Năm học 2006-2007, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) có 51 học sinh khối 12 thi tốt nghiệp THPT. Kết quả, 51 em đều rớt. Kể từ đó, ngôi trường này “chết” tên: Trường 0%. Gần 3 năm qua, thầy và trò Trường Đinh Tiên Hoàng cùng quyết tâm xóa số 0. Kết quả, 98% học sinh đỗ tốt nghiệp năm 2009-2010, sau đó có em thi đậu vào đại học…
Trường “lạ”!
Từ năm 1997, Sơn Tây được gọi là “huyện nhô”, vì rằng, số học sinh vào lớp 6 đều phải học chung với tiểu học do không có trường riêng. Học đến hết bậc phổ thông cơ sở thì 3/6 xã của huyện mới thành lập được trường cấp 2 riêng và số học sinh này phải “nhô” tiếp lên cấp 3. Cho đến khi Trường THPT Đinh Tiên Hoàng được thành lập, các em lớp 10, lớp 11 “nhô” này được chuyển ngay vào trường.
Vì vậy mới có chuyện vừa thành lập Trường Đinh Tiên Hoàng đã có ngay học sinh 12. Cách đây ba mùa thi, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã gây “chấn động” cả nước bởi không một em nào thi đỗ tốt nghiệp THPT năm đó. Cái tên, trường “0%” đã “chết” với Trường THPT Đinh Tiên Hoàng kể từ dạo ấy. Bởi vậy, tin Đinh Thị Ngọc Tâm, học sinh của trường thi đỗ vào Trường Đại học An ninh TPHCM kỳ thi đại học 2009 - 2010 vừa qua đã bất ngờ và thành “sự kiện nóng” trong cộng đồng gần 20.000 người Ca Dong.
Phòng truyền thống của trường còn lưu lại mấy con số đáng để suy ngẫm: Ngay năm đầu tiên thành lập, trường có 53 em dự thi tốt nghiệp THPT, đỗ 40 em; năm tiếp theo thi 54, đỗ 53, năm kế tiếp thi 37, đỗ 24, đến năm học 2006-2007, thi 51 trượt cả 51! Vì sao trên biểu đồ thi cử, trường lại “đi” theo kiểu không giống ai? Hiệu trưởng Bùi Thế Giới phân tích: “Ba năm đầu thi cho có thi, năm 2007, ngành giáo dục tuyên bố “nói không với tiêu cực” rồi “học thật thi thật” nên rớt… thật vậy thôi”. Hóa ra những năm đầu mới thành lập trường, tỷ lệ thi đỗ nhiều không phải do chất lượng!
Ông Lê Hoài Thạnh, Trưởng phòng GD-ĐT Sơn Tây, nói: “Chuyện thi trượt trăm phần trăm là “cái chết đã được báo trước”, song tôi vẫn thấy xót xa. Lúc mới chia huyện, Sơn Tây chỉ có lớp 3 là lớp học cao nhất, 98,2% số người trong huyện còn mù chữ. Đã vậy, năm nào Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cũng giao cho huyện Sơn Tây tuyển sinh vào lớp 10 từ 120-150 em nhưng có năm nào tuyển đủ đâu. Đây là trường cấp 3 không phải thi đầu vào! Ấy thế mà bắt thi “sòng phẳng” như các trường khác, không rớt mới là chuyện lạ”.
Và “số 1”
Cả 51 học sinh thi tốt nghiệp phổ thông năm 2007, sau khi nghe công bố kết quả thi, không một em nào dám trở lại trường để thi vòng hai mà tiến thẳng… lên núi để tiếp tục công việc nương rẫy. Trên 80% số hộ người Ca Dong còn nghèo nên miếng ăn vẫn cần hơn cái chữ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, nhà trường nghĩ khác, không vì tự ái với số 0% mà bỏ cuộc.
Với quyết tâm xóa cái dớp “0%”, mùa hè năm ấy, không một giáo viên nào của trường được nghỉ mà tất cả đều lo ôn tập cho các em lớp 11 và lớp 10. Huyện Sơn Tây quyết định hỗ trợ mỗi học sinh theo học ở trường này 15kg gạo/tháng; trường nêu giải thưởng nếu em nào thi đỗ tốt nghiệp được thưởng 500.000 đồng; thầy Đinh Trường Thảo, giáo viên tiếng Anh treo thưởng tiếp 300.000 đồng/em nếu thi đỗ. Một khu nhà nội trú dành cho những em ở xa cũng gấp rút hoàn thành. Trường ưu tiên cho số học sinh lớp 12 được vào nội trú để dễ quản và có điều kiện để giáo viên bồi dưỡng thêm. Tất cả những nỗ lực đó đã được đền đáp.
Năm đó Đinh Thị Ngọc Tâm đang học lớp 10, thấy đàn anh đàn chị như bầy ong vỡ tổ, em ngơ ngác. “Có lúc em nản thật sự vì đi đâu mà xưng mình học Trường THPT Đinh Tiên Hoàng thế nào cũng nghe câu này: “Trường 0% đó hả?”. Nghe thế, xấu hổ lắm nhưng rồi em nghĩ, chúng em phải quyết tâm xóa đi cái dớp ấy chứ không ai khác”. Liên tiếp 2 năm liền, Trường Đinh Tiên Hoàng đã có học sinh thi đỗ tốt nghiệp phổ thông, năm thì 3 em, năm thì 5 em.
Tuy không nhiều, số rớt vẫn cao, song, cả nước không còn nhìn về ngôi trường này bằng ánh mắt thương cảm nữa. Riêng năm học rồi, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng làm ngành giáo dục của tỉnh ngạc nhiên: 70 em dự thi, chỉ rớt 2 em! Nhìn vào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên, nhiều người nghi ngờ, song khi nghe em Đinh Thị Ngọc Tâm thi đỗ đại học cùng một em nữa thi đỗ cao đẳng, bao ngờ vực đã dần xóa tan. Và bây giờ, Ngọc Tâm đã trở thành “người số 1” của bộ tộc Ca Dong. “Em hy vọng, những năm học tiếp theo, trường 0% sẽ dần trở thành trường 100% thi đỗ tốt nghiệp THPT và nhiều bạn đậu đại học”- Tâm nói.
HÀ MINH-HÀ NHIÊN