Trong cuốn tự truyện mang tên “My Turn” của mình, Johan Cruyff có mở đầu bằng chi tiết ông đã đến với bóng đá như thế nào. Đó là những con đường bê tông, nhấp nhô, lồi lõm. Nếu vấp ngã trên mặt sân ấy, chắc chắn “đứa trẻ Cruyff” sẽ rất đau. Bởi vậy, “đứa trẻ” ấy phải tập quen với việc giữ thăng bằng một cách tốt nhất. Điều đó đã tạo ra một Cruyff ảo thuật trên sân bóng, với những động tác uyển chuyển khó lường. Và nó cũng tạo ra một triết lý cho riêng ông, giản đơn nhưng ẩn chứa chính khát vọng của ông ngày thơ bé.
“Triết lý của tôi rất đơn giản. Bóng đá phải bắt đầu bằng mặt cỏ đẹp, bằng phòng thay đồ sạch sẽ, cầu thủ tự lau giầy cho mình và tự mắc lưới trên sân tập. Sau đó, kỹ chiến thuật mới đến với họ”, Cruyff chia sẻ như thế. Đúng là chỉ có người đã từng trải qua những mặt sân bê tông gồ ghề mới nuôi dưỡng một ước mơ cháy bỏng về một mặt sân phẳng, mịn để được tung hoành. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng được chơi trên một mặt sân phẳng và mịn như thế, hay nói khác hơn, không phải lúc nào chúng ta cũng có được điều kiện tốt nhất để ra sân.
Oezil chia sẻ rằng mẹ anh là một người lao công và cha anh là thợ mỏ, di cư đến Đức từ Thổ Nhĩ Kỳ. Họ sống trong căn hộ nhỏ, với 2 phòng ngủ. Hai cô em gái thì ở chung phòng với cha mẹ còn Oezil và anh trai thì ở một phòng. Oezil có một đôi giày bóng đá, và anh phải gìn giữ nó làm sao để có thể chơi được 2 đến 3 năm. Nhưng mặt sân mà anh tập ngày đó lại có nhiều đá dăm. Và đôi giày sớm bị rách. Anh dùng băng keo để băng bó cho đôi giày bị trọng thương đó và ra sân. Mùa đông, đôi chân anh tê cóng trong đôi giày trọng thương kia nhưng điều đó không ngăn cản được anh là người chơi hay nhất trên sân. Song, dù có chơi hay nhất trên sân đi nữa, anh vẫn biết mỗi khi anh quay lưng đi, đằng sau anh, các cầu thủ đối phương và cha mẹ của chúng đã cười nhạo đôi giày quấn băng keo của anh như thế nào. Anh không thể có được những đôi giày hàng hiệu như chúng bạn, song điều đó lại cho anh cơ hội để có được thứ sau này chúng bạn không thể có: Mức lương siêu sao đủ để lo lắng cho cả gia đình một đời sống sung túc nhất.
Từ những mặt sân gồ ghề của Cruyff cho tới đôi giày băng keo của Oezil, một câu chuyện đã được mở ra cho chúng ta. Đó là phía sau lưng ta luôn có những nụ cười giễu cợt. Và cái cách chúng ta đối phó với những nụ cười giễu cợt ấy thế nào sẽ định nghĩa ta là ai, hiệu quả cuối cùng của việc ta làm ra sao?
Nếu Oezil chỉ chú tâm đến mặc cảm về cái nghèo, có thể không thể nào anh trở thành một ngôi sao lớn, với lối chơi bóng hào hoa như ngày nay. Lúc ấy, những nụ cười giễu cợt đã thành công và biến Oezil thành kẻ thất bại trên sân bóng, đưa anh trở lại với hầm mỏ, như cha của mình, với một ước mơ dở dang. Nhưng anh đã chọn cách hành xử khác, đó là nghĩ đến việc “quan trọng là bạn chơi bóng như thế nào, việc đó sẽ định nghĩa về bạn, chứ không phải bạn đi đôi giày nhãn hiệu nào”. Đó là một phương pháp nói ra thì dễ, nhưng để làm được rất khó, vì nó đòi hỏi một bản lĩnh lớn đủ dung dưỡng cho sự tự tin trong mình.
Trên sân khấu cuộc đời cũng vậy thôi, mỗi chúng ta đều biết, khi ta bước đi, luôn vẫn có những nụ cười sau lưng, giễu cợt…
Hà Quang Minh