Để đa dạng hóa đối tượng vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang đã triển khai mô hình nuôi vịt biển.
Sau 10 tháng thử nghiệm tại 4 hộ ven biển của các xã Phú Đông và Phú Tân (huyện Tân Phú Đông), mô hình này đã đạt hiệu quả cao. Đến tháng 12-2016, mô hình nuôi vịt biển đã mở rộng lên 24 hộ tại các địa phương ven biển bị nhiễm mặn và xâm thực, góp phần tạo hướng đi mới để phát triển kinh tế, giải quyết lao động nhàn rỗi cho người dân ven biển.
Đàn vịt biển theo mô hình thí điểm kết hợp nuôi cá của chị Nguyễn Thị Kim Hiếu, ấp Rãnh, xã Phú Đông, có tỷ lệ sống và tăng trọng nhanh hơn 10%-15% so với các giống vịt nuôi trước đó
Giống vịt biển do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên thuộc Viện Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, có thể nuôi lấy thịt hoặc nuôi sinh sản bằng thức ăn công nghiệp, cám, lúa, nghêu, sò và nhiều loại cá từ biển; vịt có thể uống nước với độ mặn 8% -10% , nuôi trong 3 tháng đạt trọng lượng 2,5-3kg/con với tỷ lệ đẻ trên 75%
Nhân viên Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang tiêm phòng cho đàn vịt biển và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi vịt an toàn sinh học tại xã Phú Đông. Dự án đã hỗ trợ 100% giống, 25% tiền thức ăn (vịt từ 1 ngày tuổi đến 20 tuần tuổi) và hỗ trợ 25% thuốc sát trùng cho hộ tham gia mô hình
Mô hình nuôi vịt biển trên vùng nuôi tôm hoang hóa do bị biển xâm thực và thiếu nước ngọt của ông Trần Văn Cẩn, ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ
Đại lý Thành Phát hợp đồng thu mua trứng vịt biển, tạo đầu ra ổn định cho các hộ nuôi
Trứng vịt biển to, vỏ dày, nhiều lòng đỏ và vị ngon hơn so với vịt nuôi nước ngọt.Với giá trung bình 5.000 đồng/trứng, sau khi trừ phí thức ăn, cho thu nhập bán trứng 200.000 - 400.000đồng/ngày/hộ
TRÀNG DƯƠNG