Chính phủ Mỹ có thể tiếp tục phải đối mặt với làn sóng phản đối mới của cộng động quốc tế liên quan đến chương trình do thám của nước này sau khi tạp chí Der Spiegel của Đức ngày 25-8 cho hay Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã gài thiết bị theo dõi trụ sở LHQ ở New York.
“Dịch vụ thu thập đặc biệt”
Theo Der Spiegel, sau khi phân tích các tài liệu do cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden cung cấp, họ đã phát hiện việc NSA xâm nhập hệ thống truyền hình hội nghị nội bộ của LHQ và bẻ khóa mật mã của hệ thống này vào mùa hè năm ngoái. Trong 3 tuần, số lượng các cuộc trao đổi của LHQ bị NSA giải mã đã tăng từ con số 12 lên 458. Không chỉ có vậy, ngay sau khi phái bộ Liên minh châu Âu (EU) chuyển đến địa chỉ mới ở New York trong tháng 9 năm ngoái, NSA đã lập tức do thám cơ quan này.
Các kế hoạch của NSA, cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và máy chủ, đều nằm trong số các bản sao tài liệu mà Snowden có được. Điều này đã giúp Der Spiegel phát hiện ra NSA cũng điều hành một chương trình theo dõi hơn 80 đại sứ quán và lãnh sự quán trên thế giới, mang tên Dịch vụ thu thập đặc biệt, mà các nước sở tại không hề hay biết. Tài liệu của NSA chú thích rõ: phải giữ bí mật về sự tồn tại của chương trình này bằng mọi giá vì nếu bị rò rỉ, “quan hệ với các nước sở tại sẽ bị phương hại nghiêm trọng”.
Chương trình do thám này của Mỹ cũng đã phủ bóng đen lên quan hệ của Mỹ và nhiều nước đồng minh phương Tây thời gian qua. Nhiều nước trên thế giới đã chỉ trích và lên án mạnh mẽ việc NSA núp dưới danh nghĩa lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ đã tiến hành chương trình nghe trộm điện thoại và đọc lén điện tử để thu thập thông tin thông qua máy chủ của các hãng Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, AOL, Skype, YouTube, Apple và PalTalk.
Sóng gió quan hệ Mỹ - Đức
Hiện các quan chức hàng đầu của Đức đang ở Washington để thảo luận vấn đề hết sức đặc biệt: thỏa thuận chính thức giữa 2 nước về việc không do thám lẫn nhau. Thông tin này đã được Chánh văn phòng Phủ Thủ tướng Đức, ông Ronald Pofalla, xác nhận trước một ủy ban của Quốc hội Đức khi cho biết 2 bên đang cố gắng hết sức để đạt thỏa thuận trên. Một số chuyên gia nhận định tiết lộ mới của Der Spiegel về NSA có thể làm ảnh hưởng đến thỏa thuận.
Tờ New York Times ngày 26-8 nhận định tiết lộ mới nhất của Der Spiegel không phải là bài viết đầu tiên của tạp chí này về vấn đề do thám nhạy cảm của Mỹ và điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ Mỹ - Đức. Đức đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội ngày 22-9 sắp tới. Ngoại giao cũng là một trong những quân bài giúp liên minh đảng Liên minh dân chủ Cơ đốc (CDU) và Liên minh xã hội Cơ đốc (CSU) của Thủ tướng Angela Merkel giành lá phiếu cử tri. Bà Merkel thường được biết đến là người giữ gìn các mối quan hệ bang giao rất tốt và không để những tranh cãi ngoại giao ảnh hưởng đến chính trị trong nước. Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Berlin ngày 19-6 hết sức có ý nghĩa trong dịp bầu cử lần này bởi đó như một lời khẳng định về khả năng giữ gìn, thúc đẩy hợp tác với các đồng minh của bà Merkel. Nhưng đến đầu tháng 7, quan hệ Mỹ - Đức trở nên căng thẳng sau khi Der Spiegl cho đăng tải những thông tin mà Snowden có được. Hàng ngàn người dân Đức đã đổ xuống đường phản đối NSA nghe lén hàng triệu cuộc điện thoại, đọc e-mail và tin nhắn người Đức hàng tháng. Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ, đầu tháng 8, Đức đã phải tuyên bố hủy bỏ hiệp ước giám sát đã kéo dài 50 năm, kể từ thời Chiến tranh Lạnh với Mỹ. Không ít nhà quan sát nhận định vụ Snowden sẽ là vũ khí để đảng Dân chủ xã hội đối lập tấn công chính phủ liên minh.
Đỗ Cao (tổng hợp)