Nuôi bướm để cứu rừng

Nuôi bướm để cứu rừng

Để cứu khu rừng Jozani quý hiếm ở đảo Zanzibar, người dân Tanzania đã bắt tay một vụ mùa mới - nuôi bướm. Rừng Jozani nằm giữa những vịnh ngập mặn, là nhà của nhiều loài động vật đang nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có khỉ đỏ châu Phi. Nhưng bất chấp vẻ đẹp của hòn đảo được mệnh danh đảo ngọc Đông Phi này, khu rừng trên đang chịu sức ép lớn từ việc sản xuất than và chăn nuôi không bền vững của người dân bản địa. Trong một nỗ lực để bảo vệ khu rừng có nguy cơ bị xóa sổ trên đảo này, người dân địa phương đang được dạy cách để nuôi bướm.

Theo sáng kiến của Trung tâm bướm Zanzibar, người dân ở đây được trả một khoản tiền để giữ rừng nguyên vẹn cho việc nuôi bướm. Ngoài việc được huấn luyện và cung cấp thiết bị, hàng tháng, mỗi người dân tham gia chương trình có thể kiếm được khoảng 250USD nhờ bán sâu bướm cho trung tâm. Họ bắt bướm cái, đưa chúng vào lồng bằng lưới để đẻ trứng. Sau đó, họ thu thập trứng, nuôi chúng thành sâu bướm, thành kén cho đến khi chúng biến thành nhộng... thì đem bán cho trung tâm bướm, nơi sẽ xuất khẩu hoặc giữ lại để phục vụ du khách tham quan.

Phụ nữ đảo Zanzibar vừa nuôi bướm vừa có thể chu toàn việc gia đình

Rungu Hamisi, một trong những nông dân kiếm sống nhờ sản xuất than, cho biết: “Nuôi bướm dễ hơn sản xuất than nhiều và tôi có đủ tiền để nuôi cả nhà”. Thu hoạch bướm nhanh hơn bất kỳ vụ mùa nào vì chúng sinh trưởng rất nhanh. Một chu kỳ để trứng chuyển hóa thành nhộng, rồi thành bướm chỉ mất vài tuần là có thể đem bán. Theo các quan chức trung tâm, dự án này cũng mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ vì vừa kết hợp chăn nuôi bướm với làm việc nhà. Bà Mwamvua Ali (49 tuổi) cho biết: “Tôi có đủ tiền để nuôi con mà không cần phá rừng làm than nữa”. Trước đó, vẫn biết rằng đốn rừng để lấy than là phá hoại môi trường nhưng họ vẫn làm vì họ không có sự lựa chọn nào khác để kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Thành lập từ năm 2008, Trung tâm bướm Zanzibar - một trong những khu triển lãm bướm lớn nhất châu Phi - hiện là nhà của hơn 50 loài bướm bản địa, có cả bướm phượng châu Phi to bằng chiếc khăn tay và rất khó bắt. Số tiền mỗi người dân kiếm được khác nhau tùy thuộc vào số lượng nhộng và chủng loài họ mang đến cho trung tâm. Thông qua dự án, nhiều nông dân đã nhận ra tầm quan trọng của những khu rừng được bảo tồn và nhiều người đã gặt hái lợi nhuận tốt hơn từ nuôi bướm. Những loài bướm quý hiếm và khó nuôi được mang đến trung tâm được trả tiền nhiều hơn. Có không ít người hàng tháng có thể kiếm khoảng 500.000 shillings (250USD).

Theo Ngân hàng Thế giới, đốt than và củi chiếm khoảng 90% năng lượng được sử dụng cho nấu nướng ở Tanzania. Ước tính, 130.000 - 500.000ha rừng bị phá hủy mỗi năm từ hoạt động sản xuất than, nông nghiệp và chăn nuôi, trong khi nhiều ngành nông nghiệp đòi hỏi phá rừng dẫn đến sự thay đổi khí hậu và nguy cơ tuyệt chủng nhiều sinh vật. Theo chuyên gia Natalie Tempel-Merzougui, mục đích của chương trình không chỉ nhằm giáo dục ý thức về tầm quan trọng của bảo vệ rừng, ý thức về quyền phải sở hữu rừng, mà còn tạo điều kiện kiếm thêm thu nhập, giúp cải thiện đời sống người dân địa phương.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục