Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển” - Bài 1: Xây dựng “nông thôn mới” cho ngư dân

Ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường
Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển” - Bài 1: Xây dựng “nông thôn mới” cho ngư dân

LTS: Ngày 22-12, tại Phú Yên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên và Báo SGGP tổ chức Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển”. Hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp về lý luận và thực tiễn để có cơ sở đánh giá toàn diện việc ban hành và thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ ngư dân trong phát triển kinh tế biển, làm tiền đề thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng và Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Tham dự và chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Đào Tấn Lộc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên; ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT; ông Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên TPHCM, Tổng Biên tập Báo SGGP. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, ngư dân…

Quang cảnh Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển”. Ảnh: Việt Dũng

Quang cảnh Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển”. Ảnh: Việt Dũng

Ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường

“Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Trong cả lý luận và thực tiễn, Đảng ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược quan trọng, coi đó là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường.

Trong những năm qua, nhiều nguồn lực đã được ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, trong đó có giải pháp hỗ trợ cho ngư dân phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, các giải pháp hỗ trợ ngư dân được đánh giá là chưa đồng bộ, chưa phát huy được lợi thế biển của đất nước”, phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Giàu nêu bật vai trò của kinh tế biển và những vấn đề cần thảo luận, kiến nghị giải pháp để tháo gỡ nhằm nâng cao đời sống ngư dân, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo thống kê của TS Phạm Hồng Mạnh (Trường ĐH Nha Trang), từ năm 2008 đến nay, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đã ban hành gần 20 chính sách hỗ trợ ngư dân. Có thể thấy rằng, hầu hết những văn bản quy phạm pháp luật này của các cơ quan quản lý nhà nước đều nhắm đến các vấn đề chính trong tổ chức sản xuất của ngành thủy sản, đặc biệt là giải quyết các vấn đề đầu vào cho hoạt động sản xuất, như: hỗ trợ tín dụng để khuyến khích cải hoán và đóng mới tàu cá của ngư dân đối với công suất lớn phục vụ khai thác hải sản xa bờ; hỗ trợ chi phí xăng, dầu trong quá trình khai thác hải sản xa bờ; hỗ trợ phát triển và duy trì cung ứng dịch vụ viễn thông công ích cho ngư dân; xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu neo đậu tàu thuyền, khu tránh trú bão đối với tàu thuyền; khuyến khích việc thành lập các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển để giúp đỡ lẫn nhau khắc phục rủi ro trên biển; miễn thuế môn bài cho hộ đánh bắt hải sản; hỗ trợ đào tạo nghề cho ngư dân… Nhìn chung, các chính sách được ban hành đều phát huy tác dụng ở mức độ hiệu quả khác nhau.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản: “Trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta có chính sách tam nông (nông nghiệp, nông thôn và nông dân), còn trong lĩnh vực thủy sản, vấn đề ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường rất quan trọng, cần phải xây dựng một chính sách đặc thù để ngư dân vươn khơi bám biển”. Ý kiến của ông Nguyễn Chu Hồi nhận được sự đồng tình của ông Nguyễn Văn Giàu: “Quan điểm về vấn đề tam ngư rất mới. Sắp tới, chúng tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội về vấn đề này”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trao đổi cùng các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Việt Dũng

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trao đổi cùng các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Việt Dũng

“Nông thôn mới” cho ngư dân

Ngư dân là lực lượng quan trọng, cơ bản để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế biển. Để xác định nhu cầu của ngư dân trong phát triển kinh tế biển trước hết cần đánh giá thực trạng những khó khăn, trở ngại trong hoạt động khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, qua đó xây dựng, bổ sung hoàn thiện chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất, từng bước cải thiện đời sống vật chất của các hộ ngư dân, xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ vững chắc vùng biển đảo Việt Nam. 

Theo ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân Việt Nam, ngư dân cơ bản là đối tượng nghèo, thu nhập thấp, lao động trong ngành nghề vất vả, gian khổ, nguy hiểm và gánh chịu nhiều rủi ro; phương tiện tàu thuyền khai thác đánh bắt hải sản của ngư dân nhìn chung cũ nát, lạc hậu, chưa đáp ứng được hoạt động đánh bắt xa bờ; ngư dân thiếu trang bị thông tin liên lạc; trình độ ngư dân còn thấp, chưa qua đào tạo nghề. Theo đó, trình độ của ngư dân đi biển khoảng 8,4% mù chữ, trên 50% mới tốt nghiệp tiểu học. Từ bao đời nay, nghề đi biển vẫn là “cha truyền con nối”.

“Ngư dân phần lớn học hỏi bằng kinh nghiệm truyền thống của người đi trước và những trải nghiệm của bản thân trong những tháng ngày lênh đênh trên biển là chính, ít có kiến thức và kỹ năng bài bản. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, công tác đào tạo nghề cho ngư dân ngày càng trở nên cần thiết”, ông Nguyễn Duy Lượng nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Duy Lượng, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ mang đến hội thảo nhiều trăn trở về cơ hội, chất lượng sống và khả năng phát triển kinh tế biển của ngư dân trong bối cảnh hội nhập. Theo ông Lê Huy Ngọ: “Ngư nghiệp và ngư dân là câu chuyện ít được nói đến. Với ngư dân, những vấn đề cấp bách của cuộc sống, cần phải hỗ trợ thì phải làm, nhưng những vấn đề có tính chiến lược, như xây dựng khu công nghiệp nghề cá, bao gồm cả đánh bắt, hậu cần, cơ sở xã hội là phải tính đến”.

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đã “làm nóng” hội trường khi đặt vấn đề thẳng thắn: “Tại hội thảo lần này, tôi mong sẽ rút ra được một số điểm có thể trở thành chính sách, nhất là giải đáp được vấn đề tín dụng. Tôi cũng kiến nghị đến hội thảo, nên thành lập trung tâm hải sản quốc gia tại miền Trung, để giải quyết các khâu từ đánh bắt, chế biến, thị trường”.

Phản hồi ngay sau ý kiến của TS Trần Du Lịch, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT, cho biết: “Toàn quốc sẽ quy hoạch 5 trung tâm nghề cá lớn ở 5 vùng ngư trường trọng điểm. Đó là Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vũng Tàu và Kiên Giang. Ngoài ra, sẽ có thêm trung tâm vùng nuôi của ĐBSCL đặt tại Cần Thơ. Các trung tâm này sẽ gắn kết từ khâu đánh bắt, chế biến đến tiêu thụ, hỗ trợ đào tạo ngư dân…”. Sau khi nghe Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu, TS Trần Du Lịch cũng chưa thỏa mãn. “Tôi đề nghị làm trước một trung tâm ở miền Trung, chọn cá ngừ đại dương là sản phẩm chủ lực”, TS Trần Du Lịch kiến nghị.

TS Trần Du Lịch, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đề nghị thành lập Trung tâm hải sản quốc gia tại miền Trung.

TS Trần Du Lịch, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đề nghị thành lập Trung tâm hải sản quốc gia tại miền Trung.

Diễn ra trọn ngày chủ nhật, với gần 250 đại biểu đến dự, vượt xa số lượng dự kiến ban đầu của ban tổ chức, trong đó có cả những ngư dân lặn lội từ huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), theo ông Nguyễn Văn Giàu, hội thảo thành công ngoài mong đợi. Rất nhiều nhóm vấn đề đặt ra từ hội thảo này như: Nâng cao đời sống ngư dân, an toàn trên biển, những vấn đề khác như quy hoạch, thông tin thời tiết, quy mô phát triển; các chính sách cụ thể về cơ sở hạ tầng: hậu cần trên biển, cho vay vốn, hiện đại hóa đội tàu, chế biến, mô hình sản xuất và quản lý sẽ được ban tổ chức tổng hợp đầy đủ để các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng chính sách cho ngư dân!

 
 

Nước ta có chiều dài bờ biển 3.260km, suốt từ Bắc chí Nam và 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền, rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, có vị trí địa chính trị hết sức quan trọng với hơn 3.000 hòn đảo. Cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển (trong đó có 10 tỉnh và thành phố có hải đảo, quần đảo) với tổng diện tích 208.560km2, chiếm 41% diện tích cả nước và 41,2 triệu dân, chiếm gần một nửa dân số Việt Nam.

Trong những năm qua, nghề khai thác thủy sản ngày càng phát triển cả về số lượng lao động và kỹ thuật, năng suất khai thác thủy sản, cho thu nhập và giải quyết việc làm cho khoảng 4 triệu lao động, trong đó, lao động trực tiếp đánh bắt hải sản biển khoảng 850.000 người. Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2013, tổng sản lượng thủy sản cả nước đạt 5 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác đạt 2,38 triệu tấn, mang lại giá trị xuất khẩu đạt 5,37 tỷ USD.

Tuy nhiên cùng với lợi thế, biển Việt Nam thuộc vùng thời tiết khắc nghiệt nhất, bão lũ, áp thấp nhiệt đới, sóng to, gió lớn thường xuyên diễn biến hết sức phức tạp và do ảnh hưởng của hậu quả biến đổi khí hậu đã gây trở ngại về phát triển kinh tế biển đảo và hoạt động nuôi trồng, đánh bắt hải sản.

Tính đến tháng 10 năm 2013, cả nước có khoảng 117.000 tàu, trong đó nhóm tàu có công suất nhỏ hơn 90CV là 89.000 tàu, công suất từ 90CV trở lên có khoảng 28.000 tàu; các nghề khai thác chính của ngư dân ta tập trung chủ yếu là: nghề lưới rê, nghề lưới vây, nghề lưới kéo, nghề câu, chụp mực... Nghề cá đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước và đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cộng đồng dân cư.

 
 
 

TRẦN MINH TRƯỜNG

 
 
  • Tín dụng ngân hàng hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển

Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó bao gồm cả chính sách tín dụng đối với ngư dân. Theo đó, ngư dân khi vay vốn để đóng tàu, mua ngư lưới cụ, trang thiết bị phục vụ đánh bắt hải sản và bảo quản, chế biến được vay tối đa 50 triệu đồng không cần tài sản bảo đảm đối với các cá nhân, hộ dân sản xuất ngư nghiệp; 200 triệu đồng đối với hộ sản xuất, kinh doanh phục vụ nông nghiệp nông thôn; 500 triệu đồng đối với hợp tác xã.

Đối với lĩnh vực khai thác hải sản, Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 về chính sách tín dụng hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, quy định các ngư dân vay vốn các ngân hàng thương mại để mua sắm các loại máy, thiết bị dò cá, thu, thả lưới câu, thông tin liên lạc, hầm (buồng) cấp đông, thùng (hầm) bảo quản sản phẩm có gắn thiết bị lạnh, sản xuất nước đá, lọc nước biển làm nước ngọt sử dụng trên tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt xa bờ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, 50% lãi suất từ năm thứ 3 trở đi khi vay. Đối với các dự án đầu tư sản xuất và thiết bị chế biến thủy sản (thiết bị làm lạnh, cấp đông, tái đông; sản xuất nước đá, đá vảy; thiết bị hấp sấy...) được vay vốn tại Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam theo lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (hiện nay đã mở rộng việc cho vay sang các ngân hàng khác).

Rút kinh nghiệm từ chương trình cho vay đánh bắt xa bờ trước đây, ngày 29-11-2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1787/QĐ-TTg thí điểm chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, có công suất lớn để đánh bắt xa bờ tại tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài ra, Chính phủ cũng thực hiện hàng loạt các chính sách hỗ trợ trực tiếp phục vụ hoạt động đánh bắt xa bờ đối với ngư dân về chi phí tiền dầu, bảo hiểm ngư dân có tàu tham gia khai thác thủy sản, hỗ trợ thay máy mới đối với tàu có công suất từ 40CV trở lên; chính sách khuyến khích khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

  • Ông Đào Tấn Lộc, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên: Phú Yên phát triển kinh tế biển theo hướng CNH, HĐH

Với tiềm năng và lợi thế tự nhiên sẵn có, trong những năm qua, Phú Yên đã, đang có chiến lược phát triển kinh tế biển theo hướng CNH, HĐH, đưa vùng biển và ven biển Phú Yên có bước phát triển quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; quốc phòng, an ninh được củng cố; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Đối với Phú Yên, việc khai thác cá ngừ đại dương đã trở thành thế mạnh của ngành thủy sản. Ngoài việc giải quyết cho gần 8.000 lao động mỗi năm, nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên đã góp phần tăng kim ngạch mặt hàng xuất khẩu thủy sản của tỉnh, tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trên biển, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển Nam Trung bộ. Tỉnh đang tập trung phát triển nhanh, bền vững các ngành công nghiệp, dịch vụ du lịch và hải sản; xây dựng khu kinh tế Nam Phú Yên, xây dựng hoàn chỉnh các khu, cụm công nghiệp tập trung, hình thành các khu du lịch ven biển. Xây dựng nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, cơ sở hậu cần nghề cá. Hội thảo lần này là cơ hội tốt để Phú Yên gặp gỡ, học tập kinh nghiệm, góp phần nâng cao đời sống ngư dân, phát triển kinh tế biển…

  • Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: Chính sách vay vốn cho ngư dân chưa phù hợp

Nghề biển mấy năm trở lại đây liên tục thất bát. Tại Khánh Hòa, một trong những địa phương có nghề biển phát triển mạnh với trên 10.000 tàu, thuyền đánh bắt hải sản, nhưng trong năm 2013 có nhiều nghề truyền thống, mũi nhọn sản lượng chỉ bằng 40% năm 2012, thấp nhất trong 50 năm trở lại đây. Chính vì đi biển thua lỗ nên trong nhiều năm qua, hàng loạt tàu bè ngư dân nằm bờ, có lúc lên đến 80%. Trên thực tế, nhiều đánh giá cho rằng ngư dân là những người dễ bị tổn thương, có trình độ nhận thức thấp, thiệt thòi nhiều thứ. Mỗi khi biển động, họ chỉ biết ở nhà, không kiếm đâu ra cơm nếu không có biển. Vì thế, chúng tôi mong rằng qua những kiến nghị tại hội thảo này, Quốc hội cần có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước nên dành cho ngư dân những khoản vay như những gói kích cầu cho các lĩnh vực khác đang triển khai.

  • Ông Nguyễn Quốc Chinh, ngư dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi: Liên kết sẽ giảm thiểu rủi ro

Bao đời nay ngư dân chúng tôi bám biển mưu sinh tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Dù đi biển có những rủi ro, nhưng vì đó là phần biển thiêng liêng của Tổ quốc, nơi một phần máu xương của ông cha còn đó, nên chúng tôi quyết bám biển. Bên cạnh những hỗ trợ bấy lâu nay, vừa qua tại Lý Sơn, những nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên của cả nước được thành lập, tôi thấy đó là một chủ trương đúng, hợp lòng ngư dân. Từ khi có các nghiệp đoàn, ngư dân Lý Sơn hoạt động có tổ - đội, vì thế mà mỗi lần ra biển chúng tôi yên tâm hơn. Với đặc thù là những ngư dân chuyên đánh bắt xa bờ, có khi tàu chỉ có 40CV nhưng chúng tôi cũng quyết bám biển. Nhưng đổi lại, chúng tôi phải gặp quá nhiều rủi ro, thường xuyên bị hư hỏng tàu thuyền, mất ngư cụ… Chính vì điều này, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ về kinh phí, đó là động lực để chúng tôi bám biển lâu dài, ổn định…

VĂN NGỌC (thực hiện)

 
 
 

Tin cùng chuyên mục