Nuôi bò sữa: Từ đô thị về nông thôn

7 giải pháp phát triển chăn nuôi bò sữa
Nuôi bò sữa: Từ đô thị về nông thôn

Tại buổi hội thảo, giải pháp nâng cao thu nhập của người nuôi bò sữa do Cục Chăn nuôi của Bộ NN-PTNT phối hợp với Công ty FrieslandCampina và CLB Phóng viên kinh tế nông nghiệp TP tổ chức ở TPHCM, tiến sĩ Đỗ Kim Tuyên, chuyên gia Cục Chăn nuôi cho biết, bò sữa được nuôi ở Việt Nam khoảng 50 năm trước, khi Cuba viện trợ cho Việt Nam một số giống bò sữa nuôi ở các nông trường.

Dịch chuyển

Bò sữa Việt Nam chỉ thật sự phát triển khi được nuôi dạng hộ gia đình. Cho dù đàn bò sữa đến nay tập trung nhiều nhất vẫn ở phía Nam, nhất là TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Long An… song thời gian qua, sự tăng trưởng bò sữa các tỉnh phía Bắc lại khá sôi động. Cùng với dạng nuôi hộ nhỏ lẻ, quy mô nuôi trang trại hàng ngàn đến cả chục ngàn con đã được hình thành. Sau lần thất bại về sự nóng vội của việc nhập khẩu ồ ạt bò sữa đầu năm 2000, giờ đây cách nuôi bò sữa đã có sự thay đổi, thận trọng, bài bản hơn.

Đàn bò sữa của Công ty TNHH một thành viên Bò sữa TPHCM.

Đàn bò sữa của Công ty TNHH một thành viên Bò sữa TPHCM.

Số lượng bò sữa khu vực phía Bắc đang có sự tăng trưởng khá nóng so với phía Nam, nhất là năm 2010, nhập hàng chục ngàn con bò sữa từ Úc và New Zealand của Vinamilk và Công ty T&H ở Nghệ An. Vì vậy, theo Cục Chăn nuôi, năm 2010 sẽ có sự tăng trưởng nóng về đàn bò sữa cả nước, từ 115.000 con năm 2009 lên 145.000 con năm 2010. Trước đó, từ năm 2005 đến năm 2009 đàn bò sữa cả nước tăng chậm, có giai đoạn thoái trào, từ 106.000 con đến 115.000 con.

Nhưng với đàn bò sữa ở ngưỡng 80.000 con, TPHCM đã đạt trần, không thể tiếp tục tăng mãi vì đất nông nghiệp đang thu hẹp dần do đô thị hóa. Ngành nông nghiệp TP đã có kế hoạch chủ động giảm dần đàn bò sữa xuống còn 75.000 con năm 2015 và 70.000 con vào năm 2020 và nâng cao năng suất và sản lượng bò sữa. Từ khi hình thành vùng nguyên liệu đến nay, bò sữa TP đã có sự dịch chuyển từ quận Tân Bình, Gò Vấp và Thủ Đức ra huyện Hóc Môn (bao gồm cả quận 12 hiện nay) và giờ đây đã di chuyển và tập trung chủ yếu ở huyện Củ Chi với tổng đàn trên 41.000 con, chiếm hơn 50% tổng đàn bò sữa TP.

Nhưng vì tập trung quá nhiều, có xã đàn bò sữa đã lên trên 13.500 con như xã Tân Thạnh Đông nên có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường. Như vậy đàn bò sữa TPHCM giảm xuống nhưng sẽ tăng lên ở những địa phương khác. Thực tế đã và đang có sự dịch chuyển dần đàn bò sữa từ TPHCM ra các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Tây Ninh... Ngoài ra, theo TS Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện còn có xu hướng chuyển dịch đàn con giống bò sữa từ phía Nam, chủ yếu là TPHCM ra phía Bắc. Chỉ từ đầu năm đến nay đã có hơn 900 con bò sữa các loại dược đưa ra theo dạng này.

Nuôi bò sữa có lời nếu...

7 giải pháp phát triển chăn nuôi bò sữa

- Quy hoạch chi tiết và công bố vùng chăn nuôi lâu dài.
- Đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật: mô hình, chuồng trại giảm stress nhiệt, thú y…
- Mở rộng vùng trồng cỏ, chú ý cỏ họ đậu.
- Vốn vay để tăng đàn, mua sắm trang thiết bị.
- Giống: thông qua bình tuyển, gieo tinh cao sản.
- Khuyến khích doanh nghiệp sản xuất thức ăn bằng máy phối trộn TMR, nghiên cứu mô hình không sử dụng hèm bia.
- Xây dựng mô hình thức hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác…), quản lý toàn diện, thống nhất ý chí hành động với đối tác để có giá thức ăn hợp lý, giảm giá thành.

(Nguồn: Sở NN-PTNT TPHCM)  

Đàn bò sữa mới đáp ứng khoảng 22% nguyên liệu sữa chế biến của các nhà máy, khẩu phần sữa người Việt Nam. Dù có tăng lên thời gian qua nhưng còn thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… nên thị trường sữa nguyên liệu còn rất lớn. Dù không thể thay thế 100% nguyên liệu nhập khẩu, nhưng ít ra có thể nâng tỷ lệ này lên 40%. Như vậy đàn bò sữa còn có điều kiện phát triển.

Tuy nhiên, nói như vậy không phải ai và ở đâu nuôi bò sữa cũng có lời. Theo tiến sĩ Hoàng Kim Giao, tùy thuộc vào trình độ chuyên môn, khả năng quản lý của từng người.

Điều này phù hợp với khảo sát của Công ty FrieslandCampina Việt Nam (Bình Dương), giá thành nuôi bò sữa vùng đô thị (các quận ven TP) trên 8.200 đồng/kg và đô thị hóa (huyện Củ Chi, TPHCM; Thuận An, Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) hơn 7.500 đồng/kg; trong khi vùng nông thôn (Lâm Đồng, huyện Bến Cát tỉnh Bình Dương) dưới 5.900 đồng/kg và vùng bán nông thôn (Đức Hòa tỉnh Long An, Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh…) là hơn 6.660 đồng/kg.

Lợi thế gần thị trường của vùng chăn nuôi bò sữa vùng đô thị không còn. Như vậy, vùng đô thị hóa và đô thị ngày càng mất thế cạnh tranh khi lợi nhuận từ nuôi bò vùng nông thôn cao hơn 70% (1kg sữa lời khoảng 3.700 đồng) so với vùng đô thị hóa và đô thị.

Ít và nhiều

Theo Cục Chăn nuôi, do phần lớn nguồn nguyên liệu thức ăn tinh và các chất premix, vitamin…dùng trong chăn nuôi bò sữa phải nhập khẩu nên chi phí đầu vào bò sữa lớn, giá thành cao nên khả năng cạnh tranh giảm. TS Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn gia súc VN cho biết, giá thức ăn tinh các loại trong nước hiện nay ổn định ở mức cao và cao hơn các nước khu vực 15%-20%. Nhưng do hàm lượng đạm (protein) thức ăn chăn nuôi trong nước, nhất là thức ăn tinh cho bò sữa, chỉ đạt 13%-15% so với các nước 25% protein, nên sự chênh lệch này còn cao hơn.

Trong thế bất lợi đó, theo ông Raf Somers, Giám đốc Công ty Giải pháp chăn nuôi, yếu tố quan trọng nhất của một hộ chăn nuôi có lời là trồng cỏ và tự túc về cỏ. Vì bò ăn càng nhiều cỏ (không phải cỏ dại) càng cho nhiều sữa. Năng lượng duy trì của bò năng suất 5kg/ngày hoặc 20kg/ngày là giống nhau nếu trọng lượng của chúng bằng nhau.

Như vậy, với một lượng thức ăn nhất định đủ cho 7 con bò (với 5kg sữa/con/ngày) ăn thì 67% năng lượng để sống, chỉ có 33% để sản xuất sữa 35kg sữa/7con/ngày. Trong khi cũng với lượng thức ăn đó, chỉ 3 con bò (năng suất 20kg/con/ngày) thì 33% năng lượng để sống và 67% để sản xuất, lúc đó sản lượng sữa 3 con là 60kg/ngày. Như vậy phải biết sàng lọc đàn bò hiện có, chỉ giữ lại con bò sữa nào vắt được trung bình (tính cả chu kỳ) trên 15kg sữa/ngày trở lên. Những con còn lại cương quyết thải loại, để giảm bớt gánh nặng chi phí và cung cấp đủ dưỡng chất cho số còn lại. Chỉ những hộ nuôi mang tính chuyên nghiệp cao, toàn tâm với con bò sữa mới trụ lại.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục