Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa? - Bài 2: Nỗi niềm nông dân mất đất

Bây giờ dọc dài miền quê các tỉnh miền Trung và ĐBSCL, rất nhiều nhà máy hiện đại sừng sững; những khu đô thị khang trang mọc lên minh chứng một xã hội công nghiệp hóa, đô thị hóa bắt đầu hình thành. Tất cả như một luồng sinh khí mới đối với một bộ phận người dân miền Trung vốn quanh năm nghèo khó. Thế nhưng, phía sau bóng dáng nguy nga ấy lại là nhiều ánh mắt buồn vời vợi, vì nhớ quê khi nông dân xa ruộng đồng, được tái định cư ở vùng đất mới. Có cả tiếc nuối lẫn hờn giận khi trên chính những mảnh đất bao năm cung ứng cho họ những hạt gạo, củ khoai trong cuộc sống thường ngày, vậy mà giờ đất đai hoang hóa, gây lãng phí bởi những dự án “treo”.
Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa? - Bài 2: Nỗi niềm nông dân mất đất

Bây giờ dọc dài miền quê các tỉnh miền Trung và ĐBSCL, rất nhiều nhà máy hiện đại sừng sững; những khu đô thị khang trang mọc lên minh chứng một xã hội công nghiệp hóa, đô thị hóa bắt đầu hình thành. Tất cả như một luồng sinh khí mới đối với một bộ phận người dân miền Trung vốn quanh năm nghèo khó. Thế nhưng, phía sau bóng dáng nguy nga ấy lại là nhiều ánh mắt buồn vời vợi, vì nhớ quê khi nông dân xa ruộng đồng, được tái định cư ở vùng đất mới. Có cả tiếc nuối lẫn hờn giận khi trên chính những mảnh đất bao năm cung ứng cho họ những hạt gạo, củ khoai trong cuộc sống thường ngày, vậy mà giờ đất đai hoang hóa, gây lãng phí bởi những dự án “treo”.

  • Nỗi nhớ ruộng đồng

Chúng ta đã từng trải qua cái đói, phải đi vay gạo của nước ngoài để cứu đói cho dân. Cái thời đó không phải xa xưa mà cũng chỉ xảy ra cách đây có mấy chục năm thôi, sao chúng ta nhanh quên thế
 

Ông Nguyễn Trí Ngọc
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT)

Ông Phan Hòa, Chủ tịch UBND xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), dẫn chúng tôi men theo những con đường ngoằn ngoèo, sình lầy với những vũng nước màu vàng đen dẫn vào khu dân cư số 6. Phóng tầm mắt ra xa, nơi cả một mặt bằng rộng mênh mông của dự án Nhà máy thép Quảng Liên chỉ có lô nhô vài cọc bê tông được đóng xuống, ông Hòa nói: “Không ai nghĩ đó lại là những tuyến đường dân sinh trong một khu kinh tế quy mô nhất Quảng Ngãi”. Ông Huỳnh Thuận, một người dân của khu dân cư số 6, nói: “Cả khu dân cư bị bỏ rơi trong mặt bằng dự án, chúng tôi quá mệt mỏi khi phải chờ đợi được di dời đến nơi ở mới để có đất sản xuất, ổn định cuộc sống. Là nông dân mà không có đất sản xuất, chỉ có nước chạy rông, đụng chi làm nấy chứ biết làm chi”.

Rời Bình Đông, chúng tôi vào khu tái định cư Đông Thuận, xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh). Đã hơn 12 năm chuyển đi từ xã Bình Trị (huyện Bình Sơn) để nhường đất cho dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường đi của khu tái định cư Đông Thuận vẫn là đất cát.

Ông Vương Cộng, 60 tuổi, nói: “Hồi mới vào, họ bảo cứ ở đi, rồi làm đường nhựa cho đi. Đến nay có thấy gì đâu. Mà không riêng gì đường, còn nhiều công trình dân sinh khác nữa”. Ngồi xuống bờ kè sạt lở nham nhở, ông Nguyễn Hòa, 70 tuổi, nói: “Lời hứa của cán bộ vận động cách đây 12 năm rằng, bà con cứ về khu tái định cư mới sẽ có cuộc sống khá hơn chỗ ở cũ, có đường, trạm xá, có đất sản xuất, nhưng cũng từng ấy thời gian, họ phải chạy ăn từng bữa, đất không, ruộng không. Những nông dân chuyển sang làm ngư dân cũng không khá hơn, cuộc sống bấp bênh”.

  • Phải đi thuê ruộng

Chúng tôi gặp ông Phạm Chỉnh (phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đang tranh thủ làm đất trồng lứa rau cuối cùng trên mảnh ruộng hơn 2 sào đang thuê tại cánh đồng Sơn Thủy, phường Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn), mai đây sẽ được “trưng dụng” để làm dự án suối khoáng nóng Hoàng Trà.

Ông Chỉnh trầm tư: “Ba năm trước, khu vườn rau nhà tôi ở Mân Thái giải tỏa để chỉnh trang đô thị. Nhận tiền đền bù xong, chúng tôi chuyển sang buôn bán nhưng ế ẩm, lại quay về với nghề trồng rau. Có người chỉ tôi ra ngoại ô thuê đất. Thế là “dạt” về đây thuê được 2 sào dọc sông Cổ Cò (phường Hòa Hải) đầy cỏ dại, khai hoang vỡ hóa mới có được như hôm nay, nhưng e lại phải tiếp tục “dạt” rồi và không biết lần này sẽ đi đâu?”.

Theo nhẩm tính của ông Chỉnh, trồng rau tuy vất vả nhưng mỗi tháng thu 4 - 5 triệu đồng, trang trải được cuộc sống gia đình. Nay mai sẽ không có đất để làm nữa, cả gia đình không biết làm gì kiếm kế sinh nhai. Có lẽ câu hỏi mà ông Chỉnh đau đáu cũng là câu hỏi của hàng ngàn hộ nông dân của Đà Nẵng hơn 10 năm qua khi TP này thực hiện chỉnh trang, mở rộng.

Bây giờ có lẽ cụm từ đô thị Nam cầu Cẩm Lệ hay khu đô thị sinh thái Hòa Xuân đã quen với người Đà Nẵng. Với tham vọng biến cửa ngõ phía Nam TP thành một khu đô thị sầm uất, khang trang, Đà Nẵng đã cho quy hoạch hàng loạt khu dân cư, nhà máy ngay trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp trước đây của xã Hòa Xuân (nay là phường Hòa Xuân). Điều đó đang dần thành hiện thực khi những ngôi nhà mới khang trang, đường nhựa phẳng lì, ánh điện lung linh… Nhưng đi về vùng ven ấy, những nông dân trong cơn lốc đô thị hóa ngồi “bó gối” với hàng loạt câu hỏi đặt ra phải làm gì nuôi sống gia đình và bản thân khi đất nông nghiệp đã bị thu hồi?

Tại Hà Nội, Dương Nội là xã ngoại thành, cách đây 3 năm, khi có dự án đường Lê Văn Lương và Lê Trọng Tấn cắt qua, một lúc có tới 14 dự án đầu tư chung cư cao tầng, ăn theo cơn sốt đất. Người dân phản ứng rất dữ, đề nghị không được làm khu đô thị, để lại ruộng cho nông dân nhưng rồi toàn bộ đồng ruộng vẫn bị san lấp. Anh Bùi Văn Lý, nhà ở thôn Ỷ La, kể: “Bây giờ không còn ruộng để làm ăn, vợ chạy chợ, chồng đi phụ hồ”.

Sau khi toàn bộ ruộng bị thu hồi, có chút vốn liếng từ tiền đền bù, nhiều hộ gia đình ở Dương Nội, An Khánh nhanh trí chuyển đổi sang làm dịch vụ như mở lò mổ thịt heo, thịt chó; bán hàng ăn uống; buôn gà, kinh doanh vật liệu xây dựng… Nhưng vẫn còn nhiều người tìm cách bám đồng ruộng để mưu sinh bằng cách kéo nhau đi sang các làng lân cận như La Tinh, Đông Lao, Đại Mỗ, La Phù, La Dụ… thuê đất để trồng hoa màu và lúa. Nhiều người dân ở các huyện Đan Phượng, Hoài Đức cũng buộc phải làm như vậy…

KCN Hưng Phú 1 (quận Cái Răng - TP Cần Thơ) quy hoạch trên đất ruộng vườn màu mỡ của dân, sau nhiều năm triển khai rất ì ạch.

KCN Hưng Phú 1 (quận Cái Răng - TP Cần Thơ) quy hoạch trên đất ruộng vườn màu mỡ của dân, sau nhiều năm triển khai rất ì ạch.

  • Sinh kế - lâm thế khó

Tại KCN Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) quy mô 120ha, hầu hết diện tích này đều nằm trong vùng đất lúa. Khi thu hồi đất, rất nhiều người không còn đất sản xuất, không còn nhà để ở. Ông Nguyễn Minh Hùng ở ấp Ngan Rô 1, có hơn 1ha đất lúa và nhà ở bị thu hồi, bức xúc: “Nhà nước bồi thường tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng. Nhận tiền rồi không biết làm gì sống nữa”.

Tại KCN Sông Hậu, chúng tôi bắt gặp cảnh khốn khó của hàng chục hộ dân trong vùng dự án nhà máy đóng tàu Hậu Giang. Ngày 26-9-2006, số hộ dân thuộc ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú được phát tiền bồi thường đất (50.000 đồng/m²) nhưng gần 4 năm sau mới được bồi thường tiền nhà. Mấy năm trời, người dân không biết đi đâu, cũng không thể bỏ đi vì chưa được bồi thường. Đất sản xuất đã giao cho nhà đầu tư, không có việc làm nên người dân ăn mòn tiền bồi thường đất.

Trong gần 4 năm chờ bồi thường tiền nhà, không có việc làm ổn định vì KCN “trùm mền” nên gia đình nông dân Nguyễn Văn Thành (có 3 công đất bị thu hồi) với 14 người đã ăn hết số tiền bồi thường đất. Nông dân Võ Văn Mười có 9.000m² đất và nhà cửa bị thu hồi, gần 4 năm chờ bồi thường đã bán ăn hết 2/3 suất nền tái định cư.

Vì không có việc làm ổn định, không đất sản xuất, xài hết tiền đền bù, thấy đất tốt nhưng bị bỏ hoang nên nhiều hộ dân (vốn có đất bị thu hồi làm KCN) đã quay về “mượn” tạm đất bỏ hoang tại các KCN để trồng lúa, rau màu kiếm sống.

Đang tất bật chăm sóc đám lúa gần 1ha sắp tới ngày thu hoạch trên đất KCN Sông Hậu (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), ông Nguyễn Văn Mắng ở ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú nói: “Nhà tôi có 10 nhân khẩu, bị thu hồi toàn bộ 8 công đất lúa vào dự án làm đường và KCN. Thấy đất tốt bị bỏ hoang nên cha con tôi “mượn” tạm trồng lúa kiếm gạo ăn. Mà trồng lúa trúng lắm chú à, vụ nào cũng được 5-6 tấn/ha”.

Nhiều nông dân khác như Năm Thiền, Hai Quốc, Bảy Nghi, Năm Mun… cũng tranh thủ mượn đất “hoang” của KCN để làm lúa, trồng ớt, đậu…

TP Cần Thơ hiện có 8 KCN. Trong số này, ngoài KCN Trà Nóc 1, 2 có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh nên đã lấp đầy 100%, KCN Thốt Nốt (có 9 doanh nghiệp), KCN Ô Môn và Bắc Ô Môn đang lập quy hoạch. Còn lại KCN Hưng Phú 1, KCN Hưng Phú 2A, 2B “trùm mền” nhiều năm qua vì chủ đầu tư gần như giậm chân tại chỗ.

Tổng diện tích đất trồng lúa của toàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 còn trên 39.000ha, trong đó đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên khoảng 35.300ha. Hiện tại diện tích đất trồng lúa nước trên địa bàn toàn tỉnh là 41.700ha. Nghĩa là so với quy hoạch trên, diện tích đất lúa của tỉnh trong giai đoạn 2011-2020 giảm khoảng 2.600ha. Trong khi đó, thống kê từ năm 2006 đến 2010, Quảng Nam đã có 4.056ha đất canh tác lúa, hoa màu và 227ha mặt nước nuôi trồng thủy sản bị thu hồi để xây dựng các xí nghiệp, đô thị, kết cấu hạ tầng. Điều tra của Hội Nông dân TP Đà Nẵng, toàn TP có khoảng 20.000 nông dân bị ảnh hưởng bởi việc giao khoảng 10.000ha đất nông nghiệp cho các dự án sau hơn 10 năm Đà Nẵng thực hiện chủ trương quy hoạch, chỉnh trang đô thị.

NHÓM PV

- Thông tin liên quan:

>> Bài 1: Đã mất bao nhiêu bờ xôi ruộng mật?

Tin cùng chuyên mục