Nuôi dưỡng ước mơ cho học sinh khuyết tật

Ba giáo viên giáo dục chuyên biệt được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay đại diện cho hàng trăm thầy cô giáo đang ngày đêm chắp cánh những ước mơ, giúp những học sinh kém may mắn phát triển, hòa nhập cộng đồng. Hạnh phúc của thầy cô chỉ đơn giản là được nhìn thấy các em thay đổi, tiến bộ từng ngày, vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.

Đến bằng sự yêu thương

Trò chuyện với cô Trần Hồng Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TPHCM), chúng tôi cảm nhận rõ được tình thương yêu và những trăn trở đối với học sinh khuyết tật. Với 14 năm dạy trẻ mầm non, 22 năm dạy và quản lý trẻ khuyết tật, cô Vân đã có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, cập nhật chương trình học phù hợp với các em ở từng độ tuổi, từng trường hợp. 

Nuôi dưỡng ước mơ cho học sinh khuyết tật ảnh 1  Cô Trần Hồng Vân (trái) và cô Huỳnh Thị Thúy Hương 
Từ khi ngồi trên giảng đường đại học, cô Vân đã mong muốn được chăm sóc học sinh khó khăn, nhất là những em khuyết tật, kém may mắn. Đầu năm 1999, UBND huyện Bình Chánh xây dựng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật bán tập trung huyện Bình Chánh - và cô Vân được phân công về đây. Từ đó đến nay, cô kiên trì dạy dỗ, gắn bó với bao trẻ kém may mắn. Trung tâm hiện có 23 lớp với tổng số 258 học sinh tuổi 3-18 - đa số khuyết tật trí tuệ, khiếm thính, tự kỷ…

Những ngày đầu đứng trên bục giảng là chuỗi ngày lo lắng, áp lực, khó khăn nhất của cô Vân. “Thời gian đầu, hầu như tôi không thể hòa nhập với các em. Tôi không biết làm gì với những tình huống đang xảy ra, nhất là khi thấy các em chậm nhớ, mau quên, khó tiếp thu… Tôi bắt đầu học thêm nhiều phương pháp giảng dạy, tìm cách hiểu các em hơn để tìm ra phương pháp dạy hợp lý nhất”, cô Vân nhớ lại. 

Với trẻ khuyết tật, ngôn ngữ và thị giác các em đều hạn chế, ban đầu cô - trò chỉ giao tiếp với nhau qua xúc giác, khẩu hình miệng. Nhiều em khả năng xúc giác hạn chế, cô Vân phải áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, sử dụng đồ dùng dạy học trực quan, sinh động để các em dễ hiểu. “Giáo viên phải có cái tâm, yêu nghề, nhẫn nại với trẻ khuyết tật thì mới có thể gắn bó, giảng dạy các em được. Đồng thời, cần hiểu rõ tâm lý, có sự quan tâm, đồng cảm yêu thương các em nhiều hơn thì mới có hiệu quả”, cô Vân chia sẻ.

Trong hơn 22 năm gắn bó, đồng hành học sinh khuyết tật, cô Vân có rất nhiều kỷ niệm khắc sâu. “Năm 1999, khi thấy học sinh khuyết tật đều có hoàn cảnh khó khăn, nghĩ mãi, tôi liên hệ thử và được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM hỗ trợ 12 máy trợ thính. Lần đầu nhìn thấy các em nghe được tiếng động, âm thanh cuộc sống bên ngoài, các em rất vui mừng, háo hức. Lúc ấy bao nhiêu mệt mỏi trong tôi đều tan biến. Vậy là tôi có thêm động lực đi vận động, xin thêm máy trợ thính”, cô Vân nhớ lại.

Sáng tạo phương pháp dạy

Để giúp học sinh khuyết tật tiến bộ, phát triển, nhiều giáo viên đã có sáng kiến, xây dựng các phương pháp giảng dạy phù hợp, tìm cách hiểu tâm lý các em. Sự nhẹ nhàng, động viên tinh thần và khuyến khích các em có giá trị hơn tất cả. Ở đó, giáo viên là cầu nối, là người bạn đồng hành, đưa các em khuyết tật hòa nhập với bạn cùng trang lứa.

Có mặt tại Trường Hy Vọng (quận 6, TPHCM), chúng tôi gặp cô Huỳnh Thị Thúy Hương, giáo viên kiêm tổ trưởng chuyên môn, thấy được sự nhiệt huyết, yêu nghề, đồng cảm với học sinh kém may mắn tại ngôi trường này. Với sự sáng tạo trong phương pháp dạy, hiểu tâm lý học sinh, với tình yêu thương học sinh, cô Hương và nhiều đồng nghiệp đã giúp các em phát triển, ra trường và học ở các cấp cao hơn. Cô là một trong 3 giáo viên, cán bộ quản lý đoạt giải Võ Trường Toản năm 2021 với nhiều sáng kiến, giải pháp giúp trẻ khuyết tật phát triển và hòa nhập cộng đồng.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Trung ương 3, về dạy tại Trường Hy Vọng vào năm 2008, năm 2010-2012, cô Hương học liên thông đại học chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Giai đoạn 2014-2017, cô học thêm khóa chuyên viên tâm vận động và nhiều khóa học khác liên quan đến giáo dục đặc biệt. Cô cho biết, Trường Hy Vọng hiện có 120 học sinh, chủ yếu là khiếm thính và khuyết tật trí tuệ. Trong mùa dịch, các em không học trực tiếp tại trường, mà học online tại nhà.

Cô Hương nhớ lại những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn về phương pháp dạy, hiểu tâm lý mỗi đứa trẻ. Đối với trẻ bình thường, giáo viên dạy theo khung chương trình có sẵn, nhưng đối với trẻ kém may mắn, giáo viên phải đánh giá năng lực từng trẻ rồi đưa ra phương pháp, chương trình dạy sao cho phù hợp nhất. Để các em tiếp thu, cô Vân thường xuyên dùng nhiều phương pháp khác nhau, nhất là phương pháp tiếp cận cá thể, cầm tay chỉ tận tình, để các em dễ nhớ, dễ hiểu.

“Bản thân giáo viên phải luôn đồng cảm, dành tình yêu thương cho các em, kiên trì, nhẫn nại, có như vậy thì mới gắn bó được với nghề. Khi giảng cho học sinh khuyết tật, tôi thường lặp đi lặp lại nhiều lần các bài học, luôn động viên, khuyến khích khi các em tiến bộ dù rất nhỏ”, cô Hương tâm sự. 

Nhìn lại chặng đường hơn 13 năm đã đi qua với bao buồn vui, cô Hương mỉm cười: “Với tôi, hạnh phúc nhất là được các em chào đón mỗi sáng khi vừa tới trường, có thể là tiếng reo hò, những cái ôm, cái hôn thân thương. Những lúc đó, tôi lại tràn đầy năng lượng, tiếp tục theo đuổi công việc. Hạnh phúc là khi chứng kiến nhiều em phát triển, có thể đi học ở các cấp cao hơn”.

Cô Nguyễn Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng Trường Hy Vọng, nhận xét, cô Hương luôn là giáo viên năng động, nhiệt huyết, yêu nghề, đi đầu trong công tác giảng dạy và các phong trào của trường. “Tôi mong ngành giáo dục có chế độ riêng cho giáo viên các trường chuyên biệt, bởi hiện nay đa số thầy cô nơi đây hưởng lương chung theo chế độ giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học nên rất thiệt thòi”, cô Xuân Mai bày tỏ.

Danh sách giáo viên chuyên biệt đoạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có cô Hoàng Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Thảo Điền, TP Thủ Đức. Cô Thu Hường là một giáo viên đầy tâm huyết với trẻ khuyết tật. Với 3 năm làm giáo viên và 15 năm làm cán bộ quản lý, cô đã đạt được nhiều danh hiệu, bằng khen từ TPHCM, Bộ GD-ĐT.

Tin cùng chuyên mục