LTS: Từ hôm nay, thứ tư 2-11, Báo SGGP phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM mở chuyên mục “Làm gì để nông dân TP vươn lên làm giàu”, mỗi tuần 2 kỳ vào ngày thứ tư và thứ sáu trên trang Kinh tế - Đô thị, với những bài viết về các mô hình làm ăn giỏi, bài bản, có tính đột phá hay độc đáo... Chuyên mục có sự tham gia của các nhà khoa học như: Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng, TS Nguyễn Đăng Nghĩa (Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới), PGS-TS Mai Thành Phụng (Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp Việt Nam), TS Dương Hoa Xô (Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM), Th.S Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt). Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được bài viết của bạn đọc gần xa tham gia để làm phong phú thêm chuyên mục này. |
Tôi vào Củ Chi (TPHCM), đi qua Tân Thông Hội. Ở đây tôi thấy có rất nhiều ao, đầm bỏ hoang. Hỏi ra mới biết, đó là những vùng đất đã được quy hoạch nhưng nhiều năm nay người ta chưa xây dựng. Tôi chợt nghĩ tới việc: Tại sao không tận dụng để nuôi vịt. Những vùng đất đó nếu thả vịt thì chả ảnh hưởng gì. Bao giờ họ lấy lại đất thì chỉ một… ngày là ta lùa đàn vịt đi hết. Vậy, sao bà con không tận dụng. Ngoài ra còn rất nhiều chỗ ta có thể thả vịt. Đặc biệt, vào thời buổi này, nếu mà ta lại nuôi được cả vịt trời vào những chỗ đó thì có khả năng làm giàu nhanh. Vịt trời có khó nuôi lắm đâu! Nuôi nó cũng na ná như nuôi các loài vịt khác. Những người đã nuôi được vịt trời đều mau chóng đổi đời. Họ giàu lên nhanh chóng! Điều đó rất dễ hiểu. Vì rằng, dân TP rất thích ăn vịt trời. Thịt vịt trời ngon, ngon hơn các loại thịt khác. Do đó, giá một con vịt trời (trên dưới 1kg) từ 300.000 đến 500.000 đồng. Có lúc vào quán, người ta đòi tới 650.000 đồng/con! Thế mà dân TP vẫn ăn. Đắt vậy mà họ vẫn thích. Nếu người tiêu dùng thích thì sao bà con lại không nuôi (!?).
Ở Việt Nam, người nuôi vịt trời đầu tiên có lẽ là anh Tô Quang Dần ở Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Đó là một thanh niên nông thôn hiền lành, sống trên khu đồi hoang vắng giáp Lạng Sơn. Hàng ngày, anh thả lưới bắt cá trên hồ. Bỗng một hôm, mấy con vịt trời sà xuống và vướng vào lưới. Anh bắt chúng về nhưng không thịt mà nảy ra ý định thả nuôi. Anh nhốt chúng lại trong chuồng và hàng ngày cho chúng ăn. Lúc đầu không quen, lũ vịt chạy nháo nhác. Nó rất sợ người. Nhưng dần dần, lũ vịt trời cũng được anh thuần hóa. Chúng ăn và quấn quýt lấy chủ. Nuôi được 2 tháng, anh thấy lũ vịt đã thân thiết lắm nên anh quyết định mở chuồng để chúng ra ngoài cho thoải mái. Nào ngờ, cả mấy con vịt bay vù đi mất. Vợ chồng anh tiếc ngẫn, tiếc ngơ. Nhưng thật may, tới chiều, chúng lại quay về vì đã quen với chuồng, quen chủ. Họ mừng lắm! Từ đấy, họ thực hiện việc nuôi vịt trời. Tới nay anh đã nuôi được hàng ngàn con. Anh cũng hướng dẫn nhiều người ở mọi miền cách nuôi vịt trời. Tới thăm anh, tôi thấy cả các bác ở tận Cà Mau cũng ra để học hỏi cách nuôi. Đến nay, hầu như ở vùng nào cũng đã có người nuôi được vịt trời thành công. Bà con mình có thể tới những gia đình đó để tham quan, học hỏi, mua con giống và tự tổ chức nuôi.
Anh Tô Quang Dần chăm sóc vịt trời. Ảnh: T.L
Trong giai đoạn đầu, vịt phải được nuôi nhốt. Ta nhốt chúng trong chuồng hoặc trong các khu nuôi được giăng lưới. Vịt không bay được. Trong khu vực đó, nên tạo ra các hố nước để lũ vịt bơi lội và tắm táp. Trong 20 ngày đầu, ta cho vịt ăn cám của gà con. Sau đó, chuyển cho chúng ăn cám của vịt đẻ. Tới tháng thứ 3 chỉ cho chúng ăn toàn lúa. Lúc này, ta có thể thả chúng ra ngoài. Lũ vịt trời thích bơi lội và bay nhảy. Tuy nhiên, nó đã quen nhà, quen chủ nên không bỏ đi. Tới chiều là chúng lại lũ lượt kéo về chuồng. Cứ nuôi như thế đến 4 - 5 tháng là có thể xuất bán. Lúc đó, mỗi con có thể đạt 0,9kg - 1,2kg. Nếu muốn nuôi đẻ thì phải nuôi tới 7 tháng. Vịt trời có thể đẻ 100 trứng/năm. Ta sẽ tự sản xuất ra giống để mở rộng quy mô nuôi.
Rõ ràng, nuôi vịt trời không khó mà lại cho ta thu nhập cao. Ai có điều kiện, nên tổ chức nuôi vịt trời. Còn gì chưa hiểu hoặc muốn tham khảo thêm về kỹ thuật, xin bà con liên hệ trực tiếp anh Tô Quang Dần qua điện thoại 0963 916 744.
Chuyên gia nông nghiệp - NGUYỄN LÂN HÙNG