Những ngày này, trái ngược với hình ảnh người người mua sắm, chuẩn bị đón tết tại các đô thị lớn là hàng ngàn người phải chen lấn tại các bến xe tìm tấm vé về quê. Cung không đủ cầu, các nhà xe đua nhau nhốt khách, chém khách. Tình trạng “té nước theo mưa” này giờ đây diễn ra thường xuyên hơn vào dịp lễ, tết, nhất là ở những đô thị lớn như TPHCM. Bất cập cho công tác quản lý đô thị cũng bắt đầu từ đây. Đó là sự quá tải triền miên, gần như không lối thoát của hệ thống giao thông. Khi cơ sở hạ tầng của một đô thị được xây dựng chỉ để phục vụ cho khoảng 3 triệu dân, nhưng phải thường xuyên “gánh” đến 8 triệu người, đã tạo bài toán khó tìm ra lời giải một cách căn cơ.
Đất lành thì chim đậu nên không thể dùng biện pháp hành chính ngăn cản người dân. Mới đây Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Công an về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú với mục tiêu không nhằm hạn chế việc nhập cư mà để quản lý dân cư, quản lý đô thị tốt hơn. Vấn đề đặt ra, cần giải pháp để người dân nông thôn “ly nông mà không ly hương”. Dù rằng, thời gian qua đã có nhiều chương trình tạo việc, dạy nghề được triển khai.
Tuy nhiên, khi nghề chưa thông thì những mảnh ruộng màu mỡ dần tuột khỏi tay họ. Tìm kế mưu sinh ở các đô thị lớn là một chọn lựa gần như duy nhất.
Do vậy, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần được triển khai nhanh chóng, đồng bộ với lộ trình cụ thể và khoa học, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương. Nếu không thì làn sóng di dân, sẽ tiếp tục gây áp lực trong việc quản lý đô thị, tạo cảnh lộn xộn ở đô thị, làm ùn tắc giao thông.
Điều này như ngọn lửa đã gần kề nhưng nước cứu vẫn xa.
Lộc Nam