Chiều 24-7, 12 thuyền viên bị hải tặc Somalia bắt cóc đã về tới Việt Nam sau hơn 18 tháng ròng bị giam cầm nơi xứ người. Ngay khi vừa đặt chân tới sân bay Nội Bài, họ ngất lịm, khóc nấc lên khi gặp lại người thân.
Gần 16 giờ, chuyến bay từ Bangkok (Thái Lan) đưa 12 thuyền viên về tới sân bay Nội Bài. Các thuyền viên nhanh chóng làm thủ tục, nhận lại hành trang để trở ra tiền sảnh gặp người thân, họ hàng đang nóng lòng chờ đợi.
Lần lượt 12 chàng trai trở về với vòng tay của người thân. Riêng Lưu Đình Sơn, ở xã Thạch Ngân, huyện Con Cuông (Nghệ An) vừa ra tới cửa là mượn ngay điện thoại gọi về cho mẹ. Do quá mệt và xúc động, các anh không thể nói được lời nào. Hầu như đều từ chối trả lời câu hỏi của các nhà báo. Bùi Văn Hóa cũng như Hồ Xuân Hương đều chỉ nói được một câu: “Ở bên đó, chúng em sợ lắm, chỉ mong từng ngày được trở về”.
Để đón các thuyền viên trở về từ tay cướp biển, cánh nhà báo đã có mặt ở sân bay Nội Bài từ 14 giờ ngày 24-7. Tuy nhiên, những người thân của các thuyền viên còn đợi ở đây suốt một ngày trời trước đó. Mỗi người có một câu chuyện chứa đầy nước mắt và sự mỏi mòn, lo lắng cho số phận những đứa con trai của mình.
Ông Hồ Xuân Ngữ kể rằng, cha con ông cách đây 3 năm vẫn cùng nhau đi biển. Nhưng vì gia cảnh khó khăn, vợ chồng ông đã vay mượn cho Hương tham gia xuất khẩu lao động vào tháng 11-2009. Sau khi sang tới Đài Loan (Trung Quốc), Hương lên tàu đánh cá mập ở khu vực Ấn Độ Dương. Ở trên tàu được 1 năm thì bị hải tặc bắt giữ và giam cầm cho tới nay là 18 tháng. Vậy là một năm rưỡi liền ông bà ăn không đặng ngủ không xong vì nghe tin con rơi vào tay cướp biển. Kẻ nơi xứ người lo sợ, người ở quê nhà cũng đau như cắt. Tuy nhiên ngày ngày, ông vẫn phải ra khơi để đánh cá lo trả nợ. Hôm kia, khi đang dong tàu ra cảng Lạch Quèn bán cá thì bà vợ ông chạy ra thông tin con trai sắp trở về. Ông vứt luôn 3 - 4 tấn cá tại cảng, ngay trong đêm nhảy tàu lên Hà Nội.
Có mặt tại sân bay Nội Bài đón nhóm thuyền viên trở về, ông Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng phòng Quản lý lao động, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) cho biết, ngay sau khi đón 12 lao động trở về Việt Nam, các công ty đã có kế hoạch hỗ trợ cho mỗi lao động 1 triệu đồng và quà để các lao động về quê. Sau đó, các công ty sẽ tổ chức thanh lý hợp đồng cho các lao động. Ngoài ra, trong thời gian các lao động bị hải tặc bắt, các công ty vẫn chi trả lương đầy đủ cho thuyền viên. Khoản lương trả sẽ do các công ty và đối tác sử dụng lao động ở Đài Loan thỏa thuận. Trước mắt, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ đạo các doanh nghiệp đưa thuyền viên đi Đài Loan phải ứng trả.
V.P.HẬU