Đề phòng dịch cúm gia cầm: Phải khống chế gà nhập lậu

Theo Cục Thú y, việc sử dụng vaccine trong phòng chống dịch như lở mồm long móng, heo tai xanh, cúm gia cầm H5N1 tỏ ra có hiệu quả, góp phần khống chế được dịch bệnh cúm gia cầm H5N1 từ phạm vi cả nước thành dịch địa phương, giảm nhiều ca lây nhiễm cúm trên người. Nhiều địa phương khống chế thành công dịch cúm trong nhiều năm, các trang trại gia cầm lớn hầu như không bị dịch, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi…
Đề phòng dịch cúm gia cầm: Phải khống chế gà nhập lậu

Theo Cục Thú y, việc sử dụng vaccine trong phòng chống dịch như lở mồm long móng, heo tai xanh, cúm gia cầm H5N1 tỏ ra có hiệu quả, góp phần khống chế được dịch bệnh cúm gia cầm H5N1 từ phạm vi cả nước thành dịch địa phương, giảm nhiều ca lây nhiễm cúm trên người. Nhiều địa phương khống chế thành công dịch cúm trong nhiều năm, các trang trại gia cầm lớn hầu như không bị dịch, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi…

Không thể ỷ lại vaccine

Nhưng cũng từ việc phòng chống cúm gia cầm H5N1 cho thấy, không thể dựa hẳn vào vaccine. Năm 2011, với sự xuất hiện nhánh virus mới 2.3.1 nhóm A làm giảm hiệu lực sử dụng vaccine nhóm A còn 70%, nhóm B còn 0%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phải kiến nghị Thủ tướng tạm dừng tiêm phòng tại các tỉnh thành phía Bắc và miền Trung, chỉ tiêm phòng ở 13 tỉnh vùng ĐBSCL, nơi có nhánh 1.1 của virus H5N1.

Theo ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, từ nay đến đầu năm 2013 là giai đoạn dịch bệnh gia súc, gia cầm có điều kiện xuất hiện, lây lan, đặc biệt là cúm gia cầm H5N1, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Những ổ dịch cúm gia cầm từ năm 2011 đến nay gây chết chủ yếu trên đàn thủy cầm, trước đó, chủ yếu trên đàn gà. Gần 67% số tỉnh, 36% số huyện và 25,7% số chợ phát hiện có virus cúm H5N1 trên thủy cầm. Kinh nghiệm cho thấy, ở những địa phương có chiến lược phòng chống dịch bệnh lâu dài, giải pháp căn cơ, khi bệnh gia cầm xảy ra, tập trung và quyết liệt xử lý, không để lây lan, hỗ trợ kịp thời với mức hợp lý giúp người dân tự nguyện khai báo để khống chế như Vĩnh Long. Nhưng nếu địa phương lơ là, không công bố khi có bệnh xuất hiện, không làm quyết liệt càng làm cho dịch bệnh có điều kiện phát tán, lây lan, thiệt hại rất lớn mà Đắk Lắk là bài học kinh nghiệm, từ 1 hộ lây lan gần hết các xã, huyện trong tỉnh.

Tuy nhiên, ngay cả ở ĐBSCL, do việc tiêm phòng không triệt để, hầu như việc tiêm trên đàn thủy cầm chỉ 1 lần thay vì phải 2 lần nên việc xảy ra dịch cúm vẫn xuất hiện và tái đi tái lại ở một số tỉnh. Vì vậy, theo ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6, để phòng chống hiệu quả, việc sử dụng vaccine phải tuân thủ đúng quy định (cách tiêm, bảo quản, đủ liều...) mới có hiệu quả. Nếu không cũng giống như tiêm nước lã, không có tác dụng lại tốn kém và dịch bệnh bùng phát. Nhưng quan trọng hơn, các địa phương phải có kế hoạch phòng chống trước khi dịch bệnh xảy ra. Vaccine chỉ là một trong nhiều biện pháp phòng chống, không thể ỷ lại hay chủ quan.

Gia cầm sống bày bán ngoài đường rất khó kiểm soát an toàn dịch bệnh. Ảnh: DIỄM THY

Gia cầm sống bày bán ngoài đường rất khó kiểm soát an toàn dịch bệnh. Ảnh: DIỄM THY

Nguy cơ lây nhiễm virus độc lực cao

Không phải ngẫu nhiên từ năm 2011 đến nay, cúm gia cầm H5N1 xuất hiện dòng virus nhánh mới 2.3.2.1 A, B, C phân bổ hầu khắp các tỉnh miền Bắc, lan vào miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ, trong đó, nhánh A xuất hiện ở 19 tỉnh, nhánh B ở 7 tỉnh, nhánh C ở 18 tỉnh và 6 tỉnh xuất hiện cả nhánh A, B và C khiến cho việc phòng chống gặp khó khăn khi hiệu lực của vaccine không còn cao như trước, làm cho dịch bệnh có xu hướng tăng trở lại.

Theo Cục Thú y, dịch bệnh thời gian qua liên quan đến tình trạng nhập lậu gia cầm các tỉnh biên giới phía Bắc, nhất là Quảng Ninh, Lạng Sơn. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Cục Chăn nuôi, cho rằng, chưa năm nào gà nhập lậu nhiều như năm nay. Có khoảng 70.000 - 100.000 tấn gà thải loại vào Việt Nam, tương đương gần 50% tổng lượng thịt nhập khẩu chính ngạch. Lúc cao điểm có thể lên đến 200 - 300 tấn/ngày tại cửa khẩu Quảng Ninh và Lạng Sơn... Ngoài ra, năm nay việc nhập lậu con giống gia cầm cũng rất nhiều, khoảng 15 - 30 triệu con. Các giống chủ yếu là gà địa phương, Lương Phượng, vịt bầu, trứng giống, trứng ấp dở. Riêng tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh) mỗi ngày nhập lậu từ 40.000 - 100.000 con. Nhưng bên cạnh vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, điều quan ngại khác là gà nhập lậu đi đến đâu xuất hiện virus mới, làm lây lan dịch bệnh đến đó. Hiện nay, dòng virus cúm H5N1 thuộc nhóm C có độc lực cao làm cho vịt chết đến 75%, không chỉ lan ra nhiều tỉnh phía Bắc mà đã lan vào tận tỉnh Quảng Ngãi (miền Trung). Vì vậy, dịch bệnh năm 2012 có xu hướng tăng trở lại, trong đó số xã, huyện mắc dịch tăng gấp 2, 3 lần so với những năm trước kể cả gia cầm chết cũng tăng đột biến. 

 Gà thải loại từ Trung Quốc thời gian gần đây không chỉ có gà sống tràn qua mà giới kinh doanh còn chuyển sang tổ chức giết mổ ngay tại biên giới, đóng vào thùng xốp để vận chuyển. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, việc nhập lậu gà loại thải và gà giống chưa qua kiểm dịch làm cho việc phòng chống trở nên khó khăn thêm, đặc biệt thời điểm hiện nay đến đầu năm sau là giai đoạn mà dịch bệnh có nhiều điều kiện bùng phát do việc gia tăng chăn nuôi để cung ứng dịp tết làm tổng đàn tăng lên; việc vận chuyển từ nơi này sang nơi khác cộng với thời tiết trở lạnh là điều kiện làm virus xuất hiện và lây nhiễm.

Theo ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, việc TPHCM phòng chống hiệu quả dịch bệnh, quản lý và kiểm soát được lượng gia cầm các nơi vận chuyển về là nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng thú y và lực lượng quản lý thị trường, công an, giao thông... Trong đó, vai trò các trạm kiểm dịch đầu mối tại các cửa ngõ TP rất quan trọng. Tuy nhiên, Trạm kiểm dịch Thủ Đức, nút chặn kiểm soát và kiểm dịch gia súc, gia cầm từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc, phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm thời gian qua, sắp tới có thể phải bị di dời, do khu vực hiện nay nằm trong quy hoạch Trường Đại học Quốc gia TPHCM.


CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục