Đội Olympic dành cho người tị nạn
Cái nắng tươi đẹp ở Rio de Janeiro đang ngày một thêm lấp lánh nhờ vào nụ cười tỏa sáng của cô bé Yusra Mardini (Syria), “ngôi sao” của đội Olympic dành cho những người tị nạn. Mardini, cùng với Yiech Pur Biel, James Nyang Chiengjiek, Anjelina Nadai Lohalith, Rose Nathike Lokonyen, Paulo Amotun Lokoro (Nam Sudan); Yonas Kinde (Ethiopia), Rami Anis (Syria); và Popole Misenga, Yolande Bukasa Mabika (Congo) ở Olympic Rio de Janeiro 2016 đang là biểu tượng cho sự đoàn kết của cả thế giới khi hướng đến những vùng đất, những dân tộc, những con người vẫn còn đang bị chiến tranh hành hạ từng ngày.
Mardini đang giữ một nụ cười hồn nhiên khi được sống trong vòng tay của những người đồng cảnh ngộ.
Không đặt nặng thắng – thua, đội Olympic dành cho những người tị nạn hiện diện ở Rio dưới sáng kiến của IOC chỉ nhằm cho cả thế giới thấy rằng, ở đâu đó trên trái đất này, vẫn còn rất nhiều con người sử dụng thể thao để cứu cả mạng sống chính mình. “Nếu không có bơi lội, tôi không nghĩ tôi sẽ sống sót”, cô bé Mardini, người thậm chí còn không biết mình sinh năm 1997 hay 1998 tâm sự. Hồi tháng 8-2015, vì nội chiến ở Syria, Mardini và chị gái mình buộc phải di tản. Họ rời khỏi Damascus, vượt biển Địa Trung Hải để vào Hy Lạp. Trong chuyến hành trình, chiếc xuồng chở chị em Mardini (vốn chỉ thiết kế chở được 6 người nhưng phải gánh những 20 người) đột nhiên chết máy. Mardini, chị của cô và một người nữa dũng cảm nhảy xuống biển, đẩy chiếc thuyền về phía trước để cứu mạng tất cả mọi người. Câu chuyện của Mardini là một thực tế tàn khốc, rằng thể thao không chỉ để thi đấu giành giải thưởng, mà còn để cứu mạng con người, rất nhiều người.
Giờ đây, khi những hiểm nguy gian khổ đã qua, Mardini đang giữ một nụ cười hồn nhiên khi được sống trong vòng tay của những người đồng cảnh ngộ. Và cùng họ, tranh đoạt giấc mơ Olympic với một quan niệm và lăng kính khác biệt hoàn toàn so với các VĐV đỉnh cao. “Tôi muốn nói với mọi người, tôi rất nhớ Damascus. Tôi muốn mọi người nghĩ đến giấc mơ của người dân Syria. Bởi vì có rất nhiều người đã quên đi giấc mơ của chính mình. Đội tuyển này còn lớn hơn cả 10 con người chúng tôi đại diện. Cùng với nhau, chúng tôi thật sự rất hạnh phúc. Đội tuyển của chúng tôi có một tình bằng hữu tuyệt vời. Tất cả chúng tôi không nói cùng ngôn ngữ, không đến từ cùng một quốc gia, nhưng lá cờ Olympic trên đầu đã kết nối chúng tôi với nhau, và chúng tôi đang đại diện cho 60 triệu người dân tị nạn trên toàn thế giới”.
HOÀNG DƯƠNG