Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhận đất giao khoán đã tự ý phá đất trồng rừng, đào ao nuôi tôm công nghiệp. Việc nuôi tôm không theo quy hoạch đã đem đến nhiều hệ lụy cho những người xung quanh, nguy cơ phá vỡ vùng tôm sinh thái…
Nhiều hộ dân bất chấp quy hoạch, tự ý đào ao nuôi tôm công nghiệp trong vùng nuôi tôm sinh thái
Phá vỡ quy hoạch
Địa bàn ấp Kênh Ranh (xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) là khu vực nuôi tôm sinh thái quy mô lớn ở tỉnh Cà Mau. Với mô hình nuôi tôm này, bắt buộc nông dân phải thực hiện kết hợp nuôi tôm truyền thống quảng canh với môi trường ngập mặn tự nhiên. Đó là trong ao nuôi tôm phải có 50% độ che phủ rừng ngập mặn. Sử dụng con giống chất lượng cao và thả không được vượt quá 20 con/m²/năm. Đáp ứng tiêu chí đó, nông dân sẽ được cấp chứng chỉ Naturland (sản phẩm hữu cơ tôm sinh thái) và chứng chỉ này được công nhận trên toàn cầu, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU
Hiện vùng nuôi này đang bước vào vụ chính nhưng người nuôi tôm sinh thái đang thấp thỏm lo âu trước việc nhiều hộ dân đào ao nuôi tôm công nghiệp gần đó. Trao đổi với chúng tôi, ông Quách Anh Tuấn (trưởng ấp Kênh Ranh) nói: “Vừa qua, nhiều người dân địa phương được UBND xã Viên An Đông triển khai rộng rãi quy hoạch của huyện là trong địa bàn xã không được nuôi tôm thẻ chân trắng với hình thức công nghiệp. Hiện dân trong vùng nuôi tôm theo mô hình sinh thái và phát triển khá tốt. Tuy nhiên, có hộ ông Quách Phú Muộn tự ý đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Việc này nguy cơ làm ảnh hưởng môi trường nước xung quanh nếu xảy ra dịch bệnh”.
Tương tự, nhiều hộ dân ấp Kênh Ráng (xã Viên An Đông) cũng đau đầu trước việc ông Lê A Til phá vỡ quy hoạch vùng nuôi tôm sinh thái của địa phương. Trao đổi với chúng tôi về việc này, ông Trần Văn Trong, Chủ tịch UBND xã Viên An Đông, cho biết: “Việc ông Til phá rừng nuôi tôm, chúng tôi đã xử phạt hành chính về hành vi đào bới đất rừng trái phép và buộc khôi phục lại hiện trạng. Tuy nhiên, hộ ông Til thực hiện chưa nghiêm nên tới đây chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý mạnh hơn. Còn trường hợp ông Muộn, địa phương đang phối hợp với huyện để có hướng xử lý cụ thể”.
Cần quyết liệt xử lý
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Cà Mau xảy ra tình trạng tranh cãi gay gắt giữa những hộ dân nuôi tôm theo 2 mô hình khác nhau. Việc nuôi tôm công nghiệp trong vùng tôm sinh thái, nuôi tôm trái quy hoạch đã gây nhiều hệ lụy cho người dân xung quanh như: tôm nuôi bị dịch bệnh chết liên miên, năng suất giảm, đời sống gặp khó khăn…
Huyện Ngọc Hiển là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm sinh thái được cấp giấy chứng nhận lớn nhất của tỉnh Cà Mau (hơn 10.000ha). Trước thực trạng người dân tự phát nuôi tôm công nghiệp trong vùng nuôi tôm sinh thái, ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ngọc Hiển, nói: “Trên địa bàn huyện chỉ quy hoạch 300ha nuôi tôm công nghiệp ở những nơi cặp theo tuyến sông, không có điều kiện trồng và phát triển rừng. Còn những khu vực không đủ điều kiện, nuôi tôm trái quy hoạch thì chúng tôi sẽ xử lý, ngăn chặn”.
Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, mô hình nuôi tôm sinh thái là lợi thế rất đặc trưng của tỉnh vì có điều kiện hết sức thuận lợi nhờ mật độ rừng che phủ khá lý tưởng (chiếm khoảng 60% diện tích), còn lại 40% diện tích để nuôi tôm. Vì vậy, chỉ cần hướng dẫn người dân nuôi theo quy trình, quản lý con giống, kỹ thuật nuôi tốt là con tôm đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận “tôm sinh thái”, có khả năng đạt được chứng nhận an toàn thực phẩm ở mức độ cao.
Xung quanh việc người dân nuôi tôm trái quy hoạch trong vùng tôm sinh thái, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý theo quy định. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân hiểu và thực hiện đúng quy hoạch. Theo mục tiêu phát triển thủy sản của tỉnh Cà Mau đến năm 2020, địa phương sẽ mở rộng việc chứng nhận tôm sinh thái lên 20.000ha kết hợp trồng rừng, nhằm xây dựng “vùng bờ biển sinh thái” vừa sản xuất tôm được chứng nhận với giá trị cao vừa bảo vệ trước tác động của nước biển dâng. Nuôi tôm kết hợp trồng rừng vừa là cách thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời cung cấp nhiều lợi ích khác về môi trường rừng, biển đặc thù của địa phương.
TẤN THÁI