Với 332 phiếu thuận và 94 phiếu chống, tối 12-12 (giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách 2 năm, kéo dài đến hết tháng 9-2015. Dự kiến, dự luật về ngân sách này sẽ được Thượng viện, do đảng Dân chủ kiểm soát, bỏ phiếu thông qua trong tuần tới trước khi nước Mỹ bước vào kỳ nghỉ dài nhân dịp Noel và năm mới 2014. Thỏa thuận ngân sách mang tính lịch sử này sẽ giúp chấm dứt tình trạng bế tắc liên quan đến ngân sách trong suốt vài năm gần đây, cũng như tránh cho công sở Chính phủ liên bang Mỹ phải đóng cửa lần thứ 2 vào giữa tháng 1-2014, trong khi vẫn giảm được thâm hụt ngân sách trong bối cảnh không tăng thuế.
Dự luật ngân sách vừa được Hạ viện thông qua ấn định trần chi tiêu ngân sách tài khóa 2014 là 1.012 tỷ USD và năm 2015 là 1.014 tỷ USD. Chi tiêu cho quân sự sẽ ở mức 520,5 tỷ USD và chi tiêu cho lĩnh vực phi quân sự khoảng 491,8 tỷ USD. Với dự thảo này, ngân sách của chính phủ liên bang tài khóa 2014, thực hiện từ ngày 1-10-2013, sẽ không bị tự động cắt giảm 85 tỷ USD, và mức thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ giảm 20 tỷ USD xuống còn 23 tỷ USD.
Ngân sách liên bang vừa thông qua sẽ đặt ra các mức chi tiêu Chính phủ Mỹ trong 2 năm tới, một bước đột phá so với việc thông qua ngân sách liên bang được đưa ra bàn thảo trong từng giai đoạn ngắn hạn khiến cho Chính phủ Mỹ luôn phập phồng trước viễn cảnh bị đóng cửa mà lần gần đây nhất là ngày 16-10 vừa qua. Việc bỏ phiếu thông qua ngân sách được giới quan sát nhận định là khá dễ dàng bất chấp sự phản đối của các nhóm chính trị bảo thủ, cho rằng việc thông qua này vi phạm mục tiêu cốt lõi nhất là cắt giảm chi tiêu công.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Paul Ryan nhấn mạnh việc thông qua dự thảo ngân sách trên là dấu hiệu tích cực góp phần xoa dịu những bất đồng về chính sách tại Quốc hội cũng như giúp cho nước Mỹ tránh được các cuộc khủng hoảng chính trị mới. Nhà Trắng cũng ngay lập tức hoan nghênh động thái trên, cho rằng đây là một “bước đi tích cực”, góp phần thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới này.
Theo WSAU, thỏa thuận cũng kết thúc 3 năm “chiến tranh đảng phái” trong Quốc hội Mỹ xoay quanh các vấn đề như chi tiêu chính phủ, các loại thuế cũng như dự luật chăm sóc y tế toàn diện của Tổng thống Obama khiến cho nước Mỹ 2 lần chạm bờ vực vỡ nợ. Mặc dù không bao gồm mọi thứ mà Tổng thống B.Obama mong muốn, nhưng thỏa thuận này đánh dấu một thời khắc quan trọng của sự hợp tác lưỡng đảng. Sự kiện này là chiến thắng dành cho Chủ tịch Hạ viện John Boehner vốn luôn bị cánh chính trị bảo thủ Tea Party tại Hạ viện chỉ trích. Tuy nhiên, phát biểu sau khi thỏa thuận ngân sách được thông qua, ông Boehner tuyên bố kết quả này chưa phải là mục tiêu cuối cùng và rằng “chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết nợ nần và thâm hụt ngân sách mặc dù thỏa thuận này là một bước tiến rất tích cực theo chiều hướng này”. Theo giới quan sát, việc hợp tác giữa 2 đảng trong Quốc hội sẽ bị thách thức vào đầu năm 2014, khi Quốc hội cần phải nâng nợ trần công của liên bang. Việc thông qua nợ trần công này sẽ gây ra áp lực rất lớn đối với các nghị sĩ của đảng Cộng hòa vốn đang yêu cầu Chính phủ Mỹ cắt giảm chi tiêu công triệt để hơn nữa.
HẠNH CHI