“Nữ thần”… dập lửa

Chuyện đàn ông lên núi trồng rừng là bình thường, nhưng chuyện một phụ nữ đang ở tuổi thăng hoa của sự nghiệp lại lên núi cao chót vót, tự tay nhặt từng viên đá cuội, phát từng mảnh đất hoang đầy lau lách để trồng rừng là chuyện lạ. Từ ngày có bàn tay của chị, những “chảo lửa” do nạn phá rừng đốt than gần như không còn, màu xanh dần trở lại. Bởi vậy, nhiều người nói đùa rằng chị như là “Nữ thần dập lửa”.
“Nữ thần”… dập lửa

Chuyện đàn ông lên núi trồng rừng là bình thường, nhưng chuyện một phụ nữ đang ở tuổi thăng hoa của sự nghiệp lại lên núi cao chót vót, tự tay nhặt từng viên đá cuội, phát từng mảnh đất hoang đầy lau lách để trồng rừng là chuyện lạ. Từ ngày có bàn tay của chị, những “chảo lửa” do nạn phá rừng đốt than gần như không còn, màu xanh dần trở lại. Bởi vậy, nhiều người nói đùa rằng chị như là “Nữ thần dập lửa”.

        Từ “nghệ nhân” đến “kỹ sư”

Cách đây khoảng 10 năm, nếu ai có dịp đi trên quốc lộ 1, đoạn qua xã Suối Tân (Cam Lâm - Khánh Hòa) và dừng chân ở những quán cơm dưới chân núi Năm Nọc, chắc sẽ nghe chuyện về chị Nguyễn Thị Thu Hằng - một phụ nữ có biệt tài làm đồ mỹ nghệ (gỗ lũa) từ những gốc cây dường như đã bỏ đi. Công việc này vốn chỉ có cánh mày râu thường làm và làm tốt, thành công, nhưng với chị Hằng thì đó không phải là rào cản không thể vượt qua.

Năm 1979, chị theo cha rời làng Sen, xã Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) vào lập nghiệp tại Suối Tân, từng trải qua năm tháng khổ nhọc, kinh qua hàng chục nghề nghiệp khác nhau để mưu sinh.

Thế rồi, năm 2003, sau những lần rong ruổi trên những nẻo đường từ thôn quê đến thành thị, chị thấy nghề làm mỹ nghệ đang thịnh hành và quyết định bỏ tất cả các công việc đang dang dở để vào nghề - nghề mà chị chưa có chút kinh nghiệm nào. Ngày đó, người dân trong làng và người đi đường trố mắt ngạc nhiên vì một phụ nữ đang tuổi thanh xuân lại đi lùng mua những gốc cây to tướng, rồi hì hục gọt, đẻo cho thành hình hài. Tất nhiên công đã không phụ lòng người…

Một màu xanh của rừng keo đã được phủ lên đỉnh núi Năm Nọc.

Một màu xanh của rừng keo đã được phủ lên đỉnh núi Năm Nọc.

Từ những thành công ban đầu, cơ sở của chị ngày càng lớn mạnh và chiêu mộ được những người thợ chạm trổ giỏi gần xa. Có thời điểm, tiệm mỹ nghệ của chị nhận hàng chục đơn đặt hàng, phải “cày” cả ngày cả đêm, thuê thêm hàng chục lao động thời vụ mới đủ nhân lực làm đủ hàng giao cho khách. Sau 2 năm đi vào con đường gỗ lũa, tiệm mỹ nghệ của chị có tháng chuyển liền mấy xe tải hàng mỹ nghệ ra tận ngoài Bắc tiêu thụ, thu về hàng tỷ đồng.

Con đường làm ăn đang tấn tới, bỗng năm 2005, qua lời một người bạn vốn làm trong ngành lâm nghiệp, chị nảy sinh ý định đem cây giống lên đỉnh Năm Nọc để trồng cây, gây rừng. Năm Nọc - chỉ nghe cái tên của ngọn núi đã có cảm giác sờ sợ, bởi nó có tổng cộng 5 đỉnh núi, đỉnh cao nhất cách mặt nước biển 600m và rất hiểm trở, bao đời nay chỉ có những thợ đốt than mới dám leo lên đỉnh núi. Còn chuyện lên đây trồng rừng thì nghe như… cổ tích!

Cơn say trồng rừng ngấm chưa lâu nhưng chị Hằng quyết định dốc toàn bộ vốn liếng của mình đầu tư vào rừng. Ban đầu, chị gom mua những mảnh rừng của người dân nơi đây rồi trồng keo lai giâm hom. Chỉ sau một năm, rừng keo được chăm sóc tốt, lên xanh ngút nên khiến chị thêm mê với màu xanh của rừng.

Chị kể: “Đỉnh núi Năm Nọc trước đây khói bay nghi ngút do cháy rừng vì nạn đốt than xảy ra thường xuyên. Vào mùa mưa, nước trên những ngọn núi chảy xối xả, bào mòn đi tất cả; còn mùa khô, lửa cháy bừng lên khiến bầu trời oi bức, ngột ngạt cả một vùng quê yên bình”. Điều đó thôi thúc chị cõng cây lên rừng, phủ xanh những khoảnh rừng đã bị cạo trọc. Đến năm 2006, chị có thêm sức mạnh, nghị lực khi chồng chị là anh Nguyễn Văn Biềm, một sĩ quan không quân xin nghỉ hưu để cùng chị thực hiện ước mơ.

        Phủ xanh đỉnh Năm Nọc

Chúng tôi theo chân chị Hằng và chồng lên đỉnh Năm Nọc để tận mắt chứng kiến cách sức người thắng được đá núi. Con đường lên đỉnh Năm Nọc dựng đứng, muốn lên phải đi vòng quanh những sườn núi hiểm trở. Đường lên núi dốc ngoằn ngoèo đã đành, nhưng ớn nhất chính là những viên đá cuội lớn nhỏ nằm chi chít giữa đường. Đôi lúc, chiếc Land Cruiser vốn có lợi thế gầm xe cao vẫn va ầm ầm vào đá khiến nó gầm gì cả núi rừng.

Anh Biềm vốn là tài xế cừ khôi trong quân ngũ, nhưng với anh con đường lên đỉnh Năm Nọc là cung đường gian nan nhất mà anh từng trải qua. Anh nói rằng trước đây đường lên đỉnh còn gian nan gấp trăm lần bây giờ. Để đưa được những cây con lên núi, cả gia đình anh và những người làm thuê gùi từng gùi cây giống leo núi. Để lên được chỗ đất trồng phải leo núi đến 5 giờ; ngay cả lúc mua ngựa về gùi cây giống nhưng ngựa cũng chịu thua vì đá núi xe nát móng ngựa, đành dựa cả vào sức người.

Qua năm tháng, bằng sự kiên nhẫn, vợ chồng chị Hằng đã biến những đồi núi trọc trên đỉnh núi Năm Nọc toàn đá và khói bụi năm nào thành màu xanh. Có thêm động lực, năm 2007, chị cùng chồng lên núi hàng tháng trời để khảo sát thực địa, rồi lập kế hoạch mua đất trồng rừng. Chỉ 2 năm sau, số rừng chị thu mua, khai hoang và trồng thành rừng lên đến 300ha.

Không dừng lại ở đó, để chuẩn bị kế hoạch phủ xanh toàn bộ 1.000ha rừng, mấy năm gần đây chị đã đầu tư không dưới 3 tỷ đồng để làm những con đường lên núi. Giấc mơ đó trở thành hiện thực, khi con đường dài 25km len lỏi quanh những sườn núi và sẽ nối tận đỉnh đồi Năm Nọc sắp sửa hoàn thành. “Mình làm đường cũng để sau này dễ dàng khai thác rừng, cũng là giúp người dân có đường đi lên khai thác. Nhưng cái quan trọng hơn hết là mỗi lúc rừng có hỏa hoạn sẽ nhanh chân lên đó để dập lửa.

Có con đường nên việc đi lại dễ dàng hơn, vậy nên diện tích rừng trồng của chị đến nay đã là 500ha, và diện tích mà chị đang khoanh nuôi bảo vệ cũng bằng từng ấy. Đến nay, ngoài hàng trăm công nhân thời vụ, chị Hằng còn tạo việc làm cho 50 công nhân chủ lực, chia làm 5 trạm đóng chốt tại rừng để quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng. Rất nhiều công nhân, gia đình công nhân đang gắn bó với sự nghiệp trồng rừng của chị trước đây vốn là những chủ lò chuyên đốt than.

        Những băn khoăn...

Nếu ai có dịp đặt chân lên đỉnh Năm Nọc, thấy được những cánh rừng keo xanh ngút khó có thể tin vào mắt mình. Tôi hỏi chị “có bị làm sao” không mà đem cả gia tài lên núi đá trồng cây? Chị Hằng ngập ngừng rồi nói hồn nhiên như đứa trẻ: chắc cũng vì “cái nghiệp” đó em! Không hiểu từ bao giờ chị lại có đam mê đó, và giờ càng không thể dứt bỏ nó. Còn anh Biềm nhẩm tính, có khoảng 30 tỷ đồng đã được đầu tư lên đây.

Có điều, tiền thu lại còn đâu đó giữa rừng và không biết ngày thu lợi sẽ đợi mấy mươi năm nữa. Nói là thế, nhưng bản thân anh Biềm cũng thổ lộ rằng, niềm đam mê của vợ cũng là của mình. Có lẽ suy nghĩ đó là động lực để anh sát cánh bên chị trong những ngày gian nan nhất.

Những tháng ngày cực khổ vật lộn với núi đá Năm Nọc, có những ngày cơ cực vì ngã xe, đầu gối thâm tím vì đâm vào đá. Hay những lần còng lưng bê những tảng đá chắn ngang đường lên núi. Tất cả những điều đó chưa bao giờ làm chị Hằng rơi lệ. Mãi đến năm 2008, chị như muốn bật khóc khi may mắn được tư vấn lập dự án đầu tư trồng rừng để được hỗ trợ vay vốn.

Một dự án với tổng vốn đầu tư 67 tỷ đồng cho khu rừng trồng rộng 1.182ha, kết hợp với du lịch sinh thái đã hình thành với tràn đầy hy vọng có vốn để có thể phủ xanh hết cả quả núi này. Hào hứng rồi thất vọng, đến nay đã 6 năm trôi qua, dự án ấy vẫn còn nằm trên giấy, dù gia đình chị chạy tới chạy lui đủ thứ giấy tờ, rồi kiểm tra lên, kiểm tra xuống nhưng vẫn chưa cấp nào xác định địa điểm đầu tư, mặc dù 2/3 diện tích đất của chị đã có sổ quyền sử dụng, số còn lại được địa phương xác nhận là đất trống đồi trọc do địa phương quản lý.

Không có ranh giới rõ ràng, nạn lấn chiếm đất bất hợp pháp và đốt than mấy năm nay lại tái diễn, rừng lại cháy. Điều đó chẳng khác gì vết dao cứa vào lòng chị Hằng khi sự thật là đồi Năm Nọc đã xanh, nay đang đứng trước nguy cơ trở thành những “chảo lửa” như năm xưa.

Chiếc xe đưa chúng tôi đổ dốc đỉnh núi Năm Nọc về lại đồng bằng. Giữa cái nắng chói chang hắt thẳng vào mặt, chị Hằng vẫn cố ngước lên bầu trời nhìn những đám mây. Chị bảo, nhìn lên trời mình dễ nhận biết rừng có cháy và cháy ở vị trí nào. Nói rồi, chị rướm nước mắt vì nhớ thằng con trai út đang gửi phía nhà nội ở tận Thái Bình. Ở Suối Tân, chị sợ con bị tự kỷ vì vợ chồng hầu như thâu đêm suốt sáng ở rừng.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục