Nước Pháp để tang

Ngày 8-1 là ngày quốc tang ở Pháp nhằm tưởng niệm 12 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng tại Tạp chí Charlie Hebdo. Cùng ngày, tại Porte de Chatillon, ngoại ô Paris, một kẻ mặc áo chống đạn đã nã súng làm 1 cảnh sát bị thương, 1 người thiệt mạng.
Nước Pháp để tang

Ngày 8-1 là ngày quốc tang ở Pháp nhằm tưởng niệm 12 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng tại Tạp chí Charlie Hebdo. Cùng ngày, tại Porte de Chatillon, ngoại ô Paris, một kẻ mặc áo chống đạn đã nã súng làm 1 cảnh sát bị thương, 1 người thiệt mạng.

Lời đe dọa thành sự thật

Ngay sau vụ ở Porte de Chatillon, xảy ra một vụ nổ tại nhà hàng ở Villefranche-sur-Saone, miền Đông nước Pháp khiến nhiều công trình xung quanh rung chuyển. Chưa có báo cáo thương vong và thiệt hại. Một vụ nổ tiếp theo xảy ra tại đền thờ Hồi giáo ở thành phố Le Mans nhưng không có ai bị thương. Một vụ tấn công khác nhằm vào đền thờ của người Hồi giáo tại Port-la-Nouvelle gần Narbonne, miền Nam nước Pháp.

Trở lại vụ tấn công Tạp chí Charlie Hebdo, ngày 8-1, Hamyd Mourad, 18 tuổi, một trong 3 nghi can đã ra đầu thú trước cảnh sát. Đã có tổng cộng 7 người bị cảnh sát Pháp bắt giữ để phục vụ cho công tác điều tra.

“Je Suis Charlie” (Tôi là Charlie).

Cả 3 nghi phạm thực hiện vụ tấn công là người Pháp gốc Algeria, có độ tuổi 18, 32 và 34. 2 nghi phạm còn lại là 2 anh em, Said Kouachi và Cherif Kouachi. Cherif Kouachi từng bị xét xử hồi 2008 do giúp các tay súng tới Iraq và bị kết án 18 tháng tù. Cảnh sát đã công bố hình ảnh và phát lệnh truy nã hai anh em nhà Kouachi. Có thông tin cho rằng cả 3 nghi phạm đã từng được nhóm al-Qaeda tại bán đảo Ảrập ở Yemen huấn luyện với mục đích thực hiện các vụ ám sát. Corrine Rey, nữ họa sĩ vẽ tranh biếm họa, người đã sống sót trong vụ tấn công cho biết 3 nghi phạm nói tiếng Pháp rất tốt và khẳng định chúng là những tay súng al-Qaeda.

Chiều cùng ngày, hai nghi phạm được xác định là đang ở Villers-Cotterets, Aisne, Picardie, phía Bắc nước Pháp, trên một chiếc Renault Clio màu xám sau khi cướp một trạm xăng tại khu vực này. Cảnh sát Pháp hiện đang bố ráp tại Villers-Cotterets để truy lùng hai nghi phạm.

Luật sư của Charlie Hebdo, Richard Malka xác nhận, số phát hành tuần tới của tờ báo sẽ được tung ra vào thứ tư tuần sau với số lượng 1 triệu bản, thay vì 60.000 bản như thường lệ.

 

4 trong số 12 nạn nhân của vụ tấn công là họa sĩ tranh biếm họa tại Charlie Hebdo. Trong đó có Stephane Charbonnier, 47 tuổi, Giám đốc xuất bản kiêm họa sĩ chính của tạp chí, bút danh Charb. Từ năm 2011, ông bị al-Qaeda xếp vào danh sách “đen” vì những hình vẽ châm biếm đấng tiên tri Mohammed. Charbonnier luôn tỏ ra can đảm, không sợ bị trả thù. “Tôi thà chết còn hơn sống như một con chuột” và “thà chết đứng còn hơn là sống mà phải quỵ lụy”, Charbonnier từng nói.

 

Tuy đã tăng cường an ninh tối đa tại các khu vực công cộng nhưng người Pháp vẫn lo ngại bị tấn công từ cộng đồng người Hồi giáo sinh sống trên nước Pháp. Năm ngoái, giới an ninh Pháp đã phá nhiều âm mưu tấn công khủng bố tại Creteil, Nice, Lille và Paris. Các nghi phạm đều trở về từ Syria và Iraq.

Vụ tấn công mới nhất ở Pháp cho thấy lời đe dọa tấn công của những tay súng tham gia các lực lượng khủng bố, trong đó tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là có thật. Hơn 2.000 tay súng châu Âu, trong đó có Pháp, đã tham gia các cuộc thánh chiến tại Syria và Iraq. Hầu hết những tay súng này đều mang tâm lý trả thù khi quay về đất nước mình. Vào cuối năm 2014, IS liên tục cho phát các đoạn clip trong đó có con tin người Pháp, đồng thời đe dọa sẽ tấn công Pháp và các nước châu Âu.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố phối hợp với lực lượng thực thi pháp luật của Pháp để mở rộng điều tra vụ tấn công trên. Dự kiến, ngày 19-1, Ngoại trưởng EU sẽ thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố sau vụ tấn công tại Paris.

Báo chí thế giới chia sẻ

Hơn 150.000 người đã tổ chức tuần hành phản đối vụ tấn công và tưởng niệm các nạn nhân ở Tạp chí Charlie Hebdo tại nhiều thành phố của Pháp và châu Âu. Người tham dự đeo hoặc giương cao khẩu hiệu mang dòng chữ “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie) nhằm thể hiện sự ủng hộ các nạn nhân cũng như quyết định của tờ báo về việc đăng tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ra tuyên bố cho rằng, đây là vụ tấn công khủng bố “man rợ và hèn hạ”. Một loạt các nhà lãnh đạo và quan chức khác trên thế giới cũng lên án vụ tấn công, trong đó có các nước Hồi giáo, Ảrập… Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo châu Âu cần ngăn chặn “Islamophobia”- hành động bài người Hồi giáo đang nổi lên trong thời gian gần đây để tránh thái độ bất mãn trong cộng đồng này.

Theo trang Poynter Online, 60 trang báo trên thế giới đã đổi trang bìa theo phong cách biếm họa hoặc chuyển sang màu đen trắng để tưởng niệm các nạn nhân. Tờ Berlingske của Đan Mạch đăng tải lại toàn bộ các bức tranh biếm họa của Charlie Hebdo.
 

THANH HẰNG (tổng hợp)

Kẻ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo phải bị trừng trị thích đáng

* Lãnh đạo TPHCM chia buồn

(SGGP).- Ngày 8-1, tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Paris, Pháp ngày 7-1, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:

“Việt Nam lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức và cho rằng vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Paris, ngày 7-1 là một hành động dã man, không thể chấp nhận được. Việt Nam xin gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Pháp và gia đình những người bị nạn và tin tưởng rằng những kẻ chủ mưu sẽ sớm bị trừng trị thích đáng. Ngày 8-1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có điện chia buồn và thăm hỏi gửi Tổng thống Pháp Francois Hollande; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có điện chia buồn, thăm hỏi gửi Thủ tướng Pháp Manuel Valls. Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng có điện chia buồn gửi Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius”.

* Ngày 8-1, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã đến Tổng lãnh sự quán Pháp tại TPHCM chia buồn về vụ tấn công tòa soạn Tạp chí Charlie Hebdo. Sổ tang có đoạn: “Chúng tôi tin tưởng rằng chính phủ và nhân dân Pháp sẽ đoàn kết vượt qua thời khắc đau thương này, tiếp tục xây dựng đất nước Pháp hòa bình, ổn định và phồn vinh”.

Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM, ông Emmanuel Ly-Batallan, gửi lời cám ơn đến lãnh đạo và nhân dân TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đã chia sẻ với Pháp; xem đây là niềm an ủi, động viên to lớn giúp Pháp vượt qua thời khắc khó khăn này.

THÀNH NAM - VĂN ĐỖ

>> Tấn công khủng bố ở Paris, 12 người chết

Tin cùng chuyên mục