Nước Anh “nóng” với người nhập cư

Nhiều nước châu Âu đang đối phó với làn sóng người nhập cư tăng cao, nhất là từ các nước Bắc Phi. Do đó, dù muốn hay không, các nước thành viên EU đang có nhiều biện pháp hạn chế những di dân không có kỹ năng và không thông thạo ngôn ngữ của nước họ. Anh là một trong số đó.

Báo chí tại Anh ngày 15-4 nóng lên với bài phát biểu gây tranh cãi của Thủ tướng David Cameron về chính sách với dân nhập cư. Điều đáng nói là bài diễn văn này diễn ra trong bối cảnh nước Anh hiện nay đa dạng về sắc tộc hơn hẳn cách đây 20 năm. Ông Cameron nói: “Có một số đáng kể những người mới đến các khu vực (ở nước Anh), họ không thể nói ngôn ngữ của những người sống ở đó và cũng không sẵn sàng hoặc thậm chí không muốn hòa nhập vào cộng đồng”.

Báo Telegraph dẫn lời Thủ tướng Cameron cho rằng ông sẽ ngăn chặn vấn đề di dân từ chối học tiếng Anh và lợi dụng hệ thống kết hôn của Anh để vào định cư. Ông Cameron cáo buộc chính phủ tiền nhiệm của Công đảng đã chia rẽ cộng đồng, tạo điều kiện cho các đảng phái cực đoan nở rộ nhưng lại không kiểm soát dòng người nhập cư vào Anh. Ông cũng cho rằng hệ thống an sinh xã hội tại Anh hiện nay chi trả cho những người Anh không chịu làm việc, trong khi đó lại cho phép di dân lấp vào khoảng trống việc làm.

Lập tức, bài diễn văn này bị chỉ trích mạnh mẽ, thậm chí ngay cả trong hàng ngũ chính phủ liên minh của ông Cameron. Bộ trưởng Kinh tế Anh Vince Cable, thuộc đảng Dân chủ Tự do, cho rằng những đánh giá của Thủ tướng Cameron có thể châm ngòi cho chủ nghĩa cực đoan. Ông cho rằng đó là một lời nói “không khôn ngoan”. Theo ông Cable, việc cắt giảm hàng trăm ngàn di dân vào Anh xuống còn hàng chục ngàn không phải là chính sách của chính phủ liên minh mà chỉ là chính sách của riêng đảng Bảo thủ.

Trong một bài diễn văn hồi tháng 2, Thủ tướng Anh Cameron cũng từng lên tiếng rằng “người Hồi giáo sống trong các nền văn hóa khác nhau, không đoàn kết và tách khỏi cuộc sống của người Anh chính thống”. Báo Christian Science Monitor nhận định: Sau Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, đến lượt Thủ tướng Anh muốn dùng lá bài di dân để tranh thủ lá phiếu của những người chống nhập cư vốn đang tăng cao trong bối cảnh người bản xứ vật lộn để tìm việc làm.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, thực trạng người nhập cư không thực sự hòa nhập với cộng đồng cũng có trách nhiệm từ phía các chính phủ. Họ cần tạo ra nhiều việc làm cho cả người bản xứ và dân nhập cư. Mặc khác, theo ông Chaudhry, chủ tịch và nhà sáng lập Mạng lưới Phát triển Kinh doanh châu Á,  do cắt giảm chi tiêu công tỏ ra bế tắc nên lãnh đạo Anh chuyển sang kiểm soát di dân để làm hài lòng các cử tri. Giải quyết vấn đề di dân không hoàn toàn đơn giản, nó có thể khiến cộng đồng thiểu số tại các nước này cảm thấy bị đối xử như công dân hạng hai. Nhiều cuộc biểu tình bạo động tại Pháp những năm vừa qua đều bắt nguồn từ các biện pháp cắt giảm quyền lợi cho những sắc dân thiểu số.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục