Tự làm khó…

Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, được thế giới ghi nhận cả về trồng trọt, thủy sản và chế biến đồ gỗ. Thế nhưng, chăn nuôi lại là “gót chân Achilles” của ngành nông nghiệp. Không ít ý kiến cho rằng, ngành chăn nuôi trở thành “vật tế thần” khi Việt Nam đàm phán các hiệp định thương mại để đổi lấy các ưu đãi cho lĩnh vực khác.

Tại buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi 2 miền với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cuối tuần qua lại hé lộ nhiều khía cạnh. Sự yếu kém của ngành chăn nuôi không phải chỉ do loay hoay với việc phòng chống dịch bệnh, nuôi nhỏ lẻ, chưa xây dựng được cơ sở hay vùng an toàn dịch bệnh… mà còn từ những quy định quá nghiêm ngặt trong bối cảnh nền tảng chăn nuôi vẫn lạc hậu.

Yêu cầu cơ sở chăn nuôi phải có hệ thống xử lý nước thải, đạt chuẩn A (uống được) như quy định của Bộ TN-MT là quá cao so với các nước khu vực (kể cả Thái Lan) và hầu như bất khả thi vì quy định nước thải chăn nuôi ngang với nước thải công nghiệp làm sao có thể cạnh tranh. Có cơ sở lách luật bằng cách khai giảm đàn để chuyển về huyện quản lý “dễ thở” hơn, trong khi nhà nước khuyến khích nuôi tập trung, đầu tư hiện đại. Tất nhiên cơ sở nào xả nước thải trực tiếp ra môi trường cần phải xử lý thích đáng, nhưng không vì thế mà bắt buộc cơ sở xử lý đạt chuẩn mới cho thải ra môi trường. Các nước như Australia vẫn cho phép nước thải chăn nuôi tưới trực tiếp cho cây trồng, nhất là các cây công nghiệp như cao su… hay đồng cỏ.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, rất ủng hộ và tạo điều kiện DN xuất khẩu thịt, trứng ra nước ngoài. Thế nhưng, khi Công ty cổ phần Chăn nuôi Duy Cường (Đồng  Nai) hợp tác nuôi gà theo các tiêu chuẩn và quy định của Nhật Bản để xuất vào nước này, vậy mà khi làm thủ tục để xuất, Bộ Công thương lại từ chối với lý do chưa có mã số xuất khẩu ngành nghề và yêu cầu liên hệ với Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) nhưng rồi… bị tắc. Một công ty chăn nuôi ở Bình Định đã sưu tập và tạo ra được đàn giống gà bản địa (ông bà và bố mẹ) lên đến hàng chục ngàn con, được công ty nước ngoài chọn mua giống gà này nhờ sự chống chịu dịch bệnh tốt, nhưng phải có sự chứng nhận giống gốc của cơ quan thú y và cũng bị tắc do hướng dẫn chưa rõ ràng. DNTN Vĩnh Nghiệp ở Vĩnh Long cũng gặp khó khi xuất khẩu trứng vịt sang Singapore, dù đã được kiểm nghiệm mẫu từ phòng thí nghiệm trong nước nhưng vẫn bị nước nhập phát hiện còn có chất sudan (làm lòng đỏ đậm thêm) nên hàng bị trả về. Chưa hết, thủ tục để nhập sản phẩm trở về cũng lắm nhiêu khê vì sự đùn đẩy.

Ông Chung Kim, Công ty TNHH Kim Long, Bình Dương cho rằng, thực lực ở ngưỡng nào cần có quy chuẩn đó. Việc đi trước vô tình làm khó cho DN vừa và nhỏ. Xu thế hội nhập quá cận kề, cần tháo gỡ bớt để giúp DN có thể “nhảy”, thay vì làm “nặng thêm” đôi chân. Nếu cái gì cũng ràng buộc, DN nhỏ và vừa sẽ chết, chỉ DN lớn mới “nhảy được”. Phải chăng vì điều này DN FDI (100% vốn nước ngoài) ngày càng phình ra, còn DN trong nước teo tóp lại?!

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục