Từ chuyện 10 tỷ đồng một giống lúa

Thông tin Công ty TNHH Cường Tân mua bản quyền sử dụng giống lúa lai 2 dòng TH3-3 của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm với giá 10 tỷ đồng đã gây ra nhiều sự chú ý không chỉ đối với giới kinh doanh mà còn với nhiều nhà khoa học ở các viện, trường. Lần đầu tiên một loại giống, nhất là giống cây trồng được mua với giá rất cao như vậy ở Việt Nam.
 
Thực ra trước đây cũng đã từng có việc mua bản quyền một số giống cây trồng, nhưng hầu hết chỉ dừng lại ở mức vài trăm triệu đồng, cao lắm cũng dưới 1 tỷ đồng, chưa có giống cây nào được doanh nghiệp mua với giá cao như giống lúa lai TH3-3.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Trâm, tác giả nghiên cứu và lai tạo thành công giống lúa nói trên, cho dù năng suất giống lúa lai TH 3-3 chưa thật sự cao bằng các giống lúa lai nổi tiếng của Trung Quốc đang có mặt ở thị trường Việt Nam, nhưng bù vào đó, chất lượng hạt gạo TH3-3 có ưu thế hơn, lại dễ trồng và thời gian sinh trưởng không quá dài (vụ mùa 105-110 ngày, vụ xuân 115-120 ngày), phù hợp với nhiều vụ trong năm, lại thích ứng trên diện rộng nhiều loại đất.

Thời gian qua giống lúa lai này được tiêu thụ khoảng 1.000 - 1.500 tấn giống/năm, với tốc độ này đến năm 2010, diện tích có thể được mở rộng lên 60.000 – 70.000ha, tương đương với 1.500-2.000 tấn giống lúa lai TH3-3 cần có để gieo trồng, chiếm khoảng 1/10 diện tích lúa lai mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra. 
 
Việc này cho thấy, thành quả tiến bộ kỹ thuật từ việc nghiên cứu của nhà khoa học đã trở thành một thứ hàng hóa, có thể mua bán, trao đổi trên thị trường như những loại hàng hóa khác. Không còn tình trạng nhà khoa học nhận đề tài nghiên cứu, sau đó báo cáo để được nghiệm thu và không ít bị cất vào ngăn tủ.

Điều đáng nói hơn về sự kiện này, đó là PGS-TS Nguyễn Thị Trâm là một nhà khoa học (giảng dạy tại trường đại học) đã nghỉ hưu, chắc chắn điều kiện nghiên cứu không được thuận lợi như những nhà khoa học ở các viện nghiên cứu, nhưng với việc xác định đúng hướng trong bối cảnh thị trường đầy những giống lúa lai vượt trội của Trung Quốc, cộng với lòng đam mê vẫn có thể nghiên cứu và lai tạo thành công để cho ra đời dòng lúa lai đáp ứng được nhiều mong đợi từ người sản xuất 
 

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục