NSƯT Nguyễn Ngọc Bình: Hình tượng Bác Hồ cho tôi nhiều cảm xúc

NSƯT Nguyễn Ngọc Bình: Hình tượng Bác Hồ cho tôi nhiều cảm xúc

Kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2011), trong tháng 6 này, Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế sẽ vào TPHCM biểu diễn vở kịch “Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ”. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng NSƯT Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế, đồng thời cũng là đạo diễn và diễn viên đóng vai Bác Hồ trong vở kịch này.

NSƯT Nguyễn Ngọc Bình vai Bác Hồ (phải) trong vở “Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ”.

NSƯT Nguyễn Ngọc Bình vai Bác Hồ (phải) trong vở “Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ”.

- PV: Anh có thể chia sẻ thông tin về nội dung vở diễn “Hồ Chí Minh – Hồi ức màu đỏ”?

>> NSƯT Nguyễn Ngọc Bình: Trước đây, nhiều đơn vị nghệ thuật trong cả nước đã dàn dựng thành công những tác phẩm sân khấu về hình tượng Bác Hồ, như vở: “Đêm trắng”, “Người công dân số 1”, “Những vần thơ thép”, “Lời Người, lời của nước non”... Những tác phẩm đó đã khắc họa sự vĩ đại của một vị lãnh tụ, vị chỉ huy tối cao và tài hoa của dân tộc, cùng với những đức tính cao đẹp về “Cần, kiệm, liêm, chính – Chí công vô tư” của Người thông qua các sự kiện lịch sử qua các giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Song với vở diễn “Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ” có sự bắt gặp và thống nhất giữa tác giả và đạo diễn là chỉ thể hiện một số giai đoạn trong cuộc đời của Bác - những tâm tư đời thường trong con người của một vĩ nhân, cũng có những vui buồn, cũng có lúc thăng trầm, cũng gặp những hoàn cảnh éo le và đầy khắc nghiệt. Nhưng con người vĩ đại và bình dị đó, đã vượt qua được những trắc ẩn của nhân - tình - thế - thái để dành tất cả tâm hồn, nhiệt huyết và trí tuệ cho sự nghiệp: Vì dân, vì nước và cho độc lập, tự do của dân tộc. Với việc khai thác theo hướng này, vở diễn đã không lặp lại cách khai thác của một số vở trước đây. Đồng thời vẫn tạo nên những cảm xúc chân thật, sự thiêng liêng, kính trọng trong tâm hồn con người của một vĩ nhân: Hình tượng Bác Hồ đã cho tôi nhiều cảm xúc…

- Lần đầu tiên đóng vai Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, anh có bị áp lực?

Đối với bản thân tôi, có một khó khăn lớn khi thể hiện nhân vật “Hồ Chí Minh” là tôi hoàn toàn không có một phần trăm nào giống Bác Hồ. Song, với sự tìm hiểu về Bác Hồ qua tài liệu, qua băng đĩa tư liệu và sự miệt mài, nghiêm túc trong luyện tập, từ giọng nói, đến phong cách và thần thái của Bác Hồ, đặc biệt là thông qua bàn tay khéo léo và con mắt tinh tế của họa sĩ Nguyễn Quang Huy, đã hóa trang, “cải tạo” gương mặt của tôi, đưa khuôn mặt và hình thể tôi đến gần với hình tượng của Bác Hồ. Cùng với sự hỗ trợ, phối hợp của tác giả nhà văn Nguyễn Quang Vinh, hoạ sĩ NSND Lê Huy Quang, nhạc sĩ Minh Tiến, sự cộng tác đắc lực và đầy hiệu quả của các đồng nghiệp như: NSƯT Đình Dũng, NSƯT Kiều Oanh, NSƯT Thu Hằng, NSƯT Tiểu Hoa cùng toàn thể các bạn nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công… đã mang lại sự thành công của vở diễn.

- Ngoài việc đảm nhận vai chính – Bác Hồ, anh còn là người dàn dựng vở diễn, vậy anh nhận thấy mình đã hoàn thành công việc như mong đợi?

Ngoài đảm nhận vai chính Bác Hồ, tôi còn đảm nhận công tác đạo diễn dàn dựng nên đương nhiên gặp rất nhiều khó khăn như sự chi phối của 2 trong 1 và 1 + 2 trong tổng thể vở diễn đã đòi hỏi bản thân phải luôn tập trung, tổng hợp cao độ với toàn bộ vở diễn; phải phân thân về con người nghệ sĩ giữa yếu tố diễn viên và yếu tố đạo diễn… Nói chung, tôi nhận thấy mình đã hoàn thành công việc. Song ngoài sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, còn nhờ sự cộng tác, giúp đỡ của êkíp dàn dựng, tập thể các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công...

- Trong “Hồ Chí Minh – Hồi ức màu đỏ”, anh gởi đến người xem thông điệp gì?

Tôi muốn gởi đến người xem một thông điệp: Trên đời này, không có một ai khi mới sinh ra đã trở thành một vĩ nhân, mà trước tiên cũng là một con người bình thường như bao người khác, cũng vui, buồn, thăng trầm... nhưng lại đầy đủ bản lĩnh và khí tiết để vượt qua mọi sự bình thường, hướng đến những điều vĩ đại, để từ đó trở thành vĩ nhân.

- Trong tháng 6 này, nhà hát đưa vở “Hồ Chí Minh – Hồi ức màu đỏ” vào TPHCM biểu diễn đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, vậy cảm xúc của anh thế nào?

Nếu tổ chức kịp vào dịp này tại TPHCM sẽ mang đầy ý nghĩa và chúng tôi rất xúc động. Kế hoạch này được thực hiện là một may mắn và vinh hạnh cho các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế.

- Xin cảm ơn nghệ sĩ.

Đỗ Hạnh (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục