Đây là một vai diễn đặc biệt, ghi dấu ấn quãng đường 55 năm hoạt động nghệ thuật, gắn bó với sân khấu của NSƯT Thanh Điền.
Anh chia sẻ: “Nghệ sĩ thường gặp khó khi đảm nhiệm nhân vật lịch sử. Khi được chọn đóng vai Bác Hồ, tôi thấy đó chính là niềm vinh dự của người nghệ sĩ. Tôi vui, hạnh phúc, song cũng cảm thấy áp lực rất lớn”.
Với vai Bác Hồ trong vở diễn Đêm trắng, NSƯT Thanh Điền đã bỏ nhiều công sức để xây dựng hình tượng Bác. Anh đã nghiên cứu, học tập, xem đi xem lại nhiều phim tư liệu, rồi học động tác, phong thái, dáng đi của Bác. Anh còn chịu khó học hỏi, chắt lọc những tinh hoa về diễn xuất của những nghệ sĩ từng diễn vai Bác Hồ, trước đó để thể hiện tốt nhất cốt cách, tinh thần của Bác, cách thoại, giọng nói trầm ấm, thân tình của Bác trong câu chuyện kể.
Sau một thời gian tập luyện, khi động tác đã nhuần nhuyễn, đến lúc ra diễn, anh đã diễn rất tự nhiên: “Tôi gần như quên mất mình và thể hiện đúng như tác phong, tinh thần của Bác. Có thể nói rằng, đây chính là vai diễn để đời trong sự nghiệp diễn xuất của tôi”.
Trong Đêm trắng, lớp diễn giữa NSƯT Thanh Điền và NSƯT Thanh Tuấn đã khiến người xem vô cùng xúc động, đó là tình huống Bác Hồ quyết định xử án tử người cán bộ thân cận với mình - một cán bộ quân nhu được Bác yêu quý nhưng lạc đường, sai lối, thủ đoạn, ích kỷ và tham nhũng, quyết định khó khăn ấy có được sau một đêm Bác thức trắng suy nghĩ.
Năm nay, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B bắt tay dàn dựng vở kịch Dấu xưa (tác giả Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc). Đây là một câu chuyện về Bác Hồ, được thực hiện nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Vở diễn có sự tham gia diễn xuất của NSƯT Thanh Điền, NSƯT Mỹ Uyên, NS - đạo diễn Chánh Trực, NS Thái Kim Tùng, Lê Vinh, Cao Việt Hưng, Quốc Trung... và NSƯT Thanh Điền tiếp tục được giao vai diễn quan trọng - hình tượng Bác Hồ.
Anh cho biết: “Sau rất nhiều năm, tôi lại được diễn hình tượng Bác, trong một không gian khác, thời gian khác. Bác Hồ trong Dấu xưa bình dị, gần gũi với nhân dân hơn, nhưng cũng chính điều này khiến tôi lo lắng, tôi phải bỏ tất cả gì đã tập luyện, phong cách diễn vai Bác Hồ trong Đêm trắng. Tôi tiếp tục nghiên cứu và tư duy về một vai diễn Bác Hồ rất đỗi bình thường, bình dị, gần gũi… Điều này tưởng chừng thật dễ nhưng lại thật khó”.
Để vai diễn được chăm chút hoàn hảo nhất, khi lên sàn diễn đạt được hiệu quả tốt nhất, NSƯT Thanh Điền lại nghiên cứu tâm lý nhân vật vào thời điểm câu chuyện diễn ra, tác phong, cách nói chuyện, tâm tư của Người đối với đời sống nhân dân, với giai đoạn xã hội có nhiều thay đổi.
Nhận vai diễn, dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng khi bước ra sân khấu tôi vẫn rất lo, tôi sợ mình diễn không đạt yêu cầu. Với những đoạn cao trào của vở kịch, tôi rất xúc động, nhưng buộc phải kiềm nén vào lòng những cảm xúc đang dâng trào ấy để có thể thể hiện tốt nhất cảm xúc sâu lắng của một người lãnh tụ dành cho người dân lao động”, NSƯT Thanh Điền bộc bạch.
Với tài năng diễn xuất, tinh thần làm nghề nghiêm túc, luôn cố gắng học hỏi trau dồi chuyên môn, chịu khó tìm hiểu kỹ lưỡng, đào sâu tính cách, thần thái, tác phong của các nhân vật thủ diễn, từ lâu, NSƯT Thanh Điền đã xây dựng cho mình một tác phong làm việc đúng chuẩn, chuyên nghiệp, đầy tinh thần trách nhiệm, góp phần làm nên thành công cho nhiều tác phẩm sân khấu cải lương, kịch nói và cả điện ảnh.
Qua 4 suất diễn vở Dấu xưa, hình tượng Bác Hồ bình dị, thân thương, tình cảm, đã để lại rất nhiều cảm xúc trong lòng người xem. Không ít khán giả đã rơi nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh Bác Hồ thật đẹp trên sân khấu. Mọi người đã cùng dõi theo câu chuyện cảm động về Bác. Thành công ấy là của tập thể tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên… Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, trong đó có sự góp sức rất lớn của NSƯT Thanh Điền khi hóa thân thật hoàn hảo, tuyệt vời - vai diễn hình tượng Bác Hồ.
Hiện nay, tuy đã có tuổi nhưng NSƯT Thanh Điền vẫn rất bận rộn. Ngoài việc tham gia diễn xuất trong vở Dấu xưa, anh còn có mặt trong bộ phim truyền hình 50 tập mới nhất Yêu phải liều, đang chiếu trên kênh HTV7, thường xuyên tham gia biểu diễn ca cổ, cải lương với bà xã là NSƯT Thanh Kim Huệ. Anh vẫn luôn đau đáu, trăn trở bao nỗi niềm với sân khấu cải lương.
NSƯT Thanh Điền tâm tư: “Tôi vẫn luôn thấy mình nặng nợ với sân khấu. Tôi rất muốn tổ chức một chương trình nghệ thuật hay thực hiện một dự án sân khấu dài lâu, nhưng với tình hình, thực trạng sân khấu hiện nay tôi buộc phải đo lường, nghiên cứu thật kỹ mọi khía cạnh, tìm tòi và chờ đợi một thời điểm chín muồi mới có thể quyết định bắt tay với anh em cùng làm sân khấu. Với tôi, cải lương muôn đời không bao giờ chết, vì đã đi vào lòng bao lớp khán giả. Nhưng, thời gian qua cải lương đứng chựng lại, đi thụt lùi vì thiếu nhiều điều kiện hoạt động, phát triển. Điều này thật buồn!”.