“Họp nóng” bàn cách tiêu thụ sữa cho nông dân

Người nuôi lại chịu thêm tiếng oan
“Họp nóng” bàn cách tiêu thụ sữa cho nông dân

Hàng trăm tấn sữa tươi đã phải đổ đi. Hàng trăm người nuôi bò sữa vuốt nước mắt nhìn sữa chảy lênh láng trên đường làng ngõ xóm, tràn xuống kênh mương. Người nuôi bò cũng như các đại lý thu gom đã chịu đựng hết nổi. Trước tình hình trên, chiều 13-1, tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức cuộc họp “nóng” với các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, đại lý thu mua sữa tươi nguyên liệu và người nông dân để bàn cách cứu người nông dân cũng như đàn bò sữa với những cuộc tranh luận diễn ra gay gắt.

Người nuôi lại chịu thêm tiếng oan

“Họp nóng” bàn cách tiêu thụ sữa cho nông dân ảnh 1

Nông dân nuôi bò sữa ở Trung Nguyên (Yên Lạc - Vĩnh Phúc) lo lắng trước tình trạng không bán được sữa.

Ông Hoàng Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng (Gia Lâm - Hà Nội) xót xa giãi bày: “Không chỉ riêng nông dân ở Yên Lạc, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) mới phải ngậm ngùi đổ sữa ra đường mà mới đây, ngay cả nông dân ở làng Phù Đổng cũng phải đổ bỏ sữa tươi ra mương, đường làng”.

Anh Dương, chủ một đại lý thu gom ở làng Phù Đổng - cho biết, hiện mỗi ngày anh thu mua khoảng 3 - 3,5 tấn sữa tươi nguyên liệu của nông dân. Trong đó, hợp đồng tiêu thụ với Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk) là 2,5 tấn. Còn lại anh tự bán lẻ bên ngoài. Tuy nhiên kể từ 1-1 vừa qua, Hanoimilk lại thông báo cắt giảm 50% lượng sữa thu mua. Vậy là mỗi ngày anh dư thừa 1,25 tấn không biết bán cho ai. Không còn cách nào khác, anh đành phải xả bỏ 7 tấn sữa bị tồn đọng. Cùng với dòng sữa đổ là dòng nước mắt.

Tuy nhiên, trong cuộc họp bàn cách giải cứu nông dân, Cục Chăn nuôi lại cho rằng: “Hành động đổ bỏ sữa tươi ra đường là vô văn hóa, phí phạm, không thể chấp nhận được”.

Trước câu nói trên, ông Nguyễn Như Tám, 57 tuổi, ở thôn Trung Nguyên, xã Trung Nguyên (Yên Lạc - Vĩnh Phúc) - người đã đổ hàng tấn sữa tươi ra đường đồng thời đứng đơn kiện Bộ Y tế trong việc tuyên bố về sữa nhiễm melamine một cách “tiền hậu bất nhất”, gây tai vạ cho người chăn nuôi bò sữa - đứng lên bày tỏ: “Oan cho chúng tôi. Nông dân chúng tôi đã hết cách rồi. Sữa thu mua về, nông dân không thể bảo quản được quá 2 ngày, mà để tự dùng thì làm sao hết. Chúng tôi cũng đã liên lạc với các trường học ở quanh vùng để cho các cháu. Nhưng các cháu cũng không uống hết, không muốn uống”.

Vẫn câu hỏi lớn chưa lời đáp

Sở dĩ có chuyện nông dân đành phải đau đớn đổ bỏ sữa tươi ra đường là vì hiện nay, Hanoimilk - đơn vị vốn là “bà đỡ” của hàng ngàn người nuôi bò sữa ở Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc - cắt giảm đáng kể lượng sữa nguyên liệu mua vào.

“Họp nóng” bàn cách tiêu thụ sữa cho nông dân ảnh 2

Nông dân nuôi bò sữa ở Trung Nguyên (Yên Lạc - Vĩnh Phúc) phải đổ bỏ cả téc sữa tươi ra đường. Ảnh: VĂN PHÚC HẬU

Ông Trần Đăng Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk) - giãi bày: Trước đây, khi còn hưng thịnh thì mỗi ngày công ty thu mua trên 40 tấn sữa tươi nguyên liệu. Nhưng bây giờ, mỗi ngày chỉ đủ sức thu mua 20 tấn vì sản phẩm không bán được do người tiêu dùng quay lưng sau khi có thẩm định nhầm là sản phẩm của công ty có melamine.

Trước tình cảnh trên, hiện nay Hanoimilk gần như lực bất tòng tâm dù đã rất nỗ lực rồi. Theo các chuyên gia, chỉ còn một giải pháp là các doanh nghiệp còn lại, đang có uy tín trên thị trường phải “chung lưng đấu cật”, chia sẻ gánh nặng cho Hanoimilk bằng việc nhảy vào thu mua giúp nông dân phần sữa còn lại. Trong đó, hai “gương mặt” được tin cậy là Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty cổ phần sữa Quốc tế (IDP). Tuy nhiên, khi được đặt vấn đề, đại diện Vinamilk lại cho rằng, để mua giúp sữa cho những nông dân ở những vùng trên thì Vinamilk phải xem xét lại các tiêu chuẩn về chất lượng bò, chất lượng sữa, cách chăn nuôi…

Trước cách đặt vấn đề như vậy, ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Hà Nội - không kìm được sự bức xúc: “Vinamilk cần phải đẩy nhanh việc thu mua giúp người nuôi bò sữa đang lâm tình cảnh đặc biệt khó khăn”. Ông Tâm cho rằng, hai đơn vị là Vinamilk và IDP nên tăng thêm sản lượng sữa thu mua lên 30% để chia sẻ khó khăn cho các doanh nghiệp khác và người nông dân. Còn nếu đưa ra những điều kiện về kỹ thuật quá khắt khe, cách làm chậm chạp như hiện nay thì chỉ cần muộn 1 tháng là đã không thể nào cứu được nông dân và hàng ngàn con bò sữa đã có thể bị giết thịt.

Cũng chỉ là bằng những lời động viên, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) - đưa ra đề nghị các công ty sữa tìm mọi cách thu mua hết sữa cho nông dân, giá thu mua có thể thỏa thuận trước và nếu thay đổi thì phải báo trước 1 tháng bằng văn bản.

Hiện nay, có thực tế là các nhà máy ngại thu mua sữa qua các đại lý. Do vậy, các hộ chăn nuôi bò có thể ký hợp đồng trực tiếp với nhà máy. Đồng thời, các hộ nông dân cũng phải nỗ lực tìm mọi cách để tiêu thụ, bán lẻ lượng sữa mà mình làm ra hoặc đóng thành bánh, làm sữa chua, ủng hộ các trường học, trung tâm nuôi dưỡng người già…

Văn Phúc Hậu

Tin cùng chuyên mục