Giúp nông dân làm giàu - Bài 2: Khát vọng đổi đời

TPHCM có dân số đông nhất nước, trong đó 5 huyện ngoại thành và một số quận ven với dân số trên 1 triệu người, tương đương 1 tỉnh sống nhờ vào nông nghiệp, nhưng khoảng cách giữa người dân nông thôn và thành thị còn khá lớn. Vì vậy, TPHCM khuyến khích chuyển đổi đất nông nghiệp, chủ yếu từ lúa sang cây con có giá trị và phù hợp với nền nông nghiệp đô thị.
Giúp nông dân làm giàu - Bài 2: Khát vọng đổi đời

TPHCM có dân số đông nhất nước, trong đó 5 huyện ngoại thành và một số quận ven với dân số trên 1 triệu người, tương đương 1 tỉnh sống nhờ vào nông nghiệp, nhưng khoảng cách giữa người dân nông thôn và thành thị còn khá lớn. Vì vậy, TPHCM khuyến khích chuyển đổi đất nông nghiệp, chủ yếu từ lúa sang cây con có giá trị và phù hợp với nền nông nghiệp đô thị. 

Nuôi ốc hương ở thị trấn Cần Thạnh - Cần Giờ.

Nghề chơi… vô giá!

Kỳ lạ thật! Không hiểu tại sao những món phục vụ  ăn uống thiết thực nuôi sống con người hàng ngày như lúa gạo, rau củ… thì giá rẻ, còn những món chơi thật đắt đỏ. Câu chuyện nghề trồng cây kiểng ở Thủ Đức là một ví dụ.

Ông chủ vườn kiểng Năm Đông, phường Linh Đông, Thủ Đức, trầm giọng khi nhớ về cuộc sống trước đây. Nghèo xơ xác, che cái chòi nằm thoi loi giữa đồng, là nơi an cư của vợ chồng ông Nguyễn Văn Đông và hai đứa con. Người vợ qua đời vì bệnh, an táng vợ xong, ông đốt chòi lá, dắt con lang thang…

Gặp người vợ sau, loay hoay làm ăn cho đến những năm 80 của thế kỷ trước, lúc cây mai bắt đầu có giá. Năm đó, ông bán 5 chỉ vàng mua mai bán tết, có lời chút chút. Rồi suy nghĩ: “À, một nghề có thể kiếm sống được”. Ông Đông lại mua tiếp cây mai để dành bán tết, rồi tiếp tục trồng lúa, lấy ngắn nuôi dài. Dần dà, chẳng biết từ lúc nào ông trở thành một tên tuổi trong làng trồng mai của thành phố, rồi thành tỷ phú!

Ông Đào Văn Quý, Phó phòng Kinh tế quận Thủ Đức, xác nhận: “Ông Đông xuất phát từ hộ nghèo, vươn lên giàu có”. Nhưng cuộc đời không đơn giản chỉ có đi lên, liên tiếp từ năm 2010, kinh tế suy thoái, cây kiểng bon sai, mai ghép trở thành món hàng xa xỉ, khó bán. Làm ăn lèo phèo, ông Đông lỗ đứt 2 tỷ đồng. Năm 2013, ông vay 1 tỷ đồng, phần thanh toán nợ nần, phần mua 800 gốc mai ghép. Cũng năm ngoái, ông là người hiếm hoi bán được 1 tỷ đồng tiền mai, nhờ kinh nghiệm lâu năm đón biết thời tiết mà lảy lá mai để cho bông đúng tết.

Hiện nay cả vườn có 5.000 chậu mai, dự tính khoảng 2.000 chậu cung cấp cho đợt tết này. Vào thời điểm kinh tế thịnh vượng, ông Đông từng bán một chậu mai có giá hàng trăm triệu đồng, còn mấy năm nay giá bán cao nhất chỉ vài triệu đồng/chậu.

Thật tình cờ khi chúng tôi có mặt tại quận Thủ Đức đúng buổi sơ kết phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2011- 2014. Những người bước lên sân khấu nhận bằng khen dù quần áo lè phè, nhưng thật bất ngờ, trong danh sách thống kê họ là những người có thu nhập hàng năm vài trăm triệu đồng.

Chẳng hạn anh Mã Văn Phương, khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh, trên mảnh đất 5.000m2 chuyên trồng mai ghép, thu nhập bình quân 480 triệu đồng/năm! Hàng chục năm nay khi có chương trình chuyển đổi, hỗ trợ vay vốn, việc trồng mai ghép của anh Phương phát triển mạnh hơn. Trước đây, thành phố hỗ trợ lãi suất 60% theo Quyết định 36, anh vay 200 triệu đồng, sau này việc hỗ trợ nâng lên 80% anh mạnh dạn vay 1,5 tỷ đồng đầu tư cho mai ghép. Trung bình mỗi năm anh cung cấp cho thị trường khoảng 700 chậu mai, có năm doanh thu hơn 4 tỷ đồng.

Tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp quận Thủ Đức teo tóp dần, theo quy hoạch đến năm 2020 chỉ còn 200ha. Diện tích ít, với chủ trương của thành phố, quận vận động người dân mạnh dạn chuyển sang trồng hoa kiểng cho hiệu quả cao, hiện có đến 400 hộ chuyên tâm lĩnh vực này. Từ năm 2013 đến nay, từ vay vốn ưu đãi lãi suất của thành phố, đã có 81 hộ với tổng số tiền được vay là 55,3 tỷ đồng.

Vốn vay đang phát huy hiệu quả cho các gia đình trồng cây kiểng, như anh Nguyễn Văn Dân - chủ vựa mai Năm Nga - năm ngoái vay 2,5 tỷ đồng đầu tư cho mai, rồi mua thêm một mẫu đất ở Bình Dương để mở rộng quy mô. “Nghề mai ghép vẫn đem lại hiệu quả cao nhất, chưa xảy ra tình trạng nợ quá hạn hay mất vốn. Nghề này không sợ tồn kho, càng để lâu càng có giá, khi khách hàng đã thích thì giá nào cũng mua”, ông Đào Văn Quý nói.

“Đánh thức” vùng đất duyên hải

Qua khỏi phà Bình Khánh, trên đường độc đạo chạy xuống huyện Cần Giờ, ẩn sâu bên trong rừng đước xanh thẳm là những vuông tôm lớn nhỏ liên tiếp.

Dường như đi đâu, câu chuyện con tôm vẫn là chủ đề bàn luận sôi nổi. Bước vào nhà anh Huỳnh Văn Hoàng ở xã An Thới Đông, một cán bộ ngành nông nghiệp đi cùng nói: “Về nông thôn, nhất là vùng sâu mà thấy một hàng đôi bồn đựng nước mưa bằng xi măng, nhà lại xây kiên cố trên nền tam cấp cao, cho thấy đây là gia đình khá giả”.

Anh Hoàng cho biết, gần 10 năm trải nghiệm với con tôm, trước đây nuôi  thành công lớn, có vụ thu hoạch một lời một. Giờ đây nuôi tôm khó hơn vì tất cả đầu vào tăng cao, rồi dịch bệnh, mẹ già lại bị bệnh nên anh “co lại” chỉ nuôi 4.000m² đất sau nhà. Lúc đầu vay 50 triệu đồng, nay tăng lên 150 triệu đồng để nuôi tôm. Tuy nói may rủi nhưng so ra, thu nhập vẫn cao hơn nếu so với làm công ăn lương.

Ông Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã An Thới Đông cho biết, nhờ vốn vay nên  nông dân có điều kiện đầu tư cho việc nuôi tôm tốt hơn trước đây. Trên 80% diện tích nông nghiệp của xã đều nuôi tôm, và tôm là con chủ lực để chuyển đổi, dù có thăng trầm nhưng nếu tổng kết trong 5 - 10 năm qua, cuộc sống người dân đi lên thấy rõ so với thời còn độc canh cây lúa. Việc khuyến khích chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và chính sách hỗ trợ vốn vay của TPHCM đã “đánh thức” vùng đất Cần Giờ, địa bàn mà cho đến đầu những năm 1990, TP vẫn còn phải trợ cấp vào mùa giáp hạt hay tết đến.

Bà Võ Thị Hậu, ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn nói bộc trực: “Nhờ nhà nước hỗ trợ nếu không thì khó lắm” - khi nhận định về tác dụng của nguồn vốn hỗ trợ lãi vay của TP. Từ làm lúa, nuôi trồng đủ thứ, rồi đến khi vụ tôm đầu từ hàng chục năm trước thành công, bà quyết định chuyển hẳn 4,5ha đất lúa sang nuôi tôm. Có năm thất bại, năm thành công, chẳng hạn năm ngoái thu được 1,5 tỷ đồng tiền bán tôm. Nhằm tránh tiểu thương ép giá, khi thu hoạch tôm, bà thuê xe tải 1,5 tấn chở thẳng lên chợ đầu mối Bình Điền bán sỉ. Nhiều năm nay, cả gia đình con cái, cháu chắt, dâu rể đều sống bằng nghề nuôi tôm.

Không thịnh hành như con tôm, nhưng nuôi hàu cũng là một nghề hái ra tiền ở vùng đất duyên hải. Phía trước nhà anh Đặng Văn Toàn, thị trấn Cần Thạnh, vỏ hàu chất thành đống, cũng là nơi bán lẻ, sỉ cho khách mối hoặc khách qua đường. Tính đến nay anh đầu tư gần 3 tỷ đồng, trong đó tiền vay 1 tỷ đồng. Địa điểm nuôi hàu nằm trên sông Đồng Tranh 2, dòng nước ít ô nhiễm, chiều ngang bờ sông 100m,  dài 1.000m. Vị trí nuôi hàu phải chọn nguồn nước sạch để hàu mau lớn, mập trắng mới ăn ngọt, thơm.

Chi phí nuôi hàu chủ yếu là mua can nhựa, cột dây để hàu bám vào, có nhân công túc trực tại bãi, còn thức ăn là thiên nhiên. Rủi ro khi nuôi là tỷ lệ chết khoảng 10% do ô nhiễm nguồn nước, hoặc tháng lạnh. Mỗi ngày bán bình quân 500kg, giá bán ra từ 20.000 đồng/kg, mỗi năm anh Toàn và những người bạn nuôi hàu đem lại doanh thu hơn 3 tỷ đồng.

Con số thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở NN-PTNT TPHCM), từ năm 2011 đến đầu tháng 9 năm nay cho thấy, Cần Giờ là huyện dẫn đầu TP về việc triển khai vay vốn ưu đãi sản xuất theo chủ trương chuyển đổi sang nền nông nghiệp đô thị. Trên 5.500 lượt vay gần 1.500 tỷ đồng, trong tổng vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.

CÔNG PHIÊN - LƯƠNG THIỆN

- Không để “có lỗi” với kênh Đông…

Tin cùng chuyên mục