Nửa thế kỷ tiếng hát Lệ Thủy

Nửa thế kỷ tiếng hát Lệ Thủy

Tối 31-3, tại Nhà hát Bến Thành, TPHCM sẽ diễn ra live show Nửa thế kỷ tiếng hát Lệ Thủy. Đây cũng là live show cuối cùng mà NSƯT Lệ Thủy làm riêng cho mình. Dịp này, PV Báo SGGP có cuộc trò chuyện cùng nữ nghệ sĩ tài hoa này.

NSƯT Lệ Thủy (trái) và NSƯT Minh Vương trong vở cải lương “Lá sầu riêng”.

NSƯT Lệ Thủy (trái) và NSƯT Minh Vương trong vở cải lương “Lá sầu riêng”.

- PV: Ở chương trình này, chị sẽ giới thiệu đến khán giả mộ điệu những gì?

NSƯT LỆ THỦY: Tôi sẽ hát liên khúc khoảng 20 phút gồm một số bài hát, ca trích trong những vở tuồng đã từng góp phần tạo nên tên tuổi của Lệ Thủy trong suốt thời gian qua, như: Cô gái bán sầu riêng, Kiếp nào có yêu nhau, Lan và Điệp, Áo cưới trước cổng chùa, Những vì sao không tên. Sau đó, tôi sẽ hát trích đoạn Tô Ánh Nguyệt, đoạn mà Nguyệt trao con lại, hát cùng NSƯT Minh Vương và NSƯT Thoại Miêu. Dịp này tôi cũng đặt tác giả Hoàng Song Việt viết một kịch bản ngắn hoàn toàn mới là Cội nguồn yêu thương nói về một số nghệ sĩ sống ở nước ngoài sau hơn 20 năm về thăm quê… và phần cuối diễn vở Sông dài cùng NSƯT Thành Lộc, nghệ sĩ Tuấn Thanh, Lê Văn Gàn…

- Hiện nay có người cho rằng cải lương kém hấp dẫn hơn trước là do thiếu sự đầu tư và nhiều nghệ sĩ cải lương ngại khó khăn, sợ vất vả trong việc đi tìm cái mới – sáng tạo mới, chị nghĩ sao về điều này?

Đó cũng là một điều rất đáng buồn của cải lương. Nhớ hồi trước, khi làm một vở cải lương, thầy tuồng, đạo diễn và diễn viên luôn có sự bàn bạc rất kỹ, cảnh nào cần viết thêm, cảnh nào cần cắt ngắn… cho nên khi ra mắt, vở diễn không thấy có những cảnh dư thừa. Còn sau này, có khi tác giả viết xong vở tuồng, đạo diễn đưa lên sàn tập và diễn viên cứ tập hoài vẫn thấy ca diễn chưa hay, một phần là do thiếu sự đối thoại cần thiết. Chưa kể, một số nghệ sĩ cải lương có cái tôi rất lớn nên bao giờ cũng tự cho rằng mình là số một, không có sự chia sẻ nhường nhịn, thiếu đoàn kết, vì vậy rất khó lòng tạo ra một tác phẩm cải lương hấp dẫn. Trong khi đó, tôi thấy các diễn viên kịch lại rất đoàn kết và nghiêm túc trong tập luyện. Điều này nghệ sĩ cải lương cần phải học hỏi, rút kinh nghiệm!

- Nếu xem lại các vở tuồng trước đây, công chúng luôn nhận thấy cải lương chứa đựng đầy đủ cung bậc cảm xúc, còn bây giờ sao thấy cứ nhàn nhạt – ca là chính…

Hồi đó, nếu một nghệ sĩ đóng kép độc thì phải dữ dằn lên, chứ không được ca vọng cổ nhiều. Còn bây giờ, có nghệ sĩ lại năn nỉ, thôi đoạn cuối cho em ăn năn, em ca vọng cổ… Vậy là vai diễn đã bị làm chệch đi, không còn đủ sức ác như lúc đầu. Một số vai diễn khác cũng thế! Chính kiểu làm việc vị nể nhau như thế mà sau một thời gian đã vô hình trung kéo nhau xuống mức cùng dở đều.

- Nếu bây giờ cải lương được đầu tư, tác giả viết kịch bản theo kiểu “đo ni đóng giày” cho nghệ sĩ, liệu có thể thu hút công chúng?

Nếu có xã hội hóa thực hiện được thì may ra. Còn sân khấu công lập thì rất khó lòng làm hấp dẫn công chúng. Tại sao ư? Tôi nghĩ, với sân khấu xã hội hóa, “bầu” bỏ tiền ra đầu tư thì nhất thiết phải làm sao thu hút khán giả đến xem để thu hồi vốn mới mong có thể tái đầu tư vở diễn khác. Trong khi đó đơn vị công lập có sự hỗ trợ của nhà nước nên khi đầu tư vở diễn, chuyện lời hay lỗ, cũng vẫn không có gì thay đổi. Bao năm rồi vẫn vậy!

- Có người cho rằng, hiện nay sân khấu cải lương đang cạn nguồn tài năng trẻ, hiếm có giọng ca hay nên khó lòng “sốc” dậy cải lương, chị nghĩ sao?

Hiện nay tôi thấy sân khấu cải lương đang có rất nhiều giọng ca trẻ hát hay đó chứ. Tuy nhiên, chỉ giọng ca không chưa đủ mà đòi hỏi những tài năng đó nhất thiết phải học kỹ thuật biểu diễn thì mới mong phát triển được nghề nghiệp. Theo kinh nghiệm của tôi cũng như nhiều anh chị em đi trước, chính sân khấu sàn diễn, vai diễn, vở diễn mới có thể giúp cho các nghệ sĩ tỏa sáng để khán giả nhớ mãi. Bởi khi được luyện tập các vai diễn trên sàn diễn, nghệ sĩ sẽ được rèn luyện và trưởng thành rất nhiều. Đó mới là làm nghệ thuật cải lương đích thực.

- Còn cuốn hồi ký Nghiệp cầm ca mà chị bắt tay thực hiện suốt mấy năm qua dự định khi nào ra mắt công chúng?

Tôi đã viết xong rồi, nhưng chưa sắp xếp lại đúng trình tự thời gian của các câu chuyện nên chắc còn phải mất thêm một thời gian nữa mới có thể hoàn tất. Trong đó, tôi viết về nghề đi hát, những chuyện vui buồn về nghề nghiệp, về cuộc đời… Tuy nhiên tôi còn do dự, liệu có nên công bố cuốn hồi ký Kiếp cầm ca vào lúc này hay không. Chắc là một vài năm nữa tôi mới công bố ra mắt hồi ký này.

Đỗ Hạnh (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục