Nửa tây, nửa ta

Mới đây, những ý kiến tranh luận trên các diễn đàn về việc giữ gìn tiếng Việt trước sự “xâm thực” của tiếng Anh đã thu hút nhiều học giả, văn nghệ sĩ tham gia. Đó là nỗi lo lắng đáng quý trước những hiện tượng bất thường của đời sống văn hóa dân tộc giữa thế giới phẳng hiện nay.

Tiếng mẹ đẻ là một tài sản vô giá phải biết giữ gìn và khai triển. Làm giàu tiếng mẹ đẻ bằng cách du nhập và biến hóa những thứ tiếng khác thành tiếng Việt là điều cần làm và chúng ta đã làm từ lâu, đặc biệt là những thuật ngữ khoa học mới hoặc tên những sản phẩm công nghệ tiên tiến đến từ các nền văn minh của thế giới. Tuy nhiên, việc chối bỏ tiếng mẹ đẻ đẹp và trong sáng có sẵn để thay vào đó bằng thứ tiếng lai căng, kệch cỡm là điều không thể chấp nhận.

Trong thế giới phẳng, việc giao tiếp, ảnh hưởng về văn hóa giữa các dân tộc với nhau là chuyện bình thường. Người của nước này khi chuyển sang một nước khác sinh sống phải hòa nhập văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ và mọi sinh hoạt cộng đồng. Một người gốc Việt sống hẳn ở nước ngoài hoặc một phụ nữ Việt lấy chồng ngoại quốc buộc phải tuân thủ văn hóa bản địa, lấy tên hoặc nghệ danh có yếu tố nước ngoài là lẽ thường tình. Thế nhưng, thật khó lý giải một người sinh sống tại Việt Nam khi bước vào con đường văn học nghệ thuật lại lấy những bút danh, nghệ danh có yếu tố tiếng nước ngoài kết hợp với tiếng Việt nhưng vẫn được một bộ phận xã hội chấp nhận.

Sự sính ngoại ấy có thể nhằm gây chú ý đến người đọc, người xem, người nghe. Tuy nhiên, để đứng được bền bỉ theo thời gian thì người ấy phải thực sự có tài năng, tình yêu và sự lao động nghề nghiệp cật lực, chứ không phải chỉ có cái tên lạ tai gây tò mò ban đầu. Cái tên, nghệ danh, bút danh phần nào phản ánh tính cách con người. Khi một người trẻ vì lý do nào đó chọn cho mình nghệ danh “nửa tây, nửa ta” để bước vào con đường nghệ thuật thì có thể hiểu được, nhưng còn những người đi trước và các cơ quan quản lý văn hóa sao không góp ý hoặc có tiếng nói định hướng cho họ? Có người lấy lý do lấy nghệ danh, bút danh tiếng Anh để dễ tiếp cận với thế giới, nhưng thực tế cho thấy chưa có văn nghệ sĩ nào ở trong nước mà nhờ những cái tên mang yếu tố nước ngoài lại có thể khẳng định được tài năng của mình bên ngoài biên giới quốc gia.

Không chỉ trong đời sống văn học nghệ thuật mà trong đời sống xã hội hiện nay, việc sính ngoại về ngôn ngữ cũng khá phổ biến. Đi trên đường phố ai cũng dễ dàng nhìn thấy những bảng hiệu nửa tây, nửa ta của các công ty, cửa hàng treo nhan nhản. Cả tiếng Việt sử dụng thường ngày như một cửa hàng nào đó sắp khai trương lại được treo bảng thông báo bằng tiếng Anh thành “open soon”, hoặc “giảm giá” thành “sale off”, “giảm giá mạnh” thành “crazy sale”, rồi những “công viên nước” thành “water park”, “trang điểm” nói rằng “make up”,… Ngoại trừ những từ tiếng Việt không có hoặc diễn đạt dài dòng bằng tiếng Việt như SOS, MC, DJ, chat, showbiz hoặc lệnh future (lệnh giao dịch tương lai), switch (thiết bị chuyển mạch)… thì nhiều từ tương đương vốn có trong tiếng Việt, lại ngắn gọn, nhưng không ít người vẫn thích sử dụng tiếng Anh.

Trong ngôn ngữ đời thường, một số từ tiếng Anh xâm nhập và dần biến hóa thành quen thuộc như một cách làm giàu có thêm tiếng Việt là còn có thể hiểu được, nhưng việc các bút danh, nghệ danh nửa tây nửa ta gần đây xuất hiện nhiều, lại được các cơ quan quản lý văn hóa chấp nhận cho đăng tải, trình bày chính thức trên các ấn phẩm hoặc biểu diễn trên sân khấu, truyền hình, phát thanh là điều phải xem lại. Yêu quý, gìn giữ sự trong sáng và vẻ đẹp của tiếng mẹ đẻ hãy bắt đầu từ việc loại trừ cái tên khó nghe.

Giữ gìn tiếng mẹ đẻ luôn là nỗi ưu tư của bao thế hệ người yêu nước mình, mà tiêu biểu là nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, khi sinh thời ông đã phải thốt lên: “Tôi thực sự đau lòng khi thấy sinh viên ngày càng yếu kém tiếng mẹ đẻ. Trong nhà trường hiện nay người ta đang dạy ngữ pháp tiếng Pháp với ví dụ Việt, chứ không phải tiếng Việt. Nếu cứ dạy như thế thì chỉ làm thầy và trò ngày càng ghét tiếng Việt. Tiếng Việt tinh tế lắm, đừng làm hỏng nó”.

“Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Tiếng mẹ đẻ thật giản dị, mềm mại và sang trọng như câu thơ của Lưu Quang Vũ. Tiếng Việt tinh tế và gần gũi như cơm ăn nước uống hàng ngày. Và chỉ cái tên mỗi người được cất lên, chúng ta cũng có thể hiểu phần nào họ từ đâu đến và họ có tư cách ra sao trong cuộc sống này. Cái tên cũng là cái gốc con người, như tiếng Việt là nền tảng bản sắc văn hóa Việt.

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục