NSND Đặng Thái Sơn: Âm nhạc Việt Nam đang tụt xa khu vực

NSND Đặng Thái Sơn: Âm nhạc Việt Nam đang tụt xa khu vực

Trở về với vai trò là giám khảo, chủ tịch danh dự của cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội lần thứ III, NSND Đặng Thái Sơn đã không giấu nổi vui mừng khi mỗi lần trở về anh lại được thấy nhiều gương mặt mới sáng sủa, nhiệt huyết. Song theo anh, một trong những nguyên tắc bất biến đối với người theo đuổi con đường âm nhạc là phải luôn có sự cọ xát. Biết người, biết ta chứ không thể như “ếch ngồi đáy giếng” được...

* Phóng viên: Là một cuộc thi quốc tế nhưng thực tế việc tham dự của các thí sinh nước ngoài không nhiều. Liệu đó có phải một phần do yếu tố truyền thông?

* NSND ĐẶNG THÁI SƠN: Theo thống kê cách đây vài năm thì có tới hơn 600 cuộc thi âm nhạc trên thế giới mỗi năm. Con số này đang dần tăng lên và có thể nay đã lên tới hơn 1.000 cuộc. Sức cạnh tranh ngày một lớn hơn. Vì thế, để thu hút được các giám khảo uy tín, thí sinh có chất lượng thì ngoài việc đưa những cam kết hỗ trợ thí sinh đoạt giải có điều kiện phát triển tài năng trong tương lai thì giá trị của giải thưởng cũng góp một vai trò cực kỳ quan trọng. Cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội của chúng ta giá trị giải thưởng được xếp loại trung bình yếu vì thế để quảng bá, thu hút thí sinh là một việc không đơn giản. Tuy nhiên, hiện số thí sinh nước ngoài chiếm 20% như hiện nay cũng ghi nhận nỗ lực lớn của ban tổ chức.

NSND Đặng Thái Sơn

* Trong cuộc thi này ông đã nhìn ra được hạt giống nào chưa?

Quan niệm về âm nhạc có hơi khác với thể thao. Nếu thi đấu thể thao, khi tôi đoạt HCV, đoạt giải nhất thì tôi là người đứng đầu, nhưng trong âm nhạc thì giải nhất của một cuộc thi chỉ là cái ban đầu. Giải thưởng chỉ là một mảnh bằng cao cấp để bước vào cuộc đời nghệ thuật, giúp mình làm sự nghiệp ban đầu, chứ chưa phải là nhất thế giới. Con đường nghệ thuật rất dài. Mấy chục năm sau mới chứng minh được mình là ai, vị trí trong và ngoài nước như thế nào. Phải có thời gian mới có thể trả lời câu hỏi này.

* Khi ở lứa tuổi nhỏ, trình độ âm nhạc của các thí sinh Việt Nam thể hiện sự vượt trội nhưng ở những bảng lớn hơn, đòi hỏi kỹ thuật âm nhạc phức tạp hơn thì các em lại có dấu hiệu chững lại. Là một người giảng dạy ở nhiều trường âm nhạc lớn, theo ông, hiện giáo trình giảng dạy âm nhạc trong nước có khác biệt nhiều so với trên thế giới?

Việc đào tạo âm nhạc của chúng ta chịu ảnh hưởng nhiều của trường phái Nga. Trường phái này phù hợp khi dựng chương trình theo dòng lãng mạn nhưng cổ điển, hiện đại thì cần có những tham khảo bổ sung thêm. Để các em có được kết quả tốt hơn, bên cạnh việc phải có chương trình giảng dạy cũng cần thay đổi một số nếp suy nghĩ.

Cái phông của âm nhạc là im lặng. Cũng như hội họa vậy, cái phông trắng tinh thì vẽ gì cũng rõ ràng chứ phông nhờ nhờ màu cháo lòng thì rất khó đẹp. Mà ở Việt Nam thì lại thừa dư tạp âm. Tìm kiếm sự im lặng thật khó. Ngay cả ở trong lớp học cũng vậy. Giữ im lặng trong giờ học là việc làm tối thiểu nhưng chúng ta lại có thói quen nói chuyện trong giờ. Ở nước ngoài, trong giờ giảng của những người thầy giỏi, học sinh muốn được tham dự đều phải đóng rất nhiều tiền và họ rất trân trọng những giờ giảng đó. Nhưng chúng ta, khi có các thầy có tâm tới dạy miễn phí thì nhiều người lại tỏ ra thờ ơ. Tiếc thay, lộc ngay trước mắt mà không biết hưởng!

* Có xu hướng phổ biến hiện nay là sau khi đoạt giải, tài năng được phát hiện thì phần lớn các em đều ra nước ngoài để học tập, rèn giũa tài năng. Phải chăng là điều kiện giảng dạy của chúng ta có vấn đề?

Các cá nhân tài năng ở Việt Nam đi học tập ở nước ngoài không phải là hiện tượng cá biệt mà là trào lưu chung của các nước Á Đông. Không phải chỉ thời nay mà từ thế kỷ 19, Chopin và nhiều nhà soạn nhạc khác, tại sao cũng “chạy” sang Paris, London, những đấu trường lớn khẳng định vị trí của mình. Sự có mặt ở những trung tâm quốc tế quan trọng là rất cần thiết. Tài năng phải nằm trong tổng thể. Tại những nơi này, sự cọ xát sẽ rất nhiều và điều này góp phần khẳng định khả năng đích thực của mỗi người. Thêm nữa theo tôi, việc tranh đấu, khẳng định vị trí quốc tế khó hơn rất nhiều. Trong âm nhạc có những khoảng cách rõ ràng giữa các cuộc thi bậc quốc gia, quốc tế. Cho nên, nếu mình làm được cái khó trước sẽ vẻ vang hơn.

* Theo ông, trình độ âm nhạc của chúng ta hiện đang đứng ở vị trí nào trên thế giới?

Có cái vui, có cái buồn. Mình có nhiều tài năng, có những người biểu diễn rất hay. Nhưng buồn là nếu 30 năm trước trình độ âm nhạc của chúng ta hơn hẳn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... thì nay, mọi thứ đã thay đổi nhanh khủng khiếp. Trong khi chúng ta vẫn đang tự hào với thành tích này, thành tích kia, với lịch sử âm nhạc thính phòng hơn 100 năm thì nay họ đã vượt mình. Theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp là thường xuyên phải cọ xát, biết người, biết ta chứ không thể như “ếch ngồi đáy giếng”!

* Trong khi trào lưu xây dựng trại hè âm nhạc đang rất phổ biến trên thế giới thì ở Việt Nam hiện vẫn đang là con số 0. Vậy ông có ý định sẽ xây dựng mô hình này ở trong nước thời gian tới?

Xưa tôi có mơ về một trường âm nhạc, nhưng điều này khó quá. Vì thế, tôi cũng nghĩ rằng có lẽ mô hình trại hè về âm nhạc có thể là thích hợp hơn. Ở đó các em được giao lưu với bạn bè, được biểu diễn, được gặp gỡ, thậm chí được chính các nghệ sĩ tài năng giảng dạy... đôi lúc loại hình này đem lại hiệu quả tốt với các em hơn cả các cuộc thi. Nhưng quả thực, để xây dựng mô hình trại hè âm nhạc ở Việt Nam là điều không đơn giản. Bởi lẽ, thường trại hè các em sẽ không thích ở thành phố mà chọn những nơi có phong cảnh đẹp. Việt Nam thì có thừa những điểm đẹp, nhưng cái chúng ta thiếu là các phòng biểu diễn. Để chuyển được nhạc cụ tới các điểm để tổ chức trại hè cũng đòi hỏi nhiều công sức, tiền của... Thú thực, kỹ năng tổ chức của tôi thì nay vẫn là con số 0. Vì thế, ý tưởng về trại hè âm nhạc vẫn chưa thực hiện được.

* Xin cảm ơn ông!

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục