Nút like tai hại

Nút like tai hại

Giữa tháng 9, một thanh niên thế hệ 9X tên N.T đăng ảnh cá nhân, hùng hồn tuyên bố: “Bức hình này nếu đủ 40k like (40.000 like), tôi đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa! Đủ like sẽ làm, tôi nói là làm. Share mạnh để có cái hay hấp dẫn mà xem”. Chỉ trong thời gian ngắn, người dùng Facebook nhiệt tình “tặng” cho N.T hơn 93.000 lượt like, 8.300 lượt bình luận và hơn 5.600 lượt chia sẻ. Đã “hứa” là làm, bạn trẻ đổ xăng lên người, châm lửa và nhảy thật nhanh xuống kênh Tân Hóa gần đó. N.T nổi tiếng chỉ sau một đêm “tự thiêu”.

Sau vụ “đủ like là tự thiêu” của N.T, trào lưu “nói là làm”, “đủ like là làm” nở rộ trên Facebook với nhiều phiên bản khác nhau: đủ like sẽ ăn phân, đủ like là lấy dao đâm vào người, đủ like cởi áo quần ra đường, đủ like tung clip nóng… Và mới đây, ngày 9-10, một nữ sinh lớp 8 tại Khánh Hòa dám cả gan “châm lửa đốt trường” vì lỡ nông nổi tuyên bố trên Facebook: “Nếu tấm ảnh này được 1.000 like, 5.000 bình luận sẽ đốt trường”. Sau khi thực hiện, nữ sinh bị bỏng hai chân, nhập viện cấp cứu.

Nữ sinh lớp 8 bị ép đốt trường vì lỡ câu like trên mạng xã hội (ảnh cắt từ clip)

Điểm lại tất cả các phiên bản “đủ like là làm”, không khó để nhận ra một điều rằng những lời thách thức, câu like nhảm nhí lại có sức hút rất mạnh đối với các bạn trẻ, người dùng Facebook. Các lượt xem, lượt chia sẻ và đặc biệt “bão like” đến hàng chục ngàn lượt đổ về dồn dập, dành cho những nhân vật quá đỗi bình thường. “Lần nào cũng hô hứa là làm để câu like không chán à? Lần này đủ like rồi đó, sao không thực hiện luôn đi”, một người dùng Facebook hối thúc trường hợp của N.T. Còn trường hợp nữ sinh lớp 8, có khá nhiều học sinh chứng kiến nhưng không ai ngăn cản, thậm chí các em còn dùng điện thoại vừa ghi hình vừa thúc giục, giọng lạnh lùng: “lẹ lên”; “đốt đi”; “đốt nhanh đi, sao đứng đó hoài vậy? Mày không đốt là mày ăn đòn đó!”…

Và tất nhiên, ở một môi trường mà giá trị sống ngày càng dễ dãi khi được tung hô bằng nút like thì vô số giá trị ảo khác cũng lên ngôi. Từ sự cổ súy của Facebook bằng những nút like, xu hướng càng khác người, càng kinh dị mới nổi tiếng trở nên phổ biến. Mới đây, một nhân vật tên Tùng Sơn nổi lên trên khắp mạng xã hội sau khi anh cover cực sốc ca khúc “Anh cứ đi đi” tại cuộc thi âm nhạc “The simple beat” ngày 27-9.

Sau đó, một trang Facebook “người của công chúng” tên Tùng Sơn được nhiều người biết đến với hơn 500.000 lượt thích. Rất nhiều đoạn clip quay cảnh Tùng Sơn “môi dày, miệng loe”, trang điểm lòe loẹt, mặc váy hoa, mang giày cao gót nói về chuyện tình yêu; nhảy nhót khoe thân; hát hò; nhiều bộ ảnh gây sốc... được tung lên. Mỗi clip, mỗi bộ ảnh, mỗi chia sẻ của nhân vật luôn nhận được hàng triệu lượt xem, hàng trăm ngàn lượt like, hàng chục ngàn lượt chia sẻ. Nhanh chóng trở thành tâm điểm mạng xã hội, từng bước đi của Tùng Sơn ngày càng lộ rõ. Không ít người đặt dấu hỏi có hay không một ê kíp lăng xê sau lưng chàng trai này? Những việc anh chàng làm có phải là những sở thích ngẫu nhiên không hay là sự tính toán để hòng chen chân vào showbiz, để kinh doanh trên mạng xã hội dù bị miệt thị, chửi rủa như thế nào?

Nút like dường như là một phản ứng dây chuyền từ tâm lý đám đông, với mong muốn cùng nhau “bóc mẽ” cách sống ảo trên mạng xã hội của người khác. Họ like vì tò mò, vì bị thu hút? Like để thể hiện sự miệt thị? Like vì nghi nhờ, vì ghét, muốn vạch mặt chủ nhân bài viết chỉ sống ảo, câu like? Hay họ muốn chứng kiến thật những “lời hứa” nguy hiểm đó? Phải rồi, họ chỉ like thôi, không hề phải chịu bất cứ trách nhiệm nào nếu sự việc xảy ra. Và vì thế, thay vì kêu gọi dừng lại, báo với người có trách nhiệm để ngăn sự việc không diễn ra, một bộ phận người dùng mạng xã hội lại kích động, đe dọa ép các bạn trẻ làm thật, cổ súy những việc nguy hiểm…

TIỂU TÂN

Tin cùng chuyên mục