Nước mắm Phan Thiết loay hoay tồn tại

Là một trong những thương hiệu đặc trưng của tỉnh Bình Thuận được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng hiện nay nước mắm truyền thống Phan Thiết đang phải loay hoay, chật vật tìm cách tồn tại.
Nước mắm Phan Thiết loay hoay tồn tại

Là một trong những thương hiệu đặc trưng của tỉnh Bình Thuận được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng hiện nay nước mắm truyền thống Phan Thiết đang phải loay hoay, chật vật tìm cách tồn tại.

Trên địa bàn TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) có hơn 100 cơ sở chế biến nước mắm theo phương thức truyền thống, cung cấp hàng triệu lít nước mắm cho thị trường mỗi năm. Vậy nhưng chưa có năm nào như năm nay, nguồn cá cơm làm nước mắm đang thiếu hụt trầm trọng. Dù hiện đang vào vụ cá Nam nhưng các cơ sở chế biến nước mắm phải chạy ngược xuôi tìm nguồn nguyên liệu nhưng chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Theo Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, nếu năm 2012, các thành viên của đơn vị này chế biến trung bình khoảng 15.000 tấn cá cơm/năm, đến năm 2015 năng suất chỉ còn 10.000 tấn/năm và ở thời điểm hiện tại, nhiều cơ sở chưa có ký cá cơm nào để làm mắm. Vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu nên giá cá cơm hiện đang ở mức rất cao. Chủ cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm Mười Tiếp (phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết) chia sẻ: “Năm ngoái giá cá cơm chỉ ở mức 5.500 đồng/kg, còn năm nay đã lên đến 9.000 đồng/kg cũng không có để mua. Với giá này, người làm nước mắm sẽ không có lời”.

Không chỉ vậy, việc các nhà máy chế biến bột cá xuất hiện ồ ạt trong thời gian qua ở TP Phan Thiết và các vùng phụ cận của tỉnh Bình Thuận khiến nguồn nguyên liệu cá cơm vốn đã ít, nay đang có nguy cơ bị cạn kiệt. Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, cho biết: “Cá gì họ (các nhà máy bột cá - PV) cũng tranh mua để xay làm bột được, dù cá to hay nhỏ. Nhiều khi họ để sẵn máy xay ngay trên cảng cá, khi ngư dân đánh bắt về là họ mua mão tất cả rồi bỏ vào máy xay tại chỗ, sau đó đóng bao đưa về nhà máy chế biến tiếp. Khi chúng tôi đến thu cá cơm thì nhiều ngư dân nói đã bán tất cả cho nhà máy vì họ không chọn lựa cá lớn, nhỏ hay phân biệt cá ươn, tươi gì hết, rất tiện”.

Nghề làm nước mắm truyền thống trên cả nước nói chung cũng đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều “đại gia” trong lĩnh vực chế biến nước chấm đóng chai tiện dụng, có mẫu mã bắt mắt. Không những vậy, nhiều cơ sở nước mắm truyền thống ở Phan Thiết lại phải làm thuê cho chính các “đại gia” nước mắm. Hiện Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết có 44 thành viên, nhưng năm nay chỉ khoảng 6-7 cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống đưa ra thị trường, còn lại hầu hết chỉ chế biến cá trộn (cá cơm trộn muối rồi đem ủ), sau đó bán lại cho các doanh nghiệp chế biến nước mắm công nghiệp lớn.

Theo ông Trương Quang Hiến, việc cần làm ngay hiện nay là phải tuyên truyền đến các ngư dân hạn chế đánh bắt hải sản theo hình thức triệt hạ để bảo tồn nguồn lợi thủy hải sản, trong đó có cá cơm. Đồng thời, tỉnh Bình Thuận cũng cần xem xét lại việc cấp phép, quản lý các cơ sở sản xuất bột cá; cần quy định cụ thể những loài hải sản nào mới được xay làm bột cá, chứ không thể cái gì cũng xay được. Chỉ khi nguồn nguyên liệu dồi dào, giá thành rẻ thì nghề làm nước mắm mới có cơ hội phát triển bền vững. Một khó khăn hiện nay là hội viên của Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết đều là những cơ sở nhỏ và vừa, cung cách làm ăn manh mún, nhỏ lẻ. Do đó, quan hệ giữa các hội viên chưa thực sự đoàn kết, dẫn đến sức cạnh tranh thị trường còn yếu, phát triển không bền vững. Vì vậy, các cơ sở sản xuất nước mắm cần phải liên kết, cùng có tiếng nói, tương trợ lẫn nhau thì mới có thể tồn tại.

Song song đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước; giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để tái đầu tư sản xuất. Riêng các cơ sở sản xuất nước mắm tại Phan Thiết, việc quan trọng nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là tham gia đăng ký chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Nước mắm Phan Thiết”.

NGUYỄN TIẾN

Nước mắm Phan Thiết loay hoay tồn tại ảnh 2

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục