Nuôi dưỡng nguồn thu

Cứ đến mùa mưa, tiểu thương tại các chợ của TPHCM lại lao đao vì sức mua giảm mạnh. Ngoài lý do hàng hóa không đa dạng phong phú, không có các chương trình khuyến mãi như siêu thị, người tiêu dùng lo ngại về chất lượng… thì còn một nguyên nhân sâu xa là tình trạng nhếch nhác, xuống cấp tại hầu hết các chợ cho đến nay vẫn chưa được cải thiện.

Thống kê tại một số quận trung tâm cho thấy, có đến hơn 70% số chợ cần được nâng cấp, cải tạo. Tại nhiều chợ loại 1 và 2 của TPHCM như An Đông, Bình Tây, Tân Định, Bà Chiểu… đều đã bị xuống cấp ở nhiều mức độ khác nhau: nơi thì tường bị nứt, bị tốc mái; nơi thì cứ có mưa là có ngập vì nền chợ thấp so với mặt đường và vì hệ thống thoát nước quá tệ… Nhận xét về hệ thống chợ truyền thống, một chuyên gia thị trường thở dài: chợ có bao giờ được lên cấp đâu mà chẳng xuống!

Cùng với sức mua giảm, tiểu thương tại nhiều chợ cũng đứng ngồi không yên bởi tình trạng quy hoạch treo. Trong đề án quy hoạch tổng thể về chợ, siêu thị trên địa bàn TPHCM, nhiều chợ sẽ được chuyển đổi công năng theo theo mô hình trung tâm thương mại (TTTM) kết hợp chợ truyền thống hoặc cao ốc kết hợp TTTM… Và vì nhiều lý do, việc cải tạo các chợ vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, giấy phép kinh doanh của tiểu thương đã hết hạn nhưng chưa được gia hạn vì phải chờ xây dựng mới.

Theo tính toán của quận 5, toàn quận hiện có 14.000 hộ tiểu thương và 8.000 doanh nghiệp (trong đó quận chỉ quản lý 3.000 DN, 5.000 DN còn lại là chi nhánh hoặc văn phòng đại diện). Thu ngân sách từ các hộ kinh doanh (gồm tiểu thương và hộ cá thể) hiện chiếm tới 70% - 80% trong tổng số hơn 1.100 tỷ đồng thực hiện năm 2009. Riêng tại chợ An Đông, hiện có 1.600 tiểu thương nhưng mức nộp ngân sách dự kiến năm 2010, theo kế hoạch “trên” giao khoảng 56 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với 10 năm trước. Không chỉ đóng góp thuế, chợ An Đông hiện giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động dưới nhiều hình thức.

Ở góc độ kinh tế, thu ngân sách tăng đồng nghĩa với mãi lực tăng, cuộc sống tiểu thương ngày càng khấm khá. Nhưng thực tế lại diễn ra theo chiều ngược lại. Chợ đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, khách hàng bị “chia năm, xẻ bảy” với các hình thức kinh doanh khác.

Theo một vị lãnh đạo quận 5, với cách tính thuế như hiện nay (do mức thuế trên giao tăng bình quân 30%-35%/năm) thì buộc quận phải tính toán lại các nguồn thu. Riêng với các chợ, để đảm bảo kinh doanh, mức tăng chỉ điều chỉnh khoảng từ 10%-12%. Với tình hình hiện nay, việc duy trì một mức thuế ổn định cũng đã rất khó cho họ, chứ đừng nói đến việc tăng. Hậu quả là nguồn thu từ các hộ cá thể mất khoảng 25% do họ chuyển đổi sang các hình thức khác để… né thuế. Đơn cử như TTTM Đồng Khánh, trước đây số hộ kinh doanh lên tới hơn 1.000 nhưng nay chỉ còn khoảng 400 hộ!

Vấn đề đặt ra, liệu chúng ta có đang tận thu mà quên đi việc nuôi dưỡng nguồn thu? Có đi thực tế và quan sát mới thấy chưa bao giờ tiểu thương rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay. Để duy trì việc ngồi chợ, họ buộc phải đi vay nóng, chơi hụi với mức lãi lên tới 4%-5%/tháng. Điều gì sẽ xảy ra nếu tình trạng vỡ hụi xảy ra hàng loạt? Làm gì để khắc phục việc tiểu thương bỏ chợ? Việc đầu tư cho các chợ truyền thống đã xứng tầm so với việc họ đóng góp cho ngân sách? Đó là những vấn đề cần được các cơ quan chức năng xem xét một cách nghiêm túc.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục