cứu nạn trên biển và thống nhất về các tiêu chuẩn chung trong việc việc tiếp nhận người tị nạn đang trở nên cấp bách với các nước Đông Nam Á. Các nước liên quan nên làm việc với nhau để giải quyết vấn đề một cách toàn diện, từ nơi người tị nạn xuất phát đến nơi quá cảnh và điểm đến. Có như vậy, mới hy vọng tránh một cuộc khủng hoảng di dân kéo dài năm này sang năm khác.
KHÁNH MINH