Nước Nga ngày nay rất khác với một nước Nga của những năm 1991 - 1998. Từ năm 2000 đến nay, kinh tế Nga đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong giai đoạn 2000 - 2008, từ quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 22 thế giới, Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới (nền kinh tế lớn thứ 9 vào năm 2011) với mức tăng trưởng GDP bình quân 7%. Số người sống dưới mức nghèo khổ đã giảm xuống còn 14% trong năm 2008, tầng lớp trung lưu tăng 7 lần… Theo số liệu chính thức, GDP của Nga năm 2011 tăng 4,2% và Nga trở thành nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Chính phủ qua từng thời kỳ của Nga đã thật sự có những bước tiến dài giúp “người khổng lồ tỉnh giấc”.
Người dân hài lòng
Có được những thành quả nêu trên là nhờ những chính sách phát triển kinh tế hợp lý của Chính phủ Nga. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 7-5 vừa qua, Tổng thống Putin đã ký một loạt sắc lệnh liên quan đến các phương hướng chủ chốt phát triển đất nước. Trong sắc lệnh “Về chính sách kinh tế dài hạn của chính phủ”, Tổng thống Putin yêu cầu chính phủ mới do Thủ tướng Dmitry Medvedev đứng đầu đạt được chỉ số tăng trưởng kinh tế ấn tượng hơn.
Theo đó, đến năm 2020 phải tạo ra và 25 triệu việc làm có năng suất cao, đến năm 2015 tăng trưởng khối lượng đầu tư đạt không dưới 25% GDP, tăng hơn 30% thị phần sản phẩm các ngành kinh tế công nghệ cao và khoa học chuyên sâu trong GDP vào năm 2018 và đến thời điểm này tăng năng suất lao động lên 1,5 lần. Ông Putin cũng đặt ra cho đất nước nhiệm vụ phải tạo bước đột phá để đến năm 2018, Nga vươn lên thứ 20 từ vị trí 120 hiện nay trong bảng xếp hạng tín nhiệm của Ngân hàng Thế giới về các điều kiện kinh doanh.
Một sắc lệnh khác đề cập đến chính sách xã hội, trong đó yêu cầu chính phủ phải bảo đảm đến năm 2018 tiền lương thực tế tăng 1,4 - 1,5 lần, trong đó đối tượng được tăng lương nhiều nhất thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế. Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý Nga phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng trong những năm tới và sự phát triển của nền kinh tế này vẫn là nhiệm vụ trung tâm của đất nước. Khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống 4 năm trước, ông Dmitry Medvedev đã nhấn mạnh rằng những vấn đề chính của Nga là hiệu quả sản xuất thấp và sự phụ thuộc quá lớn vào các nguồn nguyên liệu thô.
Hãng Ria-Novosti dẫn kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu dư luận công (Nga) thực hiện vào tháng 4-2012 cho biết 82% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Con số này đã vượt kỷ lục hồi tháng 3-2008 với 77% cho biết họ hài lòng với cuộc sống tại Nga. Đa phần những người hài lòng cho biết họ cảm thấy hạnh phúc bởi họ tin vào tương lai phát triển của đất nước, ổn định của xã hội và mức thu nhập đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Chỉ có 13% số người được hỏi cho biết họ không hạnh phúc.
Tăng cường quốc phòng
Trong bức điện chúc mừng nhân Ngày quân khí, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng phát triển và hiện đại hóa tổ hợp quân sự - công nghiệp là ưu tiên quốc gia quan trọng nhất. Điện mừng của ông Putin nêu rõ: “Ngày nay, phát triển và hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng là ưu tiên quốc gia quan trọng nhất.
Trong số nhiệm vụ đáng kể về lĩnh vực này có việc đào tạo các nhân viên trình độ cao, phát triển công nghệ tiên tiến và đưa vào áp dụng trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp quốc phòng. Tôi tin tưởng rằng, dựa trên những kinh nghiệm rộng lớn của người tiền nhiệm, tính chuyên nghiệp của các nhà khoa học, các kỹ sư và chuyên gia, chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu đặt ra. Quân đội Nga sẽ được cung cấp những loại vũ khí hiện đại nhất, và đất nước chúng ta sẽ tăng cường vị thế trên thị trường vũ khí quốc tế”.
Đã nhiều lần Mátxcơva cảnh báo phương Tây cố gắng làm suy yếu và ngăn cản sự phát triển của Nga. Hôm 17-9 vừa qua, Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ quan ngại về việc Mỹ tuyên bố sẽ triển khai thêm trạm radar phòng thủ tên lửa X-band thứ 2 ở Nhật Bản, đồng thời kêu gọi Washington không làm phương hại lợi ích an ninh của các quốc gia khác.
Trong khi đó, NATO vẫn tiếp tục xúc tiến kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở các quốc gia châu Âu gần biên giới với Nga. Mặt khác, những sự kiện đã và đang diễn ra tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Tây Nam Á cho thấy phương Tây đang tìm cách hiện diện ở khu vực sườn phía Tây - Nam của Nga.
Trong bối cảnh đó, Nga đã và đang triển khai những kế hoạch hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Theo Đài Tiếng nói nước Nga, mùa thu này sẽ là thời điểm bước ngoặt đối với hải quân Nga. Theo đó, đến năm 2016, vũ khí và trang thiết bị hiện đại trong lực lượng hải quân Nga sẽ chiếm tỷ lệ 30% và tăng lên 70% vào năm 2020. Đến năm 2020, hải quân Nga sẽ được bổ sung 51 tàu chiến trên mặt nước, 16 tàu ngầm đa chức năng và 8 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa lớp Borei, với tổng chi phí 141 tỷ USD.
Về không quân, từ năm 2013, chiến đấu cơ Su-35 được trang bị những động cơ lớn 117C và radar siêu mạnh Irbis-E với tầm phát hiện mục tiêu trên không cách xa tới 400km sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt và sau năm 2015, Không quân Nga sẽ tiếp nhận các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 T-50. Tên lửa hành trình chiến lược của Nga có tầm bắn hơn 5.000km có thể được bố trí trên máy bay ném bom và các tàu chiến. Loại tên lửa mới sẽ thay thế cho các tên lửa X-55 của Liên Xô trước đây, hiện là thành phần trang bị của máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và Tu-160. Hiện nay, Không quân Nga có 63 máy bay ném bom tầm xa Tu-95MS và 13 chiếc phản lực siêu thanh Tu-160.
Ngoài ra, Nga cũng sở hữu vài chục máy bay ném bom hạng trung Tu-22M3 đang được nâng cấp bằng cách cải tiến thiết bị vô tuyến điện tử và mở rộng phạm vi hiệu lực của các loại vũ khí được trang bị. Đồng thời, Nga đang triển khai việc sản xuất và đưa vào trực chiến loại máy bay ném bom tầm xa mới, được đặt tên là tổ hợp hàng không tiềm năng tầm xa (PAKDA).
Đỗ Cao (tổng hợp)