Nụ cười Tân Mỹ

Nụ cười Tân Mỹ

Chiều muộn. Trên tầng 8 chung cư 12 tầng Tân Mỹ (phường Tân Phú, quận 7, TPHCM), ông Trần Văn Mười ra đứng ngoài ban công hóng gió. Phóng tầm mắt ra xa, ông thấy Khu đô thị Tân Mỹ nhà cửa san sát, cao ốc chọc trời. Dọn về nhà mới non nửa năm rồi mà thiệt tình nhiều lúc ông Mười vẫn còn tưởng mình nằm chiêm bao…

Giấc mơ nửa thế kỷ

Hôm rồi, ông Mười mời hết chiến hữu là tài xế lái xe đường dài Bắc - Nam của mình về nhậu một trận đã đời mừng nhà mới. Ông cười hề hề: “Tui khoe nhà tui giờ ở quận 7. Vậy là đứa nào cũng chúc mừng tui được về ở trong khu “đại gia”. Đại gia thì mình không dám nhận nhưng giờ nhà cửa đàng hoàng, mời bạn bè anh em về chơi cũng thấy nở mày nở mặt”.

Ông Trần Văn Mười (trái) trong căn nhà đầy đủ tiện nghi. Ảnh: Ái Chân

Ông Trần Văn Mười (trái) trong căn nhà đầy đủ tiện nghi. Ảnh: Ái Chân

Cái ngày được “nở mày nở mặt” này, ông Mười mơ ước lâu rồi. Năm nay 56 tuổi, đồng nghĩa với 56 năm ông sống ở rạch Ụ Cây (quận 8, TPHCM), đồng nghĩa với gần 50 năm ông biết nghĩ và biết mơ về một mái nhà sạch sẽ, một giấc ngủ ngon không bị đánh thức bởi những tiếng ồn và hỗn hợp tanh nồng của kênh nước đen. Nhà cũ của ông Mười rộng hơn nhà mới nhưng các món “đặc sản” ruồi, muỗi, rác rến, mùi hôi, tiếng ồn… cái nào cũng nhiều.

Căn nhà là của để dành được truyền từ đời ông, đời cha cho tới đời của ông bây giờ. Nhà cũ lâu lâu lại sụt chỗ này, mục chỗ kia. Lương tài xế cộng với thu nhập thợ may của vợ không đủ để ông nghĩ tới chuyện mua một miếng đất, cất một cái nhà ở chỗ khác. “Nói thiệt, hổng nhờ nhà nước giải phóng mặt bằng, di dời thì tới đời cháu tui cũng còn ở chỗ cũ” - ông Mười nói. Hai đứa cháu của ông Mười mới chuyển về đây đã được nhận vào học ở Trường Tiểu học Lê Văn Tám và Trường THCS Nguyễn Hiền. Nhà mới của ông bây giờ có ti vi màn hình phẳng, đầu máy, dàn loa máy vi tính, quạt điện, máy giặt, bếp gas, nồi cơm điện.

Vừa ngồi nhìn trời chuyển mưa, vợ chồng anh Danh Văn Bình và chị Tăng Ngọc Anh (nhà số A11-18 chung cư Tân Mỹ) vừa kể chuyện đã qua. “Ngày xưa” ấy chỉ cách đây chừng 4 tháng. Chị Anh nhớ lại: “Hồi đó, hễ trời chuyển mưa như vầy là thấy rầu trong bụng. Mưa lớn một chút là nước ngập vô nhà, đọng vũng mấy ngày mới rút. Vợ chồng con cái giăng võng, kê ghế bố ngủ, căng dây treo đồ đạc, quần áo lủng lẳng khắp nhà như dân vùng lũ. Nhiều người hỏi dọn lên chung cư ở thì sướng hơn cái gì, tui chỉ nói gọn là được nằm lăn ra nền gạch, ngủ khỏi giăng mùng. Mấy chuyện ngó bộ đơn giản vậy mà hồi ở nhà cũ, có mơ cũng hổng được”. Chỉ tay vô cái tủ lạnh ở góc phòng, anh Bình khoe: “Cái này là mua bằng tiền thưởng đó. Nhà tui chấp hành chủ trương di dời sớm nên được thưởng 5 triệu đồng. Tui kêu bả đi mua cái tủ lạnh, vừa có nước đá cho tụi nhỏ uống, vừa để kỷ niệm”.

Một số hộ dân được tạo điều kiện mua bán trong khuôn viên chung cư để cải thiện cuộc sống.

Một số hộ dân được tạo điều kiện mua bán trong khuôn viên chung cư để cải thiện cuộc sống.

Với bà Văn Thị Nga (nhà số A11 - 26 chung cư Tân Mỹ), cái sướng nhất khi dọn về nhà mới cũng là được ngủ một giấc thiệt ngon, thiệt đầy. Bà kể: “Hồi còn bên rạch Ụ Cây, mới chừng 1 - 2 giờ sáng là đã có tiếng người, tiếng ồn ào, rục rịch từ đầu hôm cho tới hừng sáng. Mấy ngày mới qua bên này, tui ngủ tới 7 - 8 giờ sáng mới dậy vì chung quanh yên tĩnh, không khí lại trong lành. Sức khỏe nhờ vậy cũng khá hơn”.

Anh Nguyễn Minh Thiện, cán bộ môi trường phường Tân Phú, kể: Khu này bây giờ có truyền hình cáp, internet. Bà con rạch Ụ Cây ít ai ngờ có ngày mình được nằm trên cái nền nhà sạch tới mức khỏi trải chiếu, vắt chân coi truyền hình cáp tới khuya mà khỏi cần đốt nhang muỗi.

Mong muốn an cư, lạc nghiệp

Ngay trước Tết Canh Dần, 310 hộ dân với 1.420 nhân khẩu đã được bố trí tái định cư ở khu chung cư Tân Mỹ để kịp đón tết trong ngôi nhà mới. Nhằm tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định cuộc sống, chính quyền phường Tân Phú nhanh chóng tiếp cận bà con để có hướng hỗ trợ thích hợp. Bà Huỳnh Thị Thu Liễu, Chủ tịch UBND phường, cho biết: “Các hộ mới chuyển về được tạo điều kiện nhập hộ khẩu nhanh để ổn định cuộc sống.

Theo danh sách do UBND quận 8 cung cấp, chúng tôi nắm lại các hộ dân thuộc diện xóa đói giảm nghèo – có mức thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm – để hỗ trợ cho vay vốn. Biết bà con mới di dời sang nơi ở mới, nhiều người chưa có điều kiện tìm việc làm nên mặc dù phường đang xây dựng nếp sống văn minh đô thị, kiên quyết dẹp hàng rong nhưng vẫn cho phép cho một số hộ dân sử dụng khuôn viên chung cư để bán thức ăn, nước giải khát cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, phường cũng vận động, tạo điều kiện cho con em các hộ dân được chuyển trường, nhập học đúng tuyến. Ngoài ra, sắp tới, khi chính thức tiếp nhận quản lý các hộ dân về tái định cư, chúng tôi sẽ vận động những người không có điều kiện đến trường tham gia các lớp xóa mù chữ”. Phường cũng thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, nắm tình hình, kịp thời ghi nhận những khó khăn của bà con để sớm có biện pháp giải quyết.

Dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây (tại các phường 9, 10, 11 quận 8) được UBND TPHCM chọn là dự án đặc biệt của chương trình phát triển nhà ở thành phố và cũng là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX. Tổng số hộ dân phải di dời trong phạm vi dự án là 2.552 hộ với 13.752 nhân khẩu. Người bị thu hồi đất được bố trí tái định cư bằng căn hộ chung cư tại 7 địa điểm thuộc dự án do Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư, gồm: Chung cư Tân Mỹ quận 7, chung cư 481 Ba Đình quận 8, chung cư An Phú – An Khánh quận 2, chung cư An Sương quận 12, khu chung cư thương mại dự án rạch Ụ Cây (tái định cư tại chỗ), chung cư Bùi Minh Trực III quận 8, chung cư 99 Bến Bình Đông quận 8.

Tuy nhiên, bà Liễu cũng trăn trở về cách phân bổ căn hộ chưa hợp lý đối với một số trường hợp, khiến cuộc sống những hộ dân này gặp khó khăn. Bà dẫn chứng: “Theo quy định, mỗi gia đình chỉ được cấp một căn hộ 36m², không xét đến hộ đó có ít hay nhiều nhân khẩu. Vì thế, hiện có 2 hộ tổng cộng 14 và 17 nhân khẩu phải sống chen chúc nhau trong một không gian chật hẹp”.

Các hộ dân tái định cư có được căn hộ mơ ước, nhưng việc làm ăn lại không thuận tiện cũng khiến nhiều người âu lo. Qua trò chuyện, nhiều người cho biết nếu muốn duy trì thu nhập thì phải quay về nơi ở cũ để buôn bán... Những vấn đề này, chính quyền địa phương cũng đã nhìn ra và đang tìm hướng giải quyết. Nói như Chủ tịch UBND phường Huỳnh Thị Thu Liễu: “Chúng tôi xem những hộ dân mới chuyển về từ rạch Ụ Cây cũng giống như cư dân sống ở đây lâu năm, không hề có sự phân biệt đối xử”.

Thăm chung cư Tân Mỹ những ngày này, hòa trong niềm vui lẫn trong những nụ cười vì có nhà mới, nhà đẹp, vẫn còn đâu đó nỗi trăn trở, âu lo cho tương lai. Bà con nơi đây vẫn chờ mong TP và chính quyền địa phương tiếp tục có sự quan tâm hỗ trợ để tháo gỡ những khó khăn về công ăn việc làm để họ có thể thật sự gắn bó với mảnh đất mới này, để nụ cười Tân Mỹ thật sự rạng rỡ, trọn vẹn.

ÁI CHÂN - MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục