Nụ cười bị đánh mất

Đại dịch Covid-19 đã cướp đi hàng triệu việc làm ở Thái Lan vào năm ngoái, đồng thời đẩy cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở “đất nước những nụ cười” ngày càng trầm trọng.
Du khách tham quan Hoàng cung ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Du khách tham quan Hoàng cung ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo điều tra của chương trình Undercover Asia, Thái Lan đã trở thành nước có tỷ lệ tự tử cao nhất khu vực Đông Nam Á khi cứ 10 phút lại xảy ra 1 vụ tự tử. Đã có tổng cộng 2.551 người tự tử trong nửa đầu năm 2020, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019, mà nguyên nhân được giới chức y tế khẳng định là từ những căng thẳng do đại dịch Covid-19 mang lại. Mặc dù Chính phủ Thái Lan đã nhanh chóng triển khai chương trình “Không ai bị bỏ lại phía sau” nhưng rất nhiều người đã bị loại khỏi chương trình vì sự phân loại hồ sơ trong hệ thống an sinh xã hội quá nhiều khúc mắc. 

Phải mất đến 1 năm để một người - có các triệu chứng trầm cảm và tâm thần phân liệt - được xác định bệnh tình có thể gặp bác sĩ tâm lý. Đã vậy, các đường dây nóng trợ giúp người có ý định tự tử luôn bị quá tải trong đại dịch. Ngay cả khi số đường dây nóng được tăng gấp đôi, lên 20 đường dây, thì phải mất 10-12 phút cuộc gọi cầu cứu mới được nhấc máy. Đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ “rớt” đường dây nóng vẫn vào khoảng 40%-45%. Nhiều người đã ra đi vì không thể chờ đến thời điểm được lắng nghe!

Trong nỗ lực tăng cường nhận thức này, Chính phủ Thái Lan đang hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận, các công ty công nghệ và thậm chí cả ngành công nghiệp giải trí để nhân rộng nguồn lực. Theo đó, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, ứng dụng Line… đã cung cấp nhiều kênh trợ giúp, cho phép các chuyên gia sức khỏe tâm thần và tình nguyện viên phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, chẳng hạn họ có thể trò chuyện trực tuyến với nhiều người cùng một lúc. Giới chức Thái Lan cũng đã hợp tác với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc và nền tảng âm nhạc Joox lan tỏa chiến dịch mang tên The Sound of Happiness với những bài hát mang hiệu ứng tích cực và những người nổi tiếng nói về sức khỏe tâm thần.

Chỉ có thể giải quyết cuộc khủng hoảng này bằng cách mời nhiều bên, nói chuyện với nhiều người, hợp tác giữa các tổ chức quan tâm đến sức khỏe tâm thần. Sau nhiều thập niên các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần bị lãng quên và thiếu đầu tư như cảnh báo của Liên hiệp quốc, câu chuyện thiếu nguồn lực để giúp giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần không còn là cuộc khủng hoảng của riêng Thái Lan.

Tin cùng chuyên mục