Nữ già làng

Cô du kích năm nào
Nữ già làng

Bà tên Ksor H’lâm, người dân tộc Ja Rai ở xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), một trong những nữ già làng hiếm hoi của cả khu vực Tây Nguyên. Với vai trò và uy tín của mình, bà luôn gần gũi dân làng, hướng dẫn họ làm ăn, xây dựng cuộc sống mới...

Già làng Ksor H’lâm trao đổi công tác vận động quần chúng với lãnh đạo Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15).

Già làng Ksor H’lâm trao đổi công tác vận động quần chúng với lãnh đạo Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15).

Cô du kích năm nào

Nằm biệt lập giữa mênh mông rừng núi, Ia Mơr được biết đến là một xã nghèo nơi miền biên giới của tỉnh Gia Lai. Để vào được làng Krông (xã biên giới Ia Mơr), nơi nữ già làng Ksor H’lâm sinh sống, chúng tôi phải khá vất vả, bởi sau những trận mưa, con đường đất đỏ trở nên lầy lội, trơn như mỡ, đầy “ổ gà, ổ voi”. Hỏi thăm nữ già làng, ai cũng biết. “Già H’lâm à, ở làng Krông đấy! Già tốt lắm, không chỉ giúp bà con sống yên vui hòa thuận, còn chỉ cho bà con làm và cho mượn cả bò nữa!”, chị Kpăh Lan ở làng Ring (xã Ia Mơr) nhanh nhảu nói.

Nữ già làng Ksor H’lâm trước mặt chúng tôi là một phụ nữ mảnh khảnh, đôn hậu và dễ gần. Năm nay đã xấp xỉ 70 “mùa rẫy” nhưng trông vẫn còn trẻ lắm, khỏe lắm. Trước sân nhà bà, những cây xoài lúc lỉu trái, xung quanh gọn gàng, sạch sẽ, không một cọng rác. Trong nhà bà treo hàng chục bằng khen, từ trung ương tới tỉnh, huyện, thậm chí có vài bằng khen ghi nhầm già làng H’lâm là ông (!).

Hớp một ngụm nước trà lấy sức, già làng Ksor H’lâm chậm rãi kể cho chúng tôi về một thời tuổi trẻ xông pha. Cũng như lũ làng thời chiến tranh, năm 1962, cô sơn nữ tuổi 13 Ksor H’lâm tạm biệt gia đình, thoát ly đi theo bộ đội cụ Hồ. Được các anh chị, cô bác hướng dẫn, H’lâm làm giao liên, gùi công văn, rồi về làm hậu cần, đi vận tải, cáng thương binh, chuyển lương thực thực phẩm, vũ khí thuốc men... Từ nhỏ sống với gia đình, quanh quẩn bên nếp nhà sàn, do tư tưởng lạc hậu cùng với đời sống khó khăn nên H’lâm không được đi học. Tuy thế, H’lâm vẫn mê cái chữ lắm. Hễ gặp người nào biết chữ, H’lâm cũng năn nỉ người ta dạy. Cứ ban ngày chiến đấu, tối về lõm bõm học chữ. Nhờ sáng dạ, chẳng mấy chốc H’lâm đã viết được tên mình, tên quê hương, bản làng mình và viết được cả những niềm vui, nỗi buồn trong những ngày đi làm cách mạng.

Năm 1967, Ksor H’lâm được gửi ra miền Bắc học văn hóa, chính trị, quân sự rồi về quê đánh giặc... Sau 25 năm trong quân đội, Ksor H’lâm lại về lại với buôn làng, gần gũi với núi rừng. Chiến tranh đi qua, làng Krông tiêu điều hoang vắng, cái bụng bà con ở buôn làng vẫn chưa được no. Nhìn cảnh đó, H’lâm không cầm nổi nước mắt. Với những kiến thức học được, bà xắn tay vào giúp người dân cải tạo vườn tược, trồng cây bắp, cây mì, nuôi bò, nuôi heo để cải thiện cuộc sống. “Cuộc sống bà con Ja Rai còn khổ quá, mình thương lắm. Biết được cái gì, mình bày bà con cái đó thôi”, H’lâm khiêm tốn cho hay. Thấy H’lâm làm ăn giỏi, biết nhiều chuyện hay, lũ làng rất ưng cái bụng. Năm 1998, làng Krông đã có trưởng thôn, phó thôn, nhưng chưa có già làng. Vậy là không ai bảo ai, mọi người đều bảo nhau: “Chỉ có Ksor H’lâm thôi. Cho nó làm già làng, Yàng mới thích, bà con mình mới ưng cái bụng!”. Thế là Ksor H’lâm được bầu làm già làng. Đây là câu chuyện rất lạ và hiếm có ở Tây Nguyên, khi người phụ nữ được tôn làm già làng, một vị trí mà từ trước tới giờ “Yàng” (từ của người dân tộc gọi trời) chỉ dành cho đàn ông.

Nữ già làng uy tín

Trở thành già làng, trong đầu Ksor H’lâm luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao giúp bà con dân làng thoát nghèo. “Giặc Pháp, giặc Mỹ mình còn đánh đuổi được, không lẽ lại đầu hàng trước giặc dốt hay sao. Độc lập rồi, mình không thể cứ nghèo đói được. Vậy là dành dụm tiền nuôi một con bò, rồi sinh sôi thành một đàn bò”, già H’lâm trầm ngâm nhớ lại. Rồi sau những đêm suy tư không ngủ, thấu hiểu những vất vả, khó khăn của bà con, già làng Ksor H’lâm đã bỏ công học hỏi, tìm cách xóa đói giảm nghèo đơn giản mà hiệu quả cho buôn làng. Một trong số đó là cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 729 (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) đưa cả đàn bò nhà mình đi từ làng Krông, làng Klă qua làng Hnáp, làng Khôi, chỉ với mục đích cho bà con mượn con giống, tạo vốn chăn nuôi. Khi nào bò đẻ thì được giữ lại bò con, còn bò mẹ tiếp tục cho nhà khác mượn để nhân giống. Kết quả của “sáng kiến” này là có nhiều hộ gia đình đồng bào Ja Rai trong xã thoát nghèo, còn H’lâm ngày càng được bà con dân làng tin tưởng, yêu mến. Ngoài hỗ trợ bò giống, bà còn hướng dẫn người dân cách trồng cây mì, cây bắp, cách bón phân sao cho hiệu quả. Cái gì biết bà làm ngay, cái không biết bà lặn lội lên xã, lên huyện học hỏi rồi về chỉ lại cho bà con. “Ngày xưa bà con mình thiếu ăn do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Tất cả đều dựa vào trời đất. Vì vậy, cây bắp, cây mì trên rẫy ít cho trái lắm. Từ ngày áp dụng cách làm ăn mới, bà con mình không còn sợ đói cái bụng nữa”, già làng Ksor H’lâm vui vẻ cho biết.

Chỉ dẫn bà con cách làm ăn, già làng Ksor H’lâm còn tích cực trong việc vận động người dân giảm bớt ma chay, hủ tục, chăm lo làm ăn và không nghe lời kẻ xấu gây hiềm khích... Không biết từ bao giờ, bà trở thành một “địa chỉ” không thể thiếu trong lòng người dân miền biên giới này. Không riêng gì làng Krông, người dân ở các làng Khôi, làng Hnáp, làng Klă, làng Ring... nếu có việc gì khó giải quyết cũng tìm đến bà để được giải đáp khúc mắc. Bất cứ chuyện gì trong làng từ nhỏ đến lớn, từ chuyện xích mích gia đình, đến chuyện chăm người vừa sinh nở, rồi chuyện làm kinh tế..., ai ai cũng tìm đến để được bà tư vấn.

Với người lớn đã vậy, riêng trẻ con trong làng, già làng Ksor H’lâm luôn là một người bà mẫu mực, một tấm gương sáng để chúng noi theo. Có bà, những đứa trẻ biết yêu cái chữ và lo học hành hơn. “Ngoại H’lâm (biệt danh thân mật lũ trẻ làng Krông dành cho nữ già làng – PV) bảo với con rằng, tuy cái chữ không làm ra lúa ra gạo, nhưng cái chữ sẽ giúp làng con thoát nghèo. Vì vậy, con sẽ học hành thật giỏi. Con ước mơ sau này trở thành kỹ sư nông nghiệp để giúp cha mẹ làm ra được nhiều lúa gạo hơn nữa”, cậu bé Rơ Lan Thiêng, học sinh lớp 5 ở làng Krông, xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) mơ ước.

Làm nhiều, đi nhiều, được dân làng yêu mến nhiều, thế nhưng khi ngồi kể lại với chúng tôi những câu chuyện này, già làng Ksor H’lâm vẫn không thôi trăn trở: “Cũng là nhờ bộ đội, chính quyền địa phương giúp đỡ nhiều, làng mình mới được như hôm nay. Tuy nhiên, đến nay làng mình vẫn còn một số hộ nghèo, vậy nên, càng được bà con tin tưởng, mình càng phải cố gắng nhiều hơn…”. Với già, dù cuộc sống hôm nay đã khá hơn rất nhiều so với thời xưa, có trường học, trạm y tế, “cái nghe, cái nhìn” đã về gần hết mọi căn nhà sàn..., nhưng Ia Mơr vẫn là một xã nghèo của huyện, xa tít mù khơi vì giao thông cách trở.

Có dùng hết những ngôn từ hoa mỹ, cũng khó có thể nói hết những thành tích của nữ già làng Ksor H’lâm. Ông Rơ Lan Chim, Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, thẳng thắn nhận xét: “Bà Ksor H’lâm là một nữ già làng có uy tín, được bà con Ja Rai tin yêu. Bà đã và đang đóng góp nhiều công sức xây dựng quê hương bình yên, no đủ”.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục