Nuôi con dù đã trưởng thành

Nuôi con dù đã trưởng thành

Lần đầu từ Bỉ về Việt Nam thăm gia đình, tôi mang theo cả giấy khai sinh của con phòng khi hải quan làm khó. Năm bảy lần qua cửa ải ở Pháp, Đức, Séc, Phần Lan... không có chồng đi cùng vẫn trót lọt, chẳng ai hỏi giấy khai sinh. Đầu năm nay một nữ hải quan ở sân bay Zurich (Thụy Sĩ) băn khoăn: “Tôi rất nhạy cảm vấn đề này. Cô không mang theo giấy khai sinh, lấy gì chứng minh là mẹ của hai bé?”.

Bọn trẻ không mang họ của mẹ, đứa nhỏ nhất chưa biết nói, còn đứa biết nói trông lại chẳng giống mẹ, tôi chứng minh đường nào? Tôi phân trần con trai 5 tuổi rưỡi chỉ nói được tiếng Hà Lan và biết chút tiếng Việt, nhân viên hải quan vẫn rời khỏi bục kiểm soát, quỳ xuống trước mặt thằng bé, hỏi bằng tiếng Anh “Người này có phải mẹ cháu không?”, thằng bé bẽn lẽn gật gật, nhân viên hải quan nhắc lại “Mẹ thật chứ?”. Lại gật. Những người xếp hàng phía sau bật cười. Không biết thằng bé hiểu tiếng Anh từ lúc nào hay linh cảm cần phải gật trong tình huống này.

Đầu năm 2016, đọc báo mới biết luật về họ tên đã sửa đổi, từ nay con của các cặp vợ chồng có giấy kết hôn chính thức có thể mang họ bố hoặc họ mẹ, thậm chí ghép tên hai họ, tùy thỏa thuận giữa cha mẹ. Không thống nhất được cứ ra tòa, lấy họ khác cũng chẳng sao. Cuối cùng ở xứ có tiếng là bình đẳng bình quyền này, dòng họ của các bà mẹ cũng lên ngang hàng dòng họ các ông bố. Càng thuận lợi hơn cho các cô vợ Việt lấy chồng Tây, nhiều trường hợp con do mình mang nặng đẻ đau nhưng từ tên họ trong hộ chiếu cho đến ngoại hình chẳng có gì là... của mẹ.

Công lý về chuyện họ tên hóa ra vẫn dễ tìm hơn tìm việc. Chúng tôi thường nói vui với nhau như thế. Bạn tôi tên Thảo ở Frankfurt - Đức lo lắng: “Vợ ở nhà nội trợ chồng được giảm thuế, lại đỡ tiền thuê người lau dọn nhà cửa, chăm sóc trẻ. Nghĩa là vừa làm mẹ vừa kiêm giúp việc, nhưng vẫn mang tiếng chồng nuôi. Ở Việt Nam thuê giúp việc kiểu này hàng tháng đàng hoàng nhận lương. Rồi sau này con cái lớn lên liệu có nể trọng và nghe lời một bà mẹ ít giao tiếp xã hội, suốt ngày quẩn quanh trong nhà?”.

Trước khi lấy chồng, Thảo làm chuyên viên ngân hàng. Sang Đức muốn làm đúng nghề phải đầu tư 3 - 5 năm đào tạo lại liên tục. Ít phụ nữ nào đủ sức và đủ ý chí dậy sớm thức khuya một tay cầm vở ôn bài một tay bồng con bú mớm. Lại thêm trở ngại ngôn ngữ. Đành chấp nhận lao động chân tay đơn giản, nhẹ về kỹ năng để đỡ phải đào tạo lâu, dễ tìm việc làm.

Sức vóc mét rưỡi, nặng chưa đủ bốn mươi ký mà Thảo đu người lau cửa kính, kỳ cọ từng tay vịn cầu thang, trèo ghế kiễng chân miết góc chiếc đèn chùm cho bóng loáng suốt 5 tiếng đồng hồ mới xong. Còn phải nhớ sử dụng từng loại hóa chất tẩy rửa bồn cầu, vòi nước, nền nhà, bàn ghế, khung kính... riêng biệt, các loại khăn lau riêng biệt. Chủ nhà lấy tay miết trên cuống đèn, lắc đầu bảo: “Vẫn còn bụi, lau lại”. Thảo hì hục lau hai giờ nữa, cuối ngày mệt mỏi trở về nhà với 50 EUR trong tay, nước mắt chứa chan.

Cũng nhận mức tiền công tối thiểu 8 EUR/giờ như thế, Linh - bạn tôi ở Hà Lan làm chân phục vụ quán ăn Việt ở Rotterdam ngỡ ngàng: “Không những chạy bàn cùng lúc bê hai ba chiếc đĩa to nặng mà còn phải phụ nấu phở, rửa bát. Tối về bàn tay co quắp lại, các ngón rớm máu đau không duỗi ra được vì mỗi ngày phải bào 15kg cà rốt”. Sau vài tháng đóng vai trò “mẹ cũng đi làm”, Thảo và Linh cùng bỏ việc. “Gọi là có lương nhưng quá ít, chồng lại không được giảm thuế nữa. Bao nhiêu mệt mỏi bực tức mang về trút vào chồng con, bữa cơm tối cũng không đủ sức nấu nữa. Thương chồng thương con, lại ở nhà chờ con lớn rồi tính tiếp”, Thảo nói.

Lễ rửa tội cho một em bé lai Bỉ - Việt

Nghe Thảo và Linh bàn kế hoạch chờ con lớn tính tiếp sự nghiệp ở xứ người mà chạnh lòng, nghĩ tình cảnh các bà mẹ bản xứ chưa hẳn luôn sáng sủa hơn. Phán quyết ở Kortrijk (Bỉ) mới đây về trường hợp của bà Claudine Deprez cho thấy sự thực hiển nhiên: con cái dù bước vào tuổi hai mươi, có việc làm vẫn được phép về nhà đòi mẹ nuôi ăn ở miễn phí. Bà Deprez 53 tuổi có ba con trưởng thành còn ở với mẹ. Hai con đầu mỗi tháng góp 250 EUR, con trai út 27 tuổi có thu nhập ổn định vẫn từ chối chia sẻ chi phí. Góp ý, năn nỉ, thương lượng mãi không được, cực chẳng đã bà Deprez phải lôi con út ra tòa để mong con sống có trách nhiệm hơn. Kết quả, con trai vẫn không chi tiền, còn tòa phán quyết bà Deprez cũng không thể bắt con đóng góp trừ khi anh ta ký hợp đồng cụ thể. Nuôi con đến tuổi trưởng thành, mẹ vẫn trắng tay và tiếp tục đi tìm công lý.

KIỀU BÍCH HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục